Người sáng chế máy làm đất điều khiển từ xa
Tốt nghiệp hệ trung cấp, Trường cao đẳng Nghề - Kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang, chàng trai thế hệ 9X Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Phú An, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) đã có cải tiến kỹ thuật đáng nể, tự động hóa máy làm đất nông nghiệp bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Trong 2 năm học Khoa Cơ điện, Trường cao đẳng Nghề - Kỹ thuật công nghệ Tuyên Quang, Hùng hiểu để chế tạo máy tự động được phải có bộ vi xử lý cực kỳ hiện đại và được lập trình sẵn, còn không phải có bộ thu và bộ phát. Không chịu dừng bước, Hùng bắt đầu nghiên cứu, mua các thiết bị về lắp ráp, có những chi tiết không thể mua được ở Việt Nam, Hùng đặt mua từ nước ngoài.
Hơn 3 tháng máy mò, chế tạo, lắp ráp thử nghiệm, Nguyễn Mạnh Hùng đã hoàn thành bộ thu, phát theo đúng ý đồ. Bộ thu ngoài ắc quy là thiết bị visai chuyển hướng sẽ được gắn chặt vào máy cày, còn bộ phát độc lập với các thiết bị phát sóng điện từ có chức năng phát đi tín hiệu từ người điều khiển. Đầu năm 2018, sau khi hoàn thiện bộ thu, phát, Hùng đã gắn vào máy cày chính thức cho chạy thử, kết quả ngoài sức tưởng tượng, thiết bị nhận tín hiệu rất tốt, máy làm đất chính thức không cần người trực tiếp điều khiển vẫn có thể cày, bừa. Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ, để có được bộ thu, phát kích cỡ 15 x 20 cm hoàn chỉnh đã “ngốn” khá nhiều kinh phí mùa đồ về lắp ráp, không đạt lại bỏ đi...
Thành công ngoài mong đợi
Hơn 1 năm nay, người thôn Phú An, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) đã quen với chiếc máy làm đất hoạt động độc lập, không cần người lái trên những cánh đồng. Ông Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng thôn Phú An chia sẻ, nhiều hôm trời nắng chang chang vẫn cứ thấy máy hoạt động, chẳng thấy bóng dáng người. Ngày đầu lạ lắm, sau quen dần, cải tiến này đã thực sự giải phóng sức lao động cho bà con nông dân.
Nguyễn Mạnh Hùng chủ nhân của chiếc máy làm đất không người lái cho biết, thiết bị thu và bộ điều khiển từ xa ở cự ly 800 m máy nhận tín hiệu rất tốt, tốc độ gấp 1,5 lần so với người trực tiếp điều khiển. Minh chứng những điều mình nói, Hùng đưa máy ra giữa cánh đồng, đứng từ xa bấm nút trên thiết bị để khởi động và lái máy. Quả thật, chiếc máy làm đất vận hành như robot đã được lập trình sẵn đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái, đi lên, xuống dốc, quay đầu, lùi... trong điều kiện địa hình ruộng lầy thụt mà không gặp bất kỳ một sự cố nào. Theo Nguyễn Mạnh Hùng, từ ngày cải tiến được kỹ thuật, gia đình không phải chịu cảnh chân lấm, tay bùn, chầy chầy phơi nắng ngoài đồng cùng máy mà ung dung ngồi trên bờ cao hoặc trong bóng râm để điều khiển. Mong muốn của Nguyễn Mạnh Hùng là chia sẻ sáng kiến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt thiết bị điều khiển từ xa để giảm thiểu sức lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Phú An, xã Thái Long xuất phát từ chính nhu cầu của cá nhân, gia đình, làm những gì mình cần và có thể ứng dụng thực tiễn ngay trong công việc canh tác, trồng trọt. Sáng kiến này đã mang lại lợi ích thiết thực, nhanh chóng, thuận tiện, giảm tối đa sức lao động của người nông dân ở khâu nặng nhọc nhất và đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Đặc biệt, với máy làm đất cỡ nhỏ được điều khiển bằng thiết bị từ xa rất phù hợp với điều kiện địa hình đồng ruộng của tỉnh vốn nhỏ hẹp.
Bài, ảnh: Đoàn Thư/Báo Tuyên Quang