Sáng kiến cộng đồng

View Original

'Hai lúa' chế tạo lò sấy xuất khẩu

See this content in the original post

Ông Dương Xuân Quả (An Giang) với trình độ lớp 9 đã chế tạo trên 5.000 lò sấy nông sản hiệu quả cao, tiêu thụ mạnh trong nước và cả xuất khẩu.

Lò sấy cải tiến giúp tăng năng suất và hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí.

Những ngày cuối tháng 11, xưởng cơ khí của ông Dương Xuân Quả, mà bà con thường gọi Năm Nhã, ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang luôn tất bật để đảm bảo thời gian xuất lô hàng quạt sấy sang Myanmar. Ông cũng đang chuẩn bị lắp đặt trọn gói 3 lò sấy lúa công suất 50 tấn một mẻ cho đối tác Lào.

Ngày làm việc của ông Năm Nhã luôn bận rộn, lúc thì xuống tận nơi để khảo sát, bàn bạc hợp tác chuyển giao công nghệ sấy lúa cho các doanh nghiệp. Khi thì trực tiếp vào xưởng kiểm tra, đôn đốc các kỹ sư và thợ cơ khí làm việc đảm bảo kỹ thuật và tiến độ giao hàng.

Ngoài hai thị trường mới Myanmar và Lào, thời gian qua chúng tôi đã xuất hơn 100 lò sấy sang nước láng giềng Campuchia. Còn trong nước thì đã có mặt tại hơn 60 tỉnh thành, ông nói.

Máy sấy được bà con nông dân trong và ngoài nước tin dùng nhờ đạt hiệu quả thực tế, vận hành bền bỉ, tiết kiệm chi phí. Ít ai ngờ người tạo ra chiếc lò hiện đại này mới chỉ học tới lớp 9, tự học hỏi, chắt lọc kiến thức cơ khí.

"Hai lúa" khởi nghiệp

Nhớ lại lúc mới bắt đầu sự nghiệp, người đàn ông 62 tuổi, da ngăm đen, dáng rắn rỏi không khỏi trầm tư. Nghỉ học khi mới lớp 9, ông lăn lộn nhiều nghề từ nấu rượu, mở lò ấp vịt, lò bánh mì, bánh bông lan... tại quê nhà ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Rồi ông rời quê lên Sài Gòn làm thuê trong xưởng cơ khí. Qua nhiều năm làm việc, người nông dân miền Tây tự học thành thạo kỹ thuật hàn, sửa chữa cơ khí, máy nổ...

Bao năm làm thuê không khấm khá, năm 2003 thợ cơ khí Năm Nhã quyết định quay trở về quê nhà tìm hướng đi mới. Lúc đó ông nhận thấy nhiều người dân địa phương có lò sấy lúa loại từ 5-8 tấn mỗi mẻ nhưng không phổ biết vì hiệu quả thấp.

"Tôi tìm hiểu và phát hiện bộ cánh quạt và kỹ thuật lắp đặt cánh quạt không đúng khiến lò đủ oxy để cháy, không đạt nhiệt độ để sấy và tỏa nhiệt không đều, khiến tiêu hao nhiều nhiên liệu trấu và dầu, khả năng vận hành kém", ông nhớ lại.

Năng suất lò sấy thương hiệu Năm Nhã tăng cao so với các loại máy cũ.

Ông bắt đầu mày mò tìm ra công thức cải tiến bộ phận cánh quạt tạo gió mạnh hơn và đổi cách lắp đặt cánh quạt theo hướng xuyên để tạo luồng gió đi từ phía dưới lên theo vòng xoắn, xoay đều trong lò sấy làm cho nhiêu liệu cháy sạch và đều, tạo nhiệt cao, tỏa đều lên lớp lúa bên trên.

Nhiều lò sấy tại địa phương được ông Năm Nhã cải tiến đã hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Lúa sấy mang đi xay xát cho ra gạo tốt, không bị gãy, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Cụ thể với lò công suất 8 tấn qua bàn tay kỹ thuật của ông tăng lên 12 tấn, nhưng thời gian sấy giảm từ 12 tiếng xuống còn 8 tiếng. Nhờ vậy lượng dầu để chạy động cơ làm xoay quạt gió cho lò sấy từ 1,8 lít xuống còn 1,2 lít, trấu làm chất cháy trong lò cũng giảm 30%.

