Sáng kiến cộng đồng

View Original

Phối hợp với phụ huynh giúp trẻ lớp mầm phát triển kỹ năng tự phục vụ trong hoạt động hằng ngày

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu,

Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Lời dạy của chủ tịch Hồ chí Minh lúc sinh thời đã nhắc nhở chúng ta rằng làm việc gì cũng cần sự đồng thuận, đoàn kết từ dân thì cho dù việc gì khó khăn mấy cũng thành công.

Vì thế, khi được Ban Giám Hiệu nhà trường phân công cho tôi dạy lớp Mầm 1. Tôi vui và cũng hơi bở ngỡ vì các bé ở lứa tuổi này chưa có thói quen tự phục vụ bản thân, chủ yếu nhờ sự giúp đở của cha mẹ, ông bà, các con chưa biết tự rửa tay, lau mặt, trẻ chưa biết tự múc ăn, chưa biết gấp quần áo,…

Nhằm để hình thành cho trẻ kĩ năng tự phục vụ góp phần nâng cao công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ được tốt, tôi đã mạnh dạn chọn  giải pháp: “Phối hợp với phụ huynh để giúp trẻ lớp Mầm phát triển kỹ năng tự phục vụ trong hoạt động hằng ngày ”. 

Khi thực hiện biên pháp trên tôi gặp rất nhiều thuận lợi cũng như khó khăn như sau: Thuận lợi khi được sự quan tâm của phụ huynh về công tác chăm sóc - giáo dục cho trẻ. Phụ huynh có kiến thức về nuôi dạy trẻ khoa học. Bên cạnh đó tôi gặp không ít khó khăn vì do phụ huynh rất nuông chiều theo sở thích của con, thường làm thay trẻ. Đa số phụ huynh đều đi làm nên không có thời gian quan tâm đến các bé, thường gởi bé cho ông bà, người thân. Tôi chưa hiểu đặc điểm từng trẻ, chưa nắm được hoàn cảnh gia đình trẻ.Vì thế, tôi đã mạnh dạn chọn  giải phápPhối hợp với phụ huynh để giúp trẻ lớp Mầm phát triển kỹ năng tự phục vụ trong hoạt động hằng ngày ”.

Giải pháp 1: Lập group zalo cho lớp

  • Zalo là cầu nối để kết nối mọi người đến gần nhau hơn. 

Đa số phụ huynh của lớp là viên chức nên thường không đưa rước trẻ mà là ông bà. Vì thế ngay khi mới nhận lớp tôi đã tạo group zalo cho lớp. Thông qua group zalo này tôi tìm hiểu được thói quen, sở thích, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ; cũng như hiểu tâm tư nguyện vọng, những nhu cầu của phụ huynh mong muốn khi gởi con. 

  • Zalo truyền tải thông tin đến tất cả phụ huynh.

Trong tuần tôi có kế hoạch dạy trẻ kỹ năng mang vớ thì tôi đưa tin nhắn và gởi vào group zalo của lớp đến phụ huynh.

Hoặc khi tôi phối hợp nhờ phụ huynh rèn thêm cho bé khi ở nhà tôi sẽ gởi kèm tin nhắn.Nhờ tôi thông tin trên zalo nên tất cả phụ huynh đều được xem tin nhắn và phụ huynh sẵn sàng hỗ trợ tích cực việc rèn thêm cho trẻ ở nhà.

  • Zalo thể hiện tính thuận tiện

Qua zalo phụ huynh cũng biết được các hoạt động của bé ở lớp như: hoạt động học, ăn, ngủ, vui chơi tại trường thông qua những đoạn clip, hình ảnh mà cô gởi vào group zalo của lớp. 

Với những kỹ năng khó thực hiện như: rửa tay, lau mặt, đội nón bảo hiểm,… thì tôi quay clip hoặc gởi trình tự các bước thực hiện vào zalo để nhờ phụ huynh xem và hướng dẫn trẻ thêm ở nhà. Với 1 tiết học mời PH tham dự thì PH chưa sắp xếp đến dự được nhưng khi tôi gởi hình ảnh hay quay clip dạy gởi vào zalo thì tất cả nội dung đều được truyền tải đến ba mẹ, người giám hộ của trẻ. Phụ huynh sẽ xem khi có thời gian rãnh. 

Khi tập cho trẻ những kỹ năng trên thì thường phụ huynh sẽ phản hồi những hình ảnh hoặc clip để gởi đến giáo viên. Đó là sự tương tác hai chiều mang lại hiệu quả cao nhất trong các giải pháp.

