Sáng kiến cộng đồng

View Original

Sáng chế "siêu sao” của một nông dân chân đất người Sán Dìu

Tự mày mò, nghiên cứu sáng chế ra máy bào thẳm dọc và lò hấp gỗ “khủng” với công suất bằng cả 20 - 30 người làm, "nhà sáng chế chân đất" dân tộc Sán Dìu Trương Văn Thủy, thôn Còi Mò, xã Tân Tiến (nay là xã Tân Tú), huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.

Hỏi đường đến nhà Thủy “mộc” cả huyện, cả xã ai cũng biết và nhiệt tình chỉ chỗ. Ngôi nhà sàn nhỏ thó nằm khuất lấp dưới quốc lộ 3 (đoạn km 103+500 Hà Nội - Cao Bằng) của Trương Văn Thủy (Thôn Còi Mò, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) có lẽ chỉ gây chú ý với những thợ sơn tràng hoặc người có tính tò mò bởi những thân gỗ xoan rừng trồng đã được cắt khúc để ngổn ngang và chiếc lò 4 mùa đốt lửa mà không có nổi vệt khói bay lên.

Nhà Thủy hôm nay có khách đường xa, người làm công bảo vậy. Thủy có nghề thuốc, bốc khỏi rất nhiều bệnh về xương khớp. Những vị khách vừa rời đi là đến nhờ lấy thuốc trị bệnh. Trương Văn Thủy bảo, vừa rồi cũng mới gửi thuốc cho ông Lều Vũ Điều, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông ấy đắp mấy ngày bảo đỡ được 60% rồi.

Nhắc đến những sáng chế, Thủy say sưa như lên đồng. Anh bảo, giờ làm gì cũng phải tính đến năng suất và giá thành. Máy bào thẳm dọc của Hàn Quốc lúc đó có giá những 150 triệu đồng, nếu mua về sử dụng thực sự rất khó thu hồi vốn. Bào thẳm bằng tay, dù có cật lực thì năng suất và độ chính xác đều không đạt, mình phải tăng năng suất, giảm giá thành bằng cách sáng chế ra may bào thẳm dọc thôi.

Máy bào thẳm dọc do Trương Văn Thủy sáng tạo ra, phụ nữ có thể vận hành dễ dàng, năng suất và an toàn.

Khi gỗ đã qua máy bào thẳm dọc, mảnh ghép gần như khít tuyệt đối, khó phát hiện bằng mắt thường nếu không để ý màu sắc và đường vân nên tận dụng được tối đa các mảnh gỗ.

“Cái khó là những thứ mình nghĩ, mình làm đều không có để dựa, cải tiến hay lắp ghép mà phải nghĩ mới hoàn toàn, mình có học của máy thẳm bào Hàn Quốc ở hai cái trục, còn lại thiết kế, cấu tạo, cơ chế vận hành đều phải tự nghĩ hết. Khi đã nghĩ thông rồi thì tiến hành thực hiện cũng nhanh lắm”, Thủy nói.

Chỉ trong 1 tháng, máy bào thẳm dọc đã hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, một ngày vận hành máy năng suất bằng 15-30 người làm mà chi phí thực hiện chỉ có 5 triệu đồng. “Độ chính xác gần như tuyệt đối, sản phẩm đã dọc bào thẳm bằng máy này có thể ráp khít 99,9%  không phát hiện dù chưa qua xử lý. Độ an toàn hơn cả máy của Hàn Quốc, gần như tuyệt đối”, anh Thủy cho biết thêm.

Chị Triệu Thị Lâm, người dân tộc Dao, xã Vi Hương, Bạch Thông cho biết, đã làm việc ở xưởng mộc 2 năm nay, xưởng mộc này toàn phụ nữ, thu nhập mỗi tháng cũng đạt 4-5 triệu đồng/người. Làm ở đây vẫn có thể kết hợp làm nông được, chị Lâm hồ hởi.

“Nhân công nhà mình 100% là người dân tộc thiểu số trong vùng như: Tày, Dao, Sán Dìu… Mình muốn tạo công ăn việc làm cho chị em để khỏi phải đi lao động xuất khẩu hay đi lao động chui. Làm ở gần nhà vẫn có thể kết hợp làm nông. Hiện nay đang mùa cấy nên một số chị em đang tạm nghỉ về nhà làm ruộng”, Thủy cho biết.

Khi có máy bào thẳm dọc thì nguyên liệu gỗ lại không đủ cho máy hoạt động, để mua lò hấp phải mất 300 triệu, chỉ cái lò hấp gỗ trong xưởng mộc, Thủy bảo, may năm 2018 trong một lần đi dự hội nghị gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lúc giải lao, mình vô tình thấy một ông có cái hộp hút thuốc lào, mình đã mượn để xem.

