Đóng tàu bằng vật liệu PPC: Tàu chạy nhanh, không chìm khi va chạm

Tàu, thuyền đóng bằng PPC chẳng những có tốc độ cao mà còn tránh được nguy cơ chìm khi bị đâm thủng.

Loại vật liệu mới này được đưa về Việt Nam bởi ông Nguyễn Kim Sơn - doanh nhân tại Cộng hoà Séc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ James Boat.

Vật liệu có ưu điểm vượt trội

Nói về PPC, PGS-TS Mark Harvey - Đại học Kỹ thuật Berlin, Đức - cho biết, thời vật liệu này mới xuất hiện (cuối thế kỷ 20), thị trường Séc và châu Âu có phần lãnh đạm với nó. Nhưng về sau, nhờ đặc tính cơ lý và độ bền của mình, PPC đã chiếm được thị phần vốn dành cho compozit, kim loại.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ James Boat, doanh nghiệp khoa học công nghệ đã đưa PPC - Rochling vào đóng tàu ở Việt Nam - cho biết, vật liệu này có nhiều phẩm chất vượt trội như đàn hồi tốt, chịu được sức va đập mạnh.

Tàu đóng bằng PPC tiết kiệm 20-30% nhiên liệu, không gỉ, dễ dàng rửa sạch bằng bọt biển và vòi nước áp lực cao, không bị các loài thủy sinh như hàu, rong rêu bám vào thân và đáy nên giảm được chi phí bảo trì thân vỏ.

Vật liệu có thể tái chế 100% nên không gây hại môi trường, xã hội không tốn chi phí xử lý rác thải.

Đại uý Phan Văn Lễ - Hải đội 1, Cảnh sát biển vùng 1, thuyền trưởng xuồng tuần tra cao tốc MS-50 do James Boat sản xuất - đánh giá, sau 2 năm hoạt động hết công năng, xuồng đã chạy được 6.000 hải lý một cách ổn định, chịu được sóng cấp 5, cấp 6.

“Trước đây, tôi chạy tàu bằng composite, thời gian đầu máy khoẻ nhưng sau đó vận tốc cứ giảm dần bởi vật liệu này ngấm nước, khiến tàu rất nặng. Còn PPC - Rochling nhẹ hơn nước nên tàu có vận tốc lớn, tiết kiệm nhiên liệu. Cũng vì rất nhẹ nên nếu có va chạm, kể cả bị đâm thủng, tàu cũng không bị chìm, rất an toàn“ - đại uý Lễ nói.

Ngoài đóng tàu thuyền, canô, ông Sơn cho biết PPC - Rochling còn có thể dùng xây dựng nhà nổi, bến nổi trên sông, cầu cảng, bến du thuyền... phục vụ dân sinh. Hiện vật liệu này chưa được thử nghiệm đóng tàu dài trên 24m hay tàu kéo.

Khó đăng kiểm vì... quá mới

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi trở thành công ty Việt Nam đầu tiên được chuyển giao công nghệ đóng tàu bằng vật liệu PPC từ Công ty TNHH Off Sea của Séc, James Boat đã ký hợp đồng triển khai dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc MS-50S cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, chế tạo bến cập tàu thuyền cho Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, thuyền vượt sông nhẹ cho Bộ Tư lệnh Công binh...

Ông Sơn cho biết, mặc dù tàu thuyền bằng PPC - Rochling đã được đăng kiểm và sử dụng trong lĩnh vực quốc phòng nhưng loại sản phẩm này hiện vẫn chưa thể thương mại hóa trong dân sự. Đây là sản phẩm được làm từ vật liệu mới nên chưa có tiêu chuẩn để áp dụng đăng kiểm.

“Để cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ thông tin, James Boat đã trải qua quy trình kiểm tra khắt khe như thử uốn, kéo, va đập cường độ mối hàn, thử khả năng chống cháy tại các trung tâm thử nghiệm uy tín và đều cho kết quả tốt. Hội đồng nghiệm thu đều là các giáo sư đầu ngành về vật liệu và công nghệ.

Hơn nữa, vật liệu mà chúng tôi nhập khẩu đã được đăng kiểm bởi cơ quan đăng kiểm Cs Lloyd. James Boat còn chế tạo tàu khách cho một tập đoàn lớn của Việt Nam chạy thử nghiệm tại Nha Trang đã 3 năm nay.

Hiện tàu vẫn vận hành tốt, nhưng hồ sơ vẫn chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép chính thức” - ông Sơn chia sẻ.

Người đứng đầu James Boat bày tỏ hy vọng Bộ Giao thông Vận tải sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về đóng phương tiện thuỷ nội địa vỏ PPC để công ty ông có thể đáp ứng các đơn đặt hàng dân sự, thay vì chỉ bó hẹp trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Tính năng nổi bật của vật liệu PPC:

Nhẹ hơn nước.

Cách âm, cách nhiệt, không hấp thụ nhiệt.

Không ngấm nước, không gỉ.

Chịu nước, axít vô cơ, kiềm và muối.

Không thải ra chất độc hại.

Đàn hồi tốt, chịu va đập mạnh, có khả năng chống đâm thủng, chống đạn súng ngắn cách 50m.

Độ bền cao dưới tác động của lực kéo và lực tải.

Có thể tái chế sau nhiều năm sử dụng với đầy đủ tính chất cơ lý hóa như ban đầu.

Không bị thủy sinh bám, dễ làm sạch.

Theo Bích Ngọc (Khoa học&phát triển)

TinQuânTin tức