Sáng kiến cộng đồng

View Original

Bất ngờ loạt sáng chế mang tính ứng dụng cao của học sinh tỉnh Kon Tum

See this content in the original post

Chỉ mới học cấp 2 nhưng nhiều học sinh đã bắt tay vào nghiên cứu, sáng tạo để làm ra những sản phẩm có ích cho con người, xã hội.

Là học sinh lớp 7, em Võ Hồng Vân - trường THCS 24 tháng 4 (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đạt giải Nhì trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng lần thứ XI tỉnh năm 2018-2019.

Nói về ý tưởng và sản phẩm của mình, em Vân cho hay, trong cuộc sống hàng ngày em thấy nhiều người mất ngủ, đau đầu... và khó chịu bởi những mùi ẩm mốc. Do đó, em bắt đầu tìm hiểu những loại thực vật có thể giải quyết vấn đề này.

Qua tìm hiểu trên mạng và sách báo, em biết được lá nếp có thể khử mùi, giảm đau đầu, say xe, trị mất ngủ... do đó, em nghĩ ra việc làm gối bằng lá nếp.

Sau khi trình bày ý tưởng của mình với gia đình, thầy cô và bạn bè, Vân nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy cô, Vân đã tìm ra “công thức” sản xuất ra một chiếc gối lá nếp hoàn chỉnh.

Sau khi lấy lá nếp về, Vân rửa sạch rồi đem phơi cho héo. Tiếp đến, em xé lá thành những sợi nhỏ, phơi khô dưới trời nắng cho giòn. Lá nếp khi đã đạt yêu cầu, Vân bỏ lá nếp thơm vào vỏ gối (hai lần vỏ: vỏ bọc lá và vỏ bao ngoài) rồi tiếp tục đem gối phơi khô dưới trời nắng.

Sau khi gối đã “già” nắng, Vân để gối trong mát một thời gian là có thể sử dụng.

“Gối lá nếp có thể giúp an thần, hỗ trợ cho người bị yếu dây thần kinh, giảm lo âu và căng thẳng, tạo giấc ngủ sâu. Bên cạnh đó, còn giúp giải cảm, chữa bệnh thấp khớp, làm giảm đau nhức xương khớp, bệnh gút...”, Vân chia sẻ.

Theo Vân, mỗi chiếc gối lá nếp có giá khoảng 100.000 đồng, với “hạn sử dụng” trong vòng 12 tháng.

Từ ngày bắt tay vào thực hiện đến nay, Vân đã cho ra đời 70 chiếc gối lá nếp. Với công dụng tối ưu nên hàng xóm, thầy cô đã mua về sử dụng và mang lại những hiệu quả thiết thực trong cuộc sống.

Không chỉ Vân, em Nguyễn Trần Nhật Long, cựu học sinh trường THCS 24 tháng 4 và em Y Diễm Thị cũng đã tìm tòi, sáng chế ra giàn phơi đồ thông minh.

Sau khi nghĩ ra ý tưởng, Long và Y Diễm Thị bắt đầu tìm hiểu trên mạng và nghiên cứu cách vận hành của băng tời trong các công trường.

Sau khi đã nghiên cứu kĩ, 2 em bắt tay vào làm giàn phơi tự động có sử dụng cảm biến để tự thu đồ vào khi trời mưa.

Để làm sản phẩm, 2 em tận dụng ống nhựa, mô tơ, công tắc, dây điện, nút điều khiển từ những đồ điện tử đã hỏng trong gia đình. Bên cạnh đó, các em mua thêm mạch cảm biến.

Chỉ trong vòng một tuần, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, 2 em đã tiến hành đo, thiết kế khung, cắt ống và tạo khung giàn phơi; ráp hệ thống tự động thu vào và hệ thống phơi, thu thủ công; cố định bảng điều khiển vào khung; hoàn thiện phần dây và móc phơi để hoàn thành sản phẩm.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Long cho hay, sau khi móc đồ vào giàn phơi, chỉ cần bấm vào nút màu xanh đồ sẽ được đưa ra phơi. Sau đó công tắc sẽ tự ngắt để bảo vệ các thiết bị điện trong giàn. Để thu đồ khi mưa đến, người sử dụng chỉ cần bấm vào công tắc màu vàng thì giàn phơi sẽ tự cảm biến, nhận tín hiệu.

Sản phẩm của 2 em xuất sắc đạt Giải Ba trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng lần thứ XI của tỉnh năm 2018-2019.

Bên cạnh giàn phơi đồ thông minh, 2 em còn làm thêm một số sản phẩm như: Chuông báo hồng ngoại và đèn dự phòng. Các sản phẩm đều được 2 em tận dụng từ những đồ phế phẩm, không sử dụng của gia đình.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh – Hiệu trưởng trường THCS 24 tháng 4 cho hay, giải thưởng mà các em đạt được là sự nỗ lực, cố gắng, đam mê học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo.

“Khi thấy các em học sinh của trường đạt thành tích cao, tôi rất vui và tự hào. Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ để các em học sinh có thêm nhiều sáng kiến, sản phẩm hay, thiết thực, giúp ích trong đời sống”, cô Oanh nói.

Dung Nguyễn (Giáo dục thời đại)

See this content in the original post