Khi mình đổ nước trong hộp đi, cả ông ấy và mình đều không hút nổi, sau mình cho nước từng mức thấy hút êm hơn, mình đã lóe lên ý tưởng làm lò hấp gỗ hơi nước từ chính chiếc hộp hút thuốc này. Khi về đến nhà, mình thức một đêm để nghiên cứu, tính toán, sáng hôm sau bắt tay vào thực hiện luôn. Chỉ sau 3 ngày lò hấp gỗ đã ra đời.

Sáng tạo lò hấp hỗ gỗ không khói có thể cho ra 7m3 gỗ trong 7 ngày thay vì phải đợi khô tự nhiên từ 2-5 tháng, ý tưởng được hình thành từ chiếc hộp hút thuốc lào. Chất lượng gỗ khi qua lò đảm bảo không vênh, co ngót.

Cửa cấp nguyên liệu đốt của lò khi mở.

Cơ chế hoạt động của lò hấp, lửa sẽ đốt bình nước có vách điều dẫn khói tỏa xuống, trộn với hơi nước trong bình khi sôi và bốc lên khoang hấp gỗ, tại đây, gỗ sẽ hút hết khói và hơi, do đó lò sẽ không có khói khi vận hành.

Bình nước sau một năm sẽ được anh Trương Văn Thủy thay mới. Lò hấp có đồng hồ đo nhiệt, có ống dẫn nước vào bình đảm bảo cho bình không cạn.

Về cơ chế hoạt động, Trương Văn Thủy cho biết, lò hấp sử dụng lửa đốt bình nước, tách, điều dẫn khói vào bình để trộn với hơi nước bốc lên buồng gỗ, gỗ sẽ hút hết khói và khô, chắc chỉ trong 7 ngày. Với quy mô lò của Thủy, hiện mỗi mẻ hấp được 7m3 gỗ nguyên liệu.

Theo Trương Văn Thủy, bình thường để gỗ khô tự nhiên phải mất 2 tháng thậm chí nửa năm nên xưởng mộc nhà anh từ khi có máy bào thẳm dọc luôn trong tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu để sản xuất. Ưu điểm của lò hấp gỗ này là nguyên liệu đốt sẵn có, tận dụng phôi bào, đầu mẩu của xưởng, thậm chí các loại rác người dân đem đến đổ vào vẫn không gây ô nhiễm vì không mùi, không khói.

Khi mở nắp nhiên liệu, khói sẽ bốc lên rất mạnh.

Đặc biệt là phần cửa mở của khoang chứa nước, khói dày đặc khi được mở.

Khi đóng cửa khoang chứa nước đồng thời ức chế khói bằng bùn, lò sẽ không còn khói.

Đây là hình ảnh của lò hấp gỗ, sản phẩm sáng chế của "nhà sáng chế chân đất" Trương Văn Thủy khi đang vận hành, hoàn toàn không khói, không mùi, cho năng suất cao, gỗ chắc, bền.

Thành công với lò hấp gỗ, “nhà sáng chế chân đất” Trương Văn Thủy tiếp tục nung nấu ý tưởng sáng chế lò đốt rác không khói. Theo anh Thủy, hiện nay những lò đốt rác trên địa bàn Bắc Kạn đang hoạt động không hiệu quả, khói nhiều mà mùi cũng rất đáng sợ mỗi khi đốt. Anh đang nghiên cứu sáng chế lò đốt rác không khói, có thể đặt ở các cơ quan, các trung tâm xã, phường hoặc thôn bản mà không gây mùi, không ô nhiễm vì không khói.

“Tôi đã thử nghiệm rồi, cả tôn, cả rác thải y tế cũng đều tan chảy được. Cái khó là kinh phí thực hiện, tôi mong có sự đồng hành tạo điều kiện của chính quyền, các cơ quan ban, ngành tỉnh để tôi vay vốn ưu đãi đầu tư cho nghiên cứu. Khi có sản phẩm, đề nghị các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá, và có thể đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh”, anh Thủy chia sẻ. 

Với 2 sáng chế “khủng” của mình là máy bào thẳm dọc và lò hấp gỗ không khói, Trương Văn Thủy đã giành được nhiều giải thưởng sáng tạo từ Trung ương đến địa phương như giải Ba Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ VII, năm 2018 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; giải Nhì của cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn năm 2019…

Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, hội viên Trương Văn Thủy là một hội viên năng động, thích tìm tòi, nhất là từ thực tế công việc hằng ngày của anh ấy. Năm trước đã có sáng tạo, năm nay lại tiếp tục có sáng tạo và rất tích cực tham gia các cuộc thi sáng tạo của TW cũng như của tỉnh phát động. Việc sáng chế máy bào thẳm dọc và lò hấp sấy rất thực tế, tiện lợi, áp dụng được ở địa phương, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất.

See this content in the original post