Trí tuệ nhân tạo xung trận chống ung thư

Từ lâu, Google đã là công cụ tìm kiếm hàng đầu mọi lĩnh vực và có thể không lâu nữa, người ta thậm chí sẽ còn có thể nhờ cậy cỗ máy tìm kiếm thông tin này chẩn đoán các khối u ác tính.

“Gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ vừa thông báo đã tạo được một mạng lưới thần kinh nhân tạo có thể phân tích những hình ảnh y khoa và xác định khối u với mức độ chính xác cao hơn cả các bác sĩ chuyên khoa.

Google tiết lộ họ đã sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo GoogLeNet AI để phân tích hàng ngàn hình ảnh y khoa do một trường đại học Hà Lan cung cấp và có thể xác định các khối u ác tính trong ung thư vú với độ chính xác 89%, so với mức 73% của các đồng nghiệp bằng xương bằng thịt.

Công đầu của bước đột phá này phải nói tới công nghệ “deep learning” (tạm dịch là “học sâu”) - một nhánh của trí tuệ nhân tạo, dù xuất hiện chưa lâu nhưng đã mang lại những tiến bộ công nghệ ngoạn mục, từ nhận dạng hình ảnh đến nắm bắt ngôn ngữ và dịch thuật…

Theo tạp chí Newsweek, “học sâu” liên quan đến việc xây dựng các mạng lưới thần kinh nhân tạo sử dụng phần mềm và các thuật toán phức tạp để tạo ra năng lực học hỏi như của não người.

Một khi những cỗ máy biết học hỏi thì chúng sẽ khiến cả những con người tạo ra chúng cũng phải kính nể bởi biệt tài xử lý dung lượng dữ liệu khổng lồ và ngày một thông minh hơn thông qua quá trình này.

Đột phá đầu tiên khiến “học sâu” bắt đầu được cả thế giới nói tới vài năm trước xuất phát từ chuyện cung cấp cho hệ thống hàng ngàn bức ảnh con mèo cho đến khi nó có khả năng nhận dạng được loài vật này.

Khả năng nhận biết khuôn mẫu này rõ ràng là rất hữu ích với các nhiệm vụ trực quan, chẳng hạn khi nhìn vào sinh thiết ung thư vú. Tuy nhiên, công nghệ này không phải được thiết kế để thay thế bác sĩ ngay cả khi đạt kết quả khá ấn tượng.

Chia sẻ với đài CNN, cô Lily Peng, phụ trách dự án trên, nói rằng hệ thống trí tuệ nhân tạo của Google tỏ ra khá nhạy trước các trường hợp được xem là có nguy cơ mắc ung thư mà ngay cả bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cũng có thể bỏ sót.

Thế nhưng, nó lại không sáng suốt bằng các đồng nghiệp con người trong việc xác định những trường hợp không phải ung thư. Nhà nghiên cứu này cho rằng nếu kết hợp thế mạnh mỗi bên thì có thể cải thiện tốt hơn kết quả điều trị.

Google không phải “đại gia” công nghệ đầu tiên thử sức trong lĩnh vực này. Gần một năm trước, hãng IBM đã khởi xướng một sáng kiến hợp tác quy mô lớn - hiện quy tụ được 24 tổ chức trên khắp thế giới - nhằm huấn luyện cỗ máy tính nhận thức Watson đọc các hình ảnh y khoa.

Sáng kiến này không chỉ tập trung vào bệnh ung thư mà còn nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, đái tháo đường…

Một trong những kết quả ấn tượng nhất cho tới nay đó là Watson đã xem lại bệnh án của 1.000 bệnh nhân ung thư và đưa ra kế hoạch điều trị gần như trùng hợp với đề nghị của bác sĩ chuyên khoa.

Trong khi đó, Microsoft đang theo đuổi tham vọng dùng khoa học máy tính để “giải quyết” ung thư trong vòng 10 năm.

Trong đó, nổi bật và hứa hẹn nhất là dự án tạo nên những cỗ máy tính ADN siêu nhỏ “sống” ngay trong cơ thể người, theo dõi các tế bào ung thư và tái lập trình những tế bào “hư hỏng” này để chuyển hóa chúng thành các tế bào khỏe mạnh, từ đó đẩy lùi bệnh ung thư.

Theo nld.com.vn

TinQuânTin tức