Blue Eye: Sáng tạo nhân văn cho người khiếm thị
Nhận thấy những khó khăn khi người khiếm thị tiếp cận thông tin từ sách báo, Phạm Nhật Hoàng, học sinh lớp 12 Lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa) đã sáng chế ra thiết bị “Blue Eye, ứng dụng di động hỗ trợ đọc văn bản cho người khiếm thị”, giúp những người không nhìn thấy ánh sáng có thể tự đọc sách, báo mà không cần sự hỗ trợ của người khác.
Sản phẩm của niềm đam mê
Một lần tình cờ, Phạm Nhật Hoàng đọc được thông tin nói về một người thầy ở TP Hồ Chí Minh sáng tạo ra kính giúp người khiếm thị đọc sách. Tuy nhiên, với sản phẩm này, người đọc phải giữ nguyên tư thế trong suốt quá trình đọc nên sẽ không được vận động thoải mái. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích, giúp người khiếm thị đọc sách mà vẫn có thể vận động cơ thể, ngay từ năm lớp 10, Nhật Hoàng đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng và cho ra sản phẩm đầu tay tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh. Tuy nhiên, do sản phẩm bị ẩm, các bo mạch gặp sự cố nên sang lớp 11, Nhật Hoàng cải tiến và hoàn chỉnh sản phẩm.
Dù có niềm đam mê tin học từ nhỏ và trang bị những kiến thức về lập trình, điện, các loại IC, vi điều khiển, cơ khí... từ những năm học cấp 2, nhưng khi bắt tay vào việc nghiên cứu, hoàn chỉnh thiết bị Blue Eye, Hoàng gặp không ít khó khăn. Thời gian này, vừa phải hoàn thành chương trình học ở trường vừa tập trung nghiên cứu, cải tiến thiết bị nên Hoàng đã phải nỗ lực rất nhiều cộng với sự động viên của gia đình, em mới vượt qua những thử thách ban đầu để tiếp tục đam mê sáng tạo của mình.
Nhật Hoàng chia sẻ: “Em nhận thấy việc đọc sách là cách hữu ích và tiện lợi để tiếp cận, thu thập thông tin. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị, việc đọc rất khó khăn. Chính vì thế, em mới nảy ra ý tưởng thiết kế ra một thiết bị giúp họ có thể đọc được những cuốn sách bình thường mà không cần có sự trợ giúp của người khác”.
Để tạo nên công cụ giúp người khiếm thị đọc văn bản, Phạm Nhật Hoàng đã sử dụng camera và vi mạch để thu thập hình ảnh văn bản sau đó chuyển thành giọng nói, giúp người khiếm thị có thể tiếp cận dễ hơn với các kho sách, văn bản thực mà không cần phải đợi chuyển đổi sang ngôn ngữ ký hiệu Braille. Vì người sử dụng khó có khả năng thao tác trên điện thoại thông minh nên phần mềm điều khiển được Hoàng thiết kế bằng các nút hỗ trợ.
Từng bước hoàn thiện sản phẩm
Thiết bị “Blue Eye, ứng dụng di động hỗ trợ đọc văn bản cho người khiếm thị” được thiết kế chạy trên nền tảng Android, sử dụng phần mềm Vbee, phần mềm chuyển đổi văn bản Tiếng Việt thành giọng nói (Text to speech) với chi phí rất thấp (500 đồng/1.000 kí tự, được miễn phí 10.000 ký tự). Tuy nhiên ban đầu, vì Hoàng sử dụng phần mềm nhận diện ngôn ngữ không trả phí nên việc nhận diện ngôn ngữ rất khó khăn. Về sau, để đảm bảo ứng dụng trên không gặp sự cố khi hoạt động, Hoàng đã đi làm thêm, dạy gia sư để dành được 6 triệu đồng và mua server Cloud Google OCR - server có chức năng nhận diện chữ viết thông qua hình ảnh; nhờ vậy, ứng dụng chạy nhanh và mượt hơn.
Hoàng cho biết, ban đầu thiết bị Blue Eye được thiết kế để đọc được các văn bản trên giấy. Cụ thể, Hoàng thiết kế một khay có kẹp để cố định trang sách, một khay khác để cố định điện thoại sau đó bấm nút hỗ trợ để điện thoại chụp ảnh trang sách, sau đó xử lý thành văn bản và đọc trên điện thoại. Tuy nhiên, sau đó, em viết lại chương trình, nâng cấp lên một bước để ứng dụng không chỉ đọc báo giấy mà còn có thể đọc tất cả các trang báo mạng. Thời gian để điện thoại xử lý văn bản và đọc thành tiếng mất khoảng 10-15 giây. Nếu quá 20 giây, hệ thống sẽ báo lỗi để người khiếm thị có thể căn chỉnh lại sách, điện thoại. Với những tính năng đó, Blue Eye là một giải pháp để giúp người khiếm thị tiếp cận được các loại sách, báo, tạp chí... thông thường mà không cần nhiều sự giúp đỡ của người thân, chủ động hơn trong việc đọc và học tập.
Vì sản phẩm là phần mềm trên điện thoại, nên theo tác giả, việc nâng cấp và sửa chữa ứng dụng đều rất dễ dàng. Hiện, server Cloud Google OCR đã được Nhật Hoàng mua từ đầu nên người dùng sau không phải trả phí. Riêng chi phí chuyển văn bản thành giọng nói do người sử dụng trả nhưng mỗi tháng chỉ tốn 20.000-30.000 đồng. Tuy nhiên, ứng dụng này vẫn còn hạn chế là không phải điện thoại thông minh nào cũng có thể sử dụng được vì vậy thời gian tới, Hoàng cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp phần lập trình để sản phẩm chạy nhanh hơn, chính xác hơn với mong muốn sản phẩm được thương mại hóa và trở nên thực sự hữu ích với người khiếm thị.
“Blue Eye, ứng dụng di động hỗ trợ đọc văn bản cho người khiếm thị” là sản phẩm giàu tính nhân văn, mang nhiều tiện ích, phù hợp để sản xuất, cung cấp cho các trung tâm dành cho người khiếm thị, qua đó thắp lên niềm tin cho những người khuyết tật, góp phần giúp họ hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Sản phẩm này đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (2018-2019).
(Ông Nguyễn Minh Song, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật)