Sáng chế máy lấy tơ sen tự động của nhóm sinh viên trẻ
Nguyên lý của máy mô phỏng lại quá trình thực hiện lấy tơ sen bằng tay của các nghệ nhân. Vật liệu được dán trên bề mặt bàn miết để tăng ma sát cũng được mô phỏng giống như vân tay người.
Chiếc máy lấy tơ sen đầu tiên ở Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 3.000 hecta trồng sen nhưng thân sen đang bị bỏ đi một cách lãng phí, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các sản phẩm từ tơ sen vô cùng đa dạng, từ quần áo, vải vóc và các vật dụng lưu niệm và có giá trị cao.
Nhận thấy nghịch lí này, nhóm sinh viên gồm Ngô Trần Minh Đức, Nguyễn Văn Thắng, Trần Quốc Đạt, Cao Anh Tú (cùng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) và Lương Đức Trung (Trường ĐH Ngoại thương) đã sáng tạo ra chiếc máy lấy tơ sen tự động.
Theo chia sẻ của nhóm, ở các nước như Campuchia, Malaysia thì họ bán những cuộn sen thô từ 3-5kg có giá 700 USD. Những chiếc khăn từ tơ sen của một nghệ nhân người Nhật cũng có giá lên tới hàng ngàn USD. Việt Nam vốn có vùng nguyên liệu rộng lớn, giá thành rẻ nên việc sản xuất các sản phẩm từ tơ sen rất có tiềm năng.
Ngô Trần Minh Đức cho hay, khi đi khảo sát, nhóm được biết nghệ nhân làm lụa từ tơ sen đầu tiên tại Việt Nam - Phan Thị Thuận làm ra một chiếc khăn dài 1m7, rộng 25cm thì cần đến 4.800 cuống sen. Trong khi một người thợ lành nghề chỉ làm được từ 200-250 cuống mỗi ngày. Như vậy, để sản xuất ra một lượng tơ đủ để dệt chiếc khăn phải mất đến hơn 1 tháng. Do đó, giá thành sản phẩm cuối cùng rất cao, khoảng từ 4-5 triệu đồng/1 sản phẩm. Cũng vì giá thành sản xuất cao mà hiện nghệ nhân Thuận đã dừng sản xuất các sản phẩm từ tơ sen.
“Chúng mình đã quyết định nghiên cứu chế tạo máy lấy tơ sen để giảm giá thành, nâng cao năng suất, đặc biệt mang sản phẩm từ sen đến gần hơn với người tiêu dùng”, Trần Quốc Đạt cho biết.
Trong khi đó, Cao Anh Tú cho rằng dự án rất tiềm năng và khả năng cạnh tranh cao khi đây là chiếc máy đầu tiên trên cả nước lấy tơ sen. “Máy có tính tự động hóa cao khi tính toán cho phép tích hợp rất nhiều các mô đun tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng”, Tú nói.
Chế tạo trong... 3 tuần
Theo chia sẻ của nhóm, thời gian sáng chế ra máy chỉ vỏn vẹn có 3 tuần nên sản phẩm còn nhiều hạn chế. Theo Tú, hiện tại, máy đã miết thành công sợi tơ sen. Tuy nhiên, do nguyên liệu đầu vào chưa đúng như thiết kế máy với thân sen mẫu nên tỷ lệ miết chưa cao.
Máy lấy tơ sen gồm 3 cụm chính. Cụm thứ nhất giúp kẹp thân sen và quay, đồng thời lưỡi dao đi vào tạo vết cắt trên thân sen. Cụm thứ hai tay kẹp sẽ kẹp một đầu của thân sen để kéo xoắn nhằm lấy những sợi tơ ban đầu. Và cụm thứ ba sẽ làm công việc miết để nối các sợi tơ với nhau thành một sợi tơ hoàn chỉnh.
Nguyên lý của máy mô phỏng lại quá trình thực hiện lấy tơ từ sen bằng tay của các nghệ nhân. Máy gồm có bàn miết dưới và miết trên, mô phỏng bàn miết tay người. Vật liệu được dán trên bề mặt bàn miết để tăng ma sát cũng được mô phỏng vân tay người để đảm bảo độ mềm mại như tay người.
Theo tính toán của nhóm, hiệu suất của máy có thể gấp 5-7 lần làm thủ công, do đó có thể rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại máy vẫn chưa đạt được hiệu suất này. Nguyễn Văn Thắng cho hay, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là máy hoàn toàn mới chưa có trên thị trường nên việc tối ưu hóa các cơ cấu để dựng máy vô cùng khó khăn. Thứ hai là kinh phí còn hạn hẹp nên nhóm chưa hoàn thiệt được tối đa chất lượng của sản phẩm.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, đây mới chỉ là những kết quả của bước khởi đầu và nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện để máy có thể nhận chất liệu đầu vào là những thân sen có những kích thước, độ ma sát, độ ẩm khác nhau nhằm tăng tỷ lệ thành công trong việc cắt thân, lấy tơ.
Sản phẩm của nhóm mới đây đã giành giải Nhất của cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019”. Sản phẩm được ban giám khảo đánh giá cao ở tính sáng tạo, hiệu quả và có tính ứng dụng cao.
Cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách Khoa 2019” được tổ chức thường niên từ năm 2017 nhằm khuyến khích tính sáng tạo của sinh viên, khả năng kết nối tư duy đa lĩnh vực, rèn luyện kỹ năng tạo ra các sản phẩm thiết thực và đổi mới sáng tạo hướng tới khả năng khởi nghiệp. Năm nay, cuộc thi mở rộng đối tượng dự thi nhằm kết nối giao lưu, học hỏi và khuyến khích khả năng sáng tạo của các sinh viên trong nhiều lĩnh vực, sản phẩm tạo ra đáp ứng được các giải pháp đổi mới sáng tạo.Cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo từ sinh viên các trường ĐH kỹ thuật trên toàn quốc như: Bách khoa Hà Nội, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Thuỷ lợi, Bách khoa Đà Nẵng, Bưu chính viễn thông, Lâm nghiệp, Điện lực.Ngoài giải nhất, BTC còn trao giải nhì cho đề tài nghiên cứu "Vòng đai theo dõi các chỉ số trong thiết yếu vận động" của nhóm BHEALTH (cũng đến từ trường Đại học Bách Khoa), giải ba cho đề tài "Chế tạo các vật liệu nhựa sinh học cao cấp làm từ tảo" của nhóm APLASTIC từ Đại học Thủy lợi. Ban tổ chức cũng trao tặng 3 giải khuyến khích và một số giải bình chọn từ khán giả
Mi Trần