Sử dụng đèn flash và micro của smartphone để chẩn đoán bệnh

Điện thoại thông minh sẽ sớm trở thành các phòng thí nghiệm di động với khả năng theo dõi mật độ xương, tính toán mức độ tế bào hồng cầu và thậm chí dự đoán nếu các cơn hen suyễn sắp xảy ra.

Các nhà khoa học đang tận dụng các công nghệ vốn có trong những chiếc điện thoại như gia tốc, đèn flash máy ảnh và micrô để làm công cụ y tế.

GS. Shwetak Patel thuộc trường ĐH Washington hiện đang tạo ra một ứng dụng có khả năng phát hiện mức độ tế bào hồng cầu đơn giản chỉ bằng cách đặt một ngón tay lên trước camera và đèn flash, khi đó một tia sáng sẽ chiếu xuyên qua da. Một công cụ kiểm tra máu như vậy có thể nhanh chóng phát hiện bệnh thiếu máu.

Ông cũng cho rằng trong tương lai, người dùng sẽ có thể đặt điện thoại lên xương của họ để kiểm tra bệnh loãng xương và sử dụng micro để kiểm tra chức năng phổi.

Trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học (AAAS) được tổ chức tại Boston, GS. Patel cho biết: “Nếu bạn xem xét các tính năng trên một thiết bị di động, hãy để ý camera, đèn flash và micro, tất cả chúng đều ngày càng tiến bộ”.

“Những bộ cảm biến trên có thể được sử dụng theo những cách mới, khi đó bạn có thể sử dụng chúng để chẩn đoán các loại bệnh nhất định”. 

“Bạn có thể thực hiện việc kiểm tra phổi bằng micro trên một thiết bị di động nhằm chẩn đoán bệnh hen suyễn. Hãy đặt trường hợp một người lên cơn hen suyễn, nếu bạn có thể theo dõi chức năng phổi của họ ngay tại nhà, bạn có thể lường trước được điều đó”.

Các cảm biến chuyển động cũng có thể được sử dụng cho những mục đích khác. Trường ĐH Washington hiện đang phát triển một ứng dụng mới cho phép một người ấn khuỷu tay lên trên chiếc điện thoại của họ để tạo ra một phản hồi về tần số.

“Bạn có thể bắt đầu thực hiện việc theo dõi bệnh từ xa bên ngoài phòng khám. Điều này sẽ thực sự thay đổi cách chúng ta chẩn đoán và khám bệnh. Hiện nay, bệnh nhân đã có khả năng thu thập các dữ liệu này”.

Beth Mynatt thuộc Viện Công nghệ Georgia hiện cũng đang nghiên cứu về việc sử dụng điện thoại thông minh và máy tính để hỗ trợ các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc ung thư mãn tính.

Bà giúp phát triển các ứng dụng nhằm nhắc nhở cuộc hẹn cho mọi người hay cho họ biết những triệu chứng nào sẽ xuất hiện vào những ngày cụ thể sau hóa trị liệu.

Bà cho biết: “Các công cụ của chúng tôi trở thành một hệ thống hỗ trợ cá nhân”. “Những bệnh nhân mắc ung thư vú được cung cấp một chiếc máy tính cá nhân chứa toàn bộ thông tin về các chẩn đoán và quá trình điều trị của họ”.

“Trước đây, họ được cung cấp những cuốn sổ, còn bây giờ họ có một hệ thống hỗ trợ hàng ngày sẽ báo cho họ những thứ cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật".

Theo Công Nguyễn (Tiền phong)

TinQuânTin tức