Sáng kiến cộng đồng

View Original

Ý tưởng làm chén, đĩa từ lá chuối lọt top 3 cuộc thi khởi nghiệp sinh viên

See this content in the original post

Làm chén, đĩa... từ lá chuối; pin, sạc... từ silicat vỏ trấu là những dự án giành chiến thắng tại Chung kết VSIC 2019 khu vực miền Nam.

Tối ngày 8/12, hơn 500 bạn trẻ yêu thích sáng tạo vì môi trường đã có mặt tại đêm Gala Chung kết Thử thách Sáng tạo xã hội Việt Nam - VSIC 2019 khu vực miền Nam để cổ vũ cho Top 6 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi.

VSIC 2019 là cuộc thi dành cho đối tượng sinh viên trên toàn quốc nhằm tìm kiếm và hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp hướng đến giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay. Cuộc thi được tổ chức bởi Đại học Ngoại Thương với hai đơn vị trực tiếp thực hiện là Đội Enactus FTU Hà Nội và Business Ideas Team FTU TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về động lực đưa mình đến với VSIC 2019, thành viên Nguyễn Diệu Linh của nhóm VIBALE cho biết: “Khi đi ngang qua các bãi rác, em nhận thấy số lượng túi nylon, hộp xốp mọi người thải ra rất nhiều. Trong khi những rác thải này mất đến hàng trăm, hàng nghìn năm để phân hủy. Đó là chưa kể đến nguy cơ gây bệnh tật như ung thư. Do đó, nhóm em nghĩ đến việc tìm ra vật liệu thay thế để bảo vệ môi trường.”

Từ ý tưởng đó, nhóm VIBALE gồm các bạn sinh viên từ trường ĐH Thủ Dầu Một đã phát triển giải pháp thay thế chén, ly, đĩa, hộp xốp dùng một lần bằng việc sản xuất chén, ly, đĩa, hộp từ lá chuối và thân chuối, tận dụng nguồn phụ phẩm sau thu hoạch quả trong nông nghiệp.

Để cho ra sản phẩm này, nhóm đã tìm tòi sử dụng công nghệ sấy và khử khuẩn tiên tiến nhằm làm cho lá chuối vừa giữ được màu sắc, độ dai vừa đảm bảo được an toàn vệ sinh và thời hạn sử dụng. Dự án này đã thuyết phục được hội đồng giám khảo để lọt vào Top 3 dự án xuất sắc nhất tại khu vực phía Nam.

Cùng lọt vào Top 3 với VIBALE là các nhóm Green Power với các sản phẩm có thành phần từ silicat vỏ trấu như sạc dự phòng, pin... và nhóm L'amour Team với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhựa và người cung cấp rác thải nhựa thông qua ứng dụng "PlastiShare". Ứng dụng này có vai trò như một đơn vị trung gian giữa người dân có nhựa và những doanh nghiệp đang cần nhựa.

Sau vòng Chung kết Khu vực phía Nam, 3 đội thi sẽ tiếp tục tham dự và tranh tài tại Chung kết toàn quốc được diễn ra tại Hà Nội vào ngày 22/12/2019 sắp tới.

Đội thi giành giải nhất sẽ nhận giải thưởng 20 triệu đồng tiền mặt và có cơ hội tiến vào Chung kết Mekong Business Challenge dành cho 6 nước lưu vực sông Mekong tại Myanmar. Trong khi đó, đội đạt giải nhì sẽ nhận được 10 triệu đồng tiền mặt và lọt vào TOP 100 Lee Kuan Yew Global Business Plan Competition tại Singapore. Phần thưởng giành cho giải ba là 5 triệu đồng tiền mặt và suất tham dự Global Entrepreneurship Bootcamp tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Phạm Sơn

See this content in the original post