Giải pháp 2: Phối hợp với phụ huynh thông qua buổi họp

Tôi chuẩn bị kỹ về các nội dung cô sẽ trao đổi trong buổi họp. Xác định nội dung nào trọng tâm và nội dung ít quan trọng để sử dụng thời gian hợp lý. Tôi lưu ý giải thích những nội dung mà phụ huynh thường gặp như: Tại sao cần rửa tay trước khi ăn? Vì sao cần để trẻ tự múc ăn?... để phụ huynh hiểu rõ và phối hợp tốt với nhà trường

Giải pháp 3: Phối hợp với phụ huynh thông qua bảng tin

Bảng tin của lớp luôn đầy đủ các phần như: Chăm sóc giáo dục, dinh dưỡng, sức khỏe và công tác phối hợp với phụ huynh.Tôi tuyên truyền các nội dung sẽ dạy trong tuần, những kết quả mà trẻ đã thực hiện được và vận động phụ huynh hỗ trợ theo kế hoạch giảng dạy trong tuần tới. Ngoài ra, lớp cũng có lời cảm ơn nhằm tri ân đến những phụ huynh đã phối hợp thực hiện tốt các hoạt động để giúp trẻ có những kỹ năng tốt hơn. 

Giải pháp 4: Phối hợp với phụ huynh thông qua tổ chức các giờ hoạt động ở lớp

  • Thông qua giờ đón trả trẻ

Tôi đặc biệt chú trọng việc trao đổi hai chiều với phụ huynh. Các nội dung trò chuyện của tôi với phụ huynh học sinh chủ yếu liên quan đến trẻ và sự tiến bộ của trẻ, hoặc tìm kiếm các giải pháp giúp phụ huynh khắc phục khó khăn trong quá trình dạy trẻ. Tôi không dành thời gian nói chuyện phiếm với phụ huynh.

Giờ trả trẻ cũng thế, khi phụ huynh đón bé tôi trao đổi với phụ huynh là hôm nay bé đã có nhưng tiến bộ nào, bé đã biết tự nhắc ghế, biết phụ cô kê bàn, đã biết tự gấp quần áo ra sao,… Tôi khen ngợi trẻ trước mặt trẻ và phụ huynh để trẻ có thêm động lực cố gắng hơn nữa, phụ huynh cũng nhìn nhận sự tiến bộ từ trẻ.

  • Thông qua giờ học

Tôi luôn chuẩn bị đồ dùng học tập thật bắt mắt, thu hút trẻ và với phương châm “học mà chơi- chơi mà học”, “lấy trẻ là trung tâm” tôi luôn tạo không khí vui vẻ trẻ được trải nghiệm, được thực hành, được hoạt động, tương tác tích cực và tôi chỉ là người khai thác, gợi ý giúp đỡ, hỗ trợ, động viên trẻ khi trẻ cần. Các hoạt động phải đi từ dễ đến khó, có bài tập nâng cao, bồi dưỡng cho trẻ giỏi. Có bài tập, trò chơi rèn luyện củng cố thêm cho các bé còn chậm. Tôi luôn quan tâm sâu sát tất cả các trẻ, luôn khen ngợi trẻ khi trẻ làm được cũng như khích lệ, động viên trẻ khi trẻ chưa làm được cố gắng nhiều hơn.

Tôi cũng thường xuyên chú ý đến những bé còn tự ti, nhút nhát như: mời bé kê bàn, bê ghế, lấy đồ dùng học cụ cho nhóm,… Từ đó, tôi thấy bé tự tin hơn hẳn, thích đi học hơn, thích phụ giúp cô và ba mẹ ở nhà.

  • Thông qua giờ ăn, giờ ngủ

Giờ ăn của trẻ cũng thế tôi trao đổi cùng phụ huynh để rèn thêm cho bé; cùng phối hợp ba mẹ ở nhà để khuyến khích trẻ tự múc ăn, tự dọn đồ dùng sau khi ăn xong.

Qua giờ ngủ tôi rèn trẻ biết lấy gối, lấy giường, biết xếp đồ dùng ngay ngắn sau khi ngủ.

+ Hiệu quả mang lại:

Về phía trẻ:

- Chuyên cần trẻ đạt từ 90%95%.

- Trẻ có kỹ năng thực hiện các thao tác vệ sinh như: Rửa tay, lau mặt, đánh răng,… đạt tỉ lệ 85%.  

- Có khoảng 75% trẻ tham gia tốt vào công tác trực nhật, biết phụ giúp cô trong tổ chức giờ học, giờ chơi, giờ ăn,...

- Trẻ có kỹ năng tự phục vụ như: mang vớ, xếp được quần áo, chải đầu,… đạt từ 68% đến 78%.

- 93% trẻ mạnh dạn, tự tin, tham gia tốt các hoạt động ở lớp.

Về phía Phụ huynh:

- Có từ 80-90% phụ huynh thấy bé ngoan hơn, thích đi học hơn, về nhà bé biết làm những công việc vừa sức.

- Phụ huynh an tâm hơn về cách chăm sóc giáo dục của cô và hỗ trợ tích cực những nguyên vật liệu cho giáo viên đạt khoảng 65%.

- Phối hợp tốt với giáo viên khi tổ chức các hoạt động.

- Phụ huynh luôn tham gia hỗ trợ rèn trẻ mọi lúc mọi nơi.

Về phía giáo viên:

- Hiểu được tầm quan trọng trong việc rèn kỹ năng tự phục vụ đối với trẻ 3-4 tuổi.

- Giáo viên tạo được sự đồng cảm, tin tưởng từ phía phụ huynh.

Trong năm tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ mời phụ huynh tham dự. Trong học kì I năm học 2022-2023 lớp đã tổ chức “Đổi mới bữa ăn cho trẻ” có 15 phụ huynh tham dự. Sang học kì II lớp đã tổ chức giờ học với đề tài “Bé pha nước tắc” có 18 phụ huynh tham dự. 

- Qua việc thực hiện “Phối hợp với phụ huynh để giúp trẻ lớp Mầm phát triển kỹ năng tự phục vụ trong hoạt động hằng ngày ” và kết quả đạt được nêu trên tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Tôi nhận thấy việc phối hợp với phụ huynh giúp trẻ 3-4 tuổi có thói quen tự phục vụ là hết sức cần thiết, không phải là việc làm ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình luyện tập và có hệ thống đòi hỏi giáo viên phải gương mẫu, kiên trì, nhẫn nại khắc phục khó khăn để tìm ra phương hướng là điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi hướng dẫn, tập cho trẻ một thói quen nào đó cần phải nhẹ nhàng, kiên trì không nóng vội mà phải luôn giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ trẻ. Vì vậy, đối với giáo viên lớp mầm rất cần có tình thương yêu trẻ, yêu nghề, tận tuỵ với công việc, luôn kiên trì tìm tòi nghiên cứu các phương pháp, hình thức dạy trẻ phù hợp có kết quả cao, phối hợp với đồng nghiệp trong lớp nghiêm túc thực hiện quy chế chăm sóc nuôi dạy trẻ đảm bảo 100% giờ nào việc nấy. 

Bên cạnh đó, phải trao đổi thường  xuyên với phụ huynh những nội dung mà cô và trẻ đã thực hiện ở lớp, cũng như việc thực hiện ở nhà của trẻ để cùng nhau tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Với các bé độ tuổi 3-4 tuổi thì việc tập cho trẻ có kỹ năng tự phục vụ là một trong những thói quen rất hữu ích. Nó giúp bé có tính tự lập tự rửa tay, lau mặt, biết cầm muỗng xúc ăn, biết phụ cô kê bàn ghế, biết tự gấp quần áo. Thông qua thói quen này, nó giúp cho trẻ có một sức khỏe tốt để trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt. Chính vì vậy mà đây là hoạt động rất cần thiết đối với các bé.

Tôi rất mong những kinh nghiệm này có thể được áp dụng với những trường trong huyện có lứa tuổi 3-4 tuổi có đặc điểm giống như lớp tôi.

“Trẻ nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, một đứa trẻ sẽ có kỹ năng tự phục vụ tốt nếu được ba mẹ thầy cô quan tâm sâu sắc và bồi dưỡng ngay từ nhỏ. Chính vì vậy, phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm chăm sóc trẻ, cùng phối hợp với giáo viên, nhà trường là điều hết sức cần thiết để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ, là nền tảng cho sự hình thành và hoàn thiện nhân cách cho trẻ sau này.

Với đề tài trên tôi đã được công nhận sáng kiến, giải pháp cấp cơ sở năm học 2022-2023 theo QĐ Số 4669/QĐ-UBND ngày 5 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh; đã thực hiện áp dụng biện pháp trên trong thi giáo viên giỏi cấp Trường – cấp Huyện đạt giải Nhất, thi giáo viên giỏi cấp Thành Phố đạt giải Ba.

istar.doimoisangtao.vn

See this gallery in the original post