Mở rộng quy mô

Không chỉ sửa chữa, nâng cấp máy cũ, Năm Nhã dồn số tiền dành dụm gần 10 triệu đồng, mượn thêm bạn bè để mua vật tư nghiên cứu thành công lò sấy cải tiến vỉ ngang 25 tấn. Thế mạnh của sản phẩm này là kỹ thuật lắp đặt cánh quạt nhanh chóng sinh nhiệt, độ nóng đều và duy trì nhiệt độ thích hợp.

Hiệu quả hoạt động tăng cao, chi phí sấy giảm từ 120.00 xuống còn 80.000 đồng mỗi tấn, công suất lớn được các hợp tác xã, thương lái, doanh nghiệp ưa chuộng đến đặt hàng liên tục, ông Năm Nhã vui vẻ nói.

Năm 2007, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã chuyên sản xuất, lắp ráp lò sấy cải tiến đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng. Hiện xưởng cơ khí của ông có 20 kỹ sư, thợ lành nghề làm việc. Ngoài ra đơn vị còn có năm đội chuyên thiết kế và xây dựng các lò sấy phục vụ người dân cả nước và sang tận Campuchia, Lào.

Cơ sở sấy nông sản 3.000 m2, công suất 150 tấn mỗi mẻ tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Sau khi đầu tư 8 lò sấy thương hiệu Năm Nhã, ông Nguyễn Văn Thành đánh giá máy vận hành tiết kiệm nhiều nhiên liệu, lúa sấy không cần trở mẻ mà hạt lúa vẫn đạt ẩm độ đều, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gạo không bị gãy. Riêng về lúa giống sau khi sấy có thể bảo quản trên 12 tháng.

Nhờ có hệ thống băng tải lúa từ dưới ghe lên lò sấy và ngược lại nên chỉ cần một nhân công lành nghề điều khiển lò sấy, nếu so với trước đây thì phải cần khoảng 5-7 người, ông Thành nhận xét.

Bình quân mỗi năm có từ 70-250 lò sấy nông sản mang thương hiệu Năm Nhã xuất xưởng với giá thành 50-700 triệu đồng, thời hạn sử dụng đến 10 năm. Lò sấy đảm nhiệm sấy nhiều mặt hàng như lúa, bắp, đậu, điều, rau củ quả, thảo dược, thủy hải sản...

Thành quả được ghi nhận

Dấu ấn quan trọng đối với người thợ cơ khí trình độ lớp 9 là lò sấy lúa của ông giành giải nhất cuộc thi sáng chế 2014 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng các đơn vị liên quan tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Ban giám khảo cho rằng so với các sản phẩm khác thì lò sấy lúa cải tiến của ông Năm Nhã có nhiều điểm nổi bật như giá thành sản xuất thấp, ứng dụng rộng, chất lượng hạt gạo đạt yêu cầu nhà nhập khẩu quốc tế... Sản phẩm còn nhận đánh giá cao bởi công nghệ xử lý sau thu hoạch đang là vấn đề rất cấp thiết hiện nay đối với nhà nông.

Hai năm trước, được sự hỗ trợ của Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã đã tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia với dự án hoàn thiện hệ thống sấy nông sản vỉ ngang. Ông nhận hỗ trợ 4,5 tỷ đồng xây dựng cơ sở sấy nông sản quy mô lớn với trên diện tích 3.000 m2, công suất 150 tấn mỗi mẻ (gồm ba lò) tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Với sự giúp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, dự án của ông nghiệm thu cuối năm 2018 và chuyển giao đi vào hoạt động thực tiễn.

Với công nghệ sấy vỉ ngang hoàn thiện, tự động hóa, chi phí thực tế giàm đến 50% so với các lò sấy thông thường trước đây. Cụ thể, cơ sở sấy công suất 150 tấn mỗi mẻ chỉ cần tối đa 3 người quản lý, điều hành. Chi phí sấy một tấn lúa với lò sấy thông thường của người dân khoảng 120.000 đồng, nay chỉ còn 60.000 đồng, thời gian rút ngắn từ 12 tiếng xuống còn 6 tiếng. Lò sấy được sản phẩm gạo sữa chất lượng cao đang được thị trường ưa chuộng có giá bán cao hơn 60% so với gạo bình thường của cùng một loại lúa chất lượng cao. Cùng một máy vỉ ngang có thể sấy được lúa, cà phê, bắp...

Bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy, giảm chi phí, gia tăng chất lượng, ông Năm Nhã đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất và xây dựng thương hiệu gạo sữa.

"Hiện tôi đã hợp tác với 10 nhà máy sản xuất gạo sữa với công suất 3.000 tấn mỗi ngày", ông Năm Nhã nói.

Cửu Long (Theo Vnexpress)

See this content in the original post
See this content in the original post