Bảo quản cam đến 20 ngày bằng màng sinh học PVA

Nguyễn Quốc Trạng, kỹ sư trường ĐH Cần Thơ, đã tạo ra dung dịch màng sinh học PVA (Poly Vinyl Acohol) nồng độ 3%, có thể bảo quản cam sành lên đến hơn 20 ngày.

Cam sành là loại trái cây rất phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, đa phần được dùng làm nước giải khát. Song thị trường tiêu thụ không được rộng do người dân vẫn chưa có biện pháp nào thật sự hiệu quả để bảo quản cam sành.

Người trồng thường thu hoạch cam khi gần chín, quả cam còn cứng để dễ vận chuyển xa. Nhưng thu hoạch khi chưa đủ độ chín sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cam.

Từ những vấn đề trên, kỹ sư Nguyễn Quốc Trạng đã nghiên cứu phương pháp nâng cao thời gian bảo quản trái cây, đặc biệt là cam sành nhưng vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc của cam. Thời gian bảo quan kéo dài đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển xa, mở rộng thị trường tiêu thụ.

PVA là polymer phân hủy sinh học có tính an toàn cao. Màng polymer của nó có khả năng chống thấm khí, keo hóa, chịu dầu và dung môi tốt.

Kết quả nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Nguyễn Hường Hảo – Viện Kỹ thuật Hóa học trong đề tài “Nghiên cứu tổng hợp vật liệu polymer trên cơ sở PVA biến tính với tinh bột, ứng dụng làm màng sinh học trong xử lý và điều trị vết thương” công bố vào tháng 5/2015, cho thấy PVA không gây kích ứng da, không độc tính, vết thương mau khô, làm màng sinh học dùng để chữa trị các vết thương bị bỏng, dùng để xử lý và điều trị các vết thương gây ra bởi hệ quả của bệnh tiểu đường, sau xạ trị ung thư, các vết mổ nhiễm trùng.

Trên cơ sở nghiên cứu đó, Trạng tạo ra dung dịch PVA bằng phương pháp khuấy kết hợp crosslinking. Đây là phương pháp nối các mạch polymer với nhau thành mạch dài hơn và bền hơn.

Sau khi tạo ra dung dịch PVA, Trạng nhúng những trái cam sành chín tới, không bị dập vào dung dịch PVA với nồng độ 3%. Cam sành sau khi xử lý có màu sắc tự nhiên, thời gian bảo quản lâu (trên 20 ngày), dễ vận chuyển và giảm bớt tình trạng bị nhiễm khuẩn và nấm mốc.

PVA có giá thành thấp, quy trình tạo dung dịch PVA đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nên biện pháp này đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dung môi là nước và phương pháp crosslinking vừa đảm bảo được tính an toàn, thân thiện với môi trường vừa đảm bảo được hiệu quả bảo quản sản phẩm. Cách làm này cũng dễ dàng áp dụng trên một số loại trái cây khác” - Trạng cho biết.

Để đánh giá kết quả nghiên cứu, Trạng đã thử nghiệm sản phẩm PVA tại một vườn cam ở huyện Châu Thành, Hậu Giang. 10 trái cam sau khi thu hoạch được rửa sạch và ngâm vào nước muối nồng độ 5% trong 5 phút để diệt khuẩn.

Sau đó, cam sành được nhúng vào dung dịch PVA, với số lần nhúng từ 2 đến 3 lần, mỗi lần nhúng cách nhau 10 phút. Cam sẽ được kiểm tra theo ngày về độ rụng cuống, màu sắc,…

Kết quả cho thấy, thời gian bảo quản cam sành kéo dài đến hơn 20 ngày, phần cuống của trái cam không bị hư do enzyme tác động.

Phương pháp sử dụng màng phủ PVA đơn giản, dễ thực hiện, không tốn nhiều thời gian và công sức cho người nông dân. Qua đó giúp người dân hiểu hơn về màng phủ có nguồn gốc hữu cơ không gây hại đến sức khoẻ con người và dể dàng phân hủy trong môi trường.

Theo kế hoạch, sau khi ứng dụng thành công tại tỉnh Hậu Giang, Trạng sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ một phần chi phí nguyên vật liệu để nhân rộng mô hình dự án, phát triển vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Hà Thế An - Khampha

TinQuânTin tức