Singapore thử nghiệm ‘truyền’ nước chanh qua mạng internet
Bạn có bao giờ nghĩ đến việc chia sẻ thức uống ngay qua mạng cho bạn bè của mình? Điều này sẽ không còn xa khi các nhà nghiên cứu đang bước đầu biến điều này thành sự thật.
Các nhà khoa học thuộc trung tâm Keio-NUS CUTE, cơ sở nghiên cứu giữa Đại học Keio của Nhật Bản và Viện Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đã tìm ra cách để thiết bị điện tử nhận biết mùi vị và màu sắc của nước chanh rồi gửi nó qua mạng internet rồi pha vào một cốc nước đặc biệt.
Cốc nước này sử dụng đèn LED để tạo màu sắc của nước chanh, trong khi các dải kim loại được nhúng ở đầu cốc truyền mùi vị cho lưỡi của bạn.
Điều này khiến chúng ta khi nếm cốc nước này sẽ thấy được vị chua của chanh. Dĩ nhiên đây không phải là một phép màu biến nước lã thành rượu như trong Kinh Thánh.
Nimensha Ranasinghe, một trong bốn thành viên của dự án và là một nghiên cứu sinh tại NUS, cho biết: “Chúng tôi chọn nước chanh bởi mùi vị của nó có thể được mô phỏng bằng điện. Tuy vậy, không phải chúng tôi bị giới hạn. Chúng tôi có thể mô phỏng được vị ngọt, mặn hoặc đắng”.
Dự án này đã được quảng bá rộng rãi vào cuối tháng 3 vừa qua, không chỉ là sao chép hương vị, mà nó còn là một phép thử cho việc tạo ra những trải nghiệm mới về giao tiếp mùi vị đồ uống điện tử hay những trải nghiệm thực tế được truyền gửi đi từ xa.
Sử dụng dòng điện để giả lập hương vị không phải là điều mới. Nhiều nhà khoa học trước đây cũng đã từng sử dụng nhiều cái khác nhau, từ cơ học tới kỹ thuật số để làm điều này. Hiện tại cũng có một nhóm các nhà khoa học ở Nhật Bản cũng đang thực hiện điều này.
Công nghệ này hoạt động bằng cách sử dụng một thanh cảm biến có một mức độ pH nhất định nhúng vào nước uống, và cảm biến xác định màu sắc. Chất điện phân sau đó sẽ kích thích vị giác của bạn.
Trong thực tế, bạn không cần phải uống nước, chỉ cần để đầu lưỡi chạm vào các dải kim loại kép, mùi vị sẽ tự truyền vào lưỡi của bạn. Dòng điện này rất nhỏ, được tính bằng đơn vị microampe, nên sẽ không gây sốc hay giật điện.
Chiếc cốc kỳ lạ này cũng thích nghi được với từng mức độ chua khác nhau. Vị chua sẽ lưu lại trên lưỡi đến một giờ sau đó. Nghiên cứu này sẽ nhanh chóng được thương mại hóa trong nỗ lực giúp truyền mùi qua mạng internet khả thi hơn, cũng như sử dụng để chữa trị cho những bệnh nhân bị giảm khả năng vị giác nhưng không thể đưa lượng muối quá nhiều vào cơ thể.
Quang Niên (CNET)