Sáng kiến cộng đồng

View Original

Chàng trai người Tày chế tạo bếp lò '3 in 1'

See this content in the original post

Tác giả bếp lò này là Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi, người dân tộc Tày, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát, bí thư chi đoàn thôn Đại Thịnh (xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái).

Từ ngày thành lập, hợp tác xã (HTX) tạo việc làm cho 18 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5,2-8 triệu đồng/tháng. Năm nay, Nguyễn Văn Huỳnh là một trong 72 cán bộ Đoàn tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng.

Bốn năm nghiên cứu

Những bếp lò với nguyên liệu đun nấu rơm rạ, vỏ trấu, củi ở quê nhà là một phần ký ức đẹp trong tuổi thơ của nhiều người. Huỳnh cũng vậy.

Nhưng Huỳnh thấy có thể chiếc bếp nhiều tính năng hơn, giảm chất đốt, giảm khói bụi và vì sao không phát triển trên chính quê nhà Yên Bái của mình? Thế là Huỳnh bắt tay vào mày mò chế tạo bếp lò này, làm đi làm lại rất nhiều lần.

Bếp hoàn thành nhưng đưa vào thử nghiệm lại không đạt hiệu quả như mong muốn, chàng trai người Tày không nản chí mà vẫn kiên trì với ý tưởng của mình.

Sau bốn năm, chiếc bếp lò nóng lạnh ra đời, được làm từ inox với nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Khi đưa nguyên liệu vào đun nấu, vỏ bếp có gắn máy thu nhiệt đẩy theo đường ống lên bình bảo ôn có nhiệm vụ tích trữ nước nóng trong quá trình đun nấu.

Bếp ra đời có ưu điểm chịu được nhiệt và tận dụng khoảng 80% lượng nhiệt, giảm chất đốt, giảm khói bụi, đặc biệt thời gian giữ nước nóng lâu với nhiệt độ trên 70 độ C.

Bên cạnh bếp cho gia đình, mới đây Huỳnh còn chế tạo thêm bếp đun nóng lạnh tập thể, chủ yếu dùng cho trường học.

"Ở vùng cao, ban ngày bếp có thể đun nấu cơm cho học sinh ăn, tối đến tận dụng luôn nước nóng từ bếp đun đẩy lên bình bảo ôn cho học sinh tắm. Thay vì sử dụng bình nóng lạnh thì sử dụng bếp này không tốn thời gian" - Huỳnh cho biết.

Chiết xuất nước mặn thành nước ngọt

Cách đây hai năm, Nguyễn Văn Huỳnh tham gia chuyến "Hành trình vì biển đảo quê hương" và nung nấu ý tưởng chế tạo bếp lò nóng lạnh "3 in 1" vừa làm bếp đun nấu, tận dụng nước nóng và có thể chiết xuất nước mặn thành nước ngọt nhằm giải quyết nhu cầu thiếu nước cho các chiến sĩ ở Trường Sa.

Từ chuyến đi đó, Huỳnh về khảo sát, thiết kế sản xuất bếp tại xưởng với thời gian nấu thử 40 phút, tận dụng bình bảo ôn 40 lít có thể làm nóng đến hơn 70 độ C và cho chiết xuất dung tích nước ngọt từ 2,7 - 3 lít nước ngọt.

Một năm sau chuyến hành trình, Huỳnh cho ra đời bảy bếp nóng lạnh.

"Tôi mong muốn đóng góp ý tưởng để làm sao khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt ở Trường Sa. Năm nay nếu được ra Trường Sa lần nữa, tôi dự kiến sẽ tặng cho bảy điểm đảo ở Trường Sa" - Huỳnh chia sẻ.

Huỳnh cho biết những ngày đầu bắt tay vào sáng tạo, Huỳnh gặp không ít khó khăn như thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản trị, kinh doanh, học một ngành mà làm một nghề. Hai là nguồn vốn ở nông thôn rất hạn hẹp, có ý tưởng rồi thì làm sao thực hiện được ý tưởng đó.

Từ trăn trở đó, Huỳnh kêu gọi thanh niên vào HTX cùng mình.

Ban đầu chỉ đăng ký hộ kinh doanh nhỏ lẻ, năm 2018 Huỳnh quyết định thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát chuyên sản xuất các loại bếp nóng lạnh, nồi hơi, nồi chưng cất tinh dầu, máy cấy lúa không động cơ và những sản phẩm khác.

Đến nay ở tám tỉnh, thành phía Bắc đã có đại lý sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát.

HTX có 18 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương.

Hà Thanh (Tuổi trẻ)

See this content in the original post