Học sinh lớp 11 làm máy giúp ngủ ngon
Từ máy lọc không khí, máy giúp ngủ ngon đến dùng trí tuệ nhân tạo dự báo trầm cảm... các cô cậu học sinh ở TP.HCM cho thấy sự nhạy bén và khả năng vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 8-1 khiến nhiều người bất ngờ.
Điều bất ngờ đầu tiên chính là sự nhạy bén của học sinh khi các em chọn những đề tài nghiên cứu bắt nguồn từ những bức xúc trong cuộc sống.
Nói về sản phẩm của đề tài "Quan trắc môi trường và giải pháp lọc bụi mịn trong không khí" của mình, học sinh Nguyễn Xuân Khoa và Nguyễn Đức Tân, lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: "Trước tình hình ô nhiễm đến mức báo động ở TP.HCM và Hà Nội, nhóm em đã chế tạo máy quan trắc không khí để đo nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ bụi nhỏ gọn như thế này để dễ mang theo đường xa".
"Đây là máy quạt và lọc bụi mini bằng phương pháp tĩnh điện nên rất an toàn khi sử dụng. Chúng em đã thử nghiệm và kết quả cho thấy 90% lượng bụi trong không khí được lọc sạch; kích thước lại rất nhỏ, cực kỳ tiện lợi khi mang đi xa, điện năng tiêu thụ cũng rất thấp".
Trong khi đó, Trần Phương Anh, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, giới thiệu đề tài nghiên cứu "Thiết kế thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng giấc ngủ của học sinh THPT từ những vật liệu tái chế".
"Năm 2019, nhóm em đã khảo sát tại Trường THPT Gia Định với hơn 250 học sinh, kết quả cho thấy có 74,4% gặp phải những vấn đề về giấc ngủ. Đối với học sinh, chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như: nguy cơ gây stress, rối loạn tâm trạng… và đặc biệt làm giảm sút kết quả học tập".
Phương Anh và Phạm Nguyễn Phương Khanh, học sinh lớp 11D1 cùng trường, đã chế tạo ra một loại thiết bị được làm từ một bình nhựa đã qua sử dụng và tích hợp được 3 yếu tố: màu sắc (ánh sáng màu vàng có khả năng kéo dài chu kỳ giấc ngủ), âm thanh (20 bản nhạc có giai điệu ít biến tấu với khoảng 40-80 nhịp/phút, bằng với nhịp tim khi nghỉ ngơi), tinh dầu (có mùi nhẹ nhàng, dễ chịu, có khả năng giảm stress, giúp tinh thần thư giãn, ngăn ngừa khả năng bị trầm cảm, giảm những suy nghĩ tiêu cực như: tinh dầu hoa hồng, quế, hoa nhài, kinh giới, chanh…).
Khanh tự hào: "Sản phẩm của nhóm em có tính thẩm mỹ chưa cao nhưng bù lại giá thành rất thấp, chỉ vài chục ngàn đồng là có thể có một cái máy giúp ngủ ngon.
Còn tại gian hàng của học sinh Vũ Hồng Đức và Nguyễn Thị Minh Nhật, lớp 11CA1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều người xuýt xoa: "Học sinh thời nay nhạy bén quá, còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông mà đã biết dùng trí tuệ nhân tạo".
Đức và Nhật đã nghiên cứu đề tài "Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM". Đức giải thích: "Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống con người, chúng em sử dụng nó cũng là điều đương nhiên".
Ngoài ra còn có những công trình khác như "Chế tạo thước kẻ Pytago" dùng để học toán trong trường phổ thông của học sinh Lưu Quỳnh Bảo Trân và Trần Trung Kiên, lớp 10H1 Trường quốc tế Việt - Úc; bộ thí nghiệm dành cho học sinh khiếm thị của học sinh Trường tiểu học, THCS và THPT Tân Phú...
Chất lượng đề tài được nâng cao
Theo ông Hồ Tấn Minh, phó trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, sau 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, ban tổ chức đã chọn được 52 đề tài tham dự vòng chung kết cấp thành phố năm học 2019 - 2020.
Ông Minh nhận xét: "Chất lượng đề tài ngày một được nâng cao. Các em đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Điều đáng ghi nhận ở các đề tài nghiên cứu là đa số đều xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn.
Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TP.HCM".
Hoàng Hương (Tuổi trẻ)