Người hoạ sỹ già “thay áo mới” cho những con hẻm Sài Gòn

“Cứ ở đâu dơ là tôi sẽ vẽ. Tôi làm cho đến khi nào không vẽ nổi nữa mới thôi”. Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Nguyễn Văn Minh (74 tuổi), người họa sĩ già đã 'thay áo mới' cho biết bao con hẻm ở Sài Gòn suốt 2 năm qua.

Trong chiếc giỏ xe đạp chứa đầy đủ dụng cụ hành nghề của ông, từ các hộp sơn đủ màu sắc cho đến các loại cọ lớn, nhỏ. Ông Minh tỏ ra vui vẻ khi có người bắt chuyện và hỏi về những bức tranh: “Tôi vẽ tranh lấy ý tưởng theo mùa xuân, hạ, thu, đông vậy đó. Hoặc sắp Tết Đinh Dậu thì tôi vẽ chủ yếu là hoa mai, hoa đào và hình gà”.

Hỏi ra mới biết, ông Minh vốn là người con của núi rừng Đà Lạt, những tưởng ông sẽ theo học nông nghiệp để về phụ giúp công việc cho gia đình, nhưng tâm hồn nghệ sĩ đã hướng ông đến với những màu sắc, nét vẽ. Học vẽ được 2 năm, ông tham gia quân đội làm lính hải quân.

Năm 1990, ông xuất ngũ rồi trở thành thầy giáo dạy vẽ và võ thuật cho trường trung cấp khuyết tật ở Sài Gòn. Ông tâm sự: “Tôi may mắn khi gặp được người vợ cũng yêu hội họa như tôi. Vậy nên bà ấy ủng hộ chuyện tôi đi vẽ tường lắm”.

Theo lời ông Minh, ý tưởng vẽ tranh tường xuất phát từ một lần ông nhìn thấy căn nhà cũ ngay đầu xóm bị bỏ không. “Xung quanh thì nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ, tôi mới nghĩ hay là mình vẽ trang trí tường cho tất cả các ngôi nhà đều đẹp như nhau”.

Trả lời thắc mắc sao vợ chồng ông không mở một tiệm tranh nho nhỏ để kiếm thêm thu nhập, ông Minh cười khề khà rồi nói: “Tôi đâu phải họa sĩ. Tôi vẽ vì sở thích, vì niềm vui. Mà hơn nữa là tôi muốn làm cho những con hẻm nhìn sạch hơn, đẹp hơn thôi”.

Mỗi bức tranh ông vẽ đều mang một ý nghĩa riêng. Có bức do ông tự lên ý tưởng, có bức do chủ nhà nhờ ông vẽ giúp theo ý muốn. Mỗi một bức vẽ trung bình chú mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, nếu tính ra, toàn bộ con hẻm ông phải mất 3 tháng để phủ kín bằng các mảng màu.

Ông tâm sự: “Lúc tôi mới đi vẽ, nhiều người không hiểu thì cũng nói sao ông đó khùng hay rảnh quá vậy. Nhưng rồi dần dần người ta lại quay sang ủng hộ. Có người còn nhờ tôi đến vẽ trang trí cửa hàng nữa. Vui lắm”.

Bà Nguyễn Thị Phượng Liên (49 tuổi), hàng xóm của ông Minh chia sẻ: "Ổng vẽ ở ngoài kia nhiều lắm. Tôi đi ngang thấy đẹp rồi mới hỏi thử để thuê vẽ. Người ta chỉ tôi mới biết ông Minh rồi nhờ về vẽ tường cho nhà luôn. Ổng vẽ đẹp, nhìn vui mắt mà lại nhiệt tình nữa. Tôi hoàn toàn ủng hộ ông Minh”.

Số tiền lương ít ỏi từ công việc dạy võ được ông Minh chia làm hai phần, một phần đưa cho vợ, một phần ông dành dụm mua sơn, cọ vẽ. Đối với ông Minh, việc ngày xưa theo học mỹ thuật không thành là một niềm tiếc nuối.

Và bây giờ ông đang tiếp tục thực hiện cái đam mê hội họa của mình bằng những bức vẽ miễn phí trên khắp các con hẻm ở Sài Gòn.

Hai người con trai theo nghề bưu điện, không ai biết vẽ tranh. Và đó cũng là điều ông Minh luôn khắc khoải trong lòng, không biết sau này còn ai nối nghiệp vẽ tranh của ông không. Ông ngưng một chút rồi nói tiếp:

“Thôi thì giờ tôi cứ vẽ tới được lúc nào hay lúc đó. Con cái không nối nghiệp thì tôi kiếm đứa học trò nào đó truyền lại. Không phải truyền nghề đâu vì tôi vẽ không đẹp, mà tôi sẽ truyền tâm huyết của mình lại”.

Theo Thanh niên

TinQuânTin tức