Người nông dân ngày đêm thu gom rác để tạo phân bón hữu cơ

Với niềm hăng say sáng tạo và trăn trở về tình trạng ô nhiễm môi trường, người nông dân này ngày đêm tìm tòi, đi thu gom rác để tạo ra phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Người mà chúng tôi muốn nói đến là ông Đỗ Xuân (75 tuổi, quê ở thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Dùng rác làm phân

Từ rác thải sinh hoạt, phụ phẩm trong nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ… ông Xuân ứng dụng kỹ thuật để chuyển hóa chúng thành phân hữu cơ vi sinh, cung cấp cho các hộ gia đình để bón cho cây cối.

Ông Xuân cho biết: “Năm 2011, tôi là nông dân tiêu biểu của xã được tham dự hội thảo về vấn đề phục hồi và tái sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học sau chiến tranh tại TP. Huế. Tại đây, tôi được hướng dẫn sử dụng men vi sinh trong sản xuất. Sau khi về nhà, tôi cứ hay suy nghĩ về một sản phẩm hữu cơ vi sinh, do đó tôi mày mò và bắt tay vào chế biến”.

Sau đó, ông đề xuất kế hoạch tái sản xuất rác thành phân vi sinh lên thành “Dự án Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế” để tìm hướng đi mới trong sản xuất, mang lợi ích của loại phân bón này cho người nông dân. Qua đó, ông mong muốn có một máy xát và trộn rác hữu cơ để tái sản xuất.

Sau đó, dự án đã hỗ trợ cho ông 30 triệu đồng để mua thiết bị, xây 2 bể ủ chứa 18m3 phân bằng Plot xi măng và 1 bể ủ để quá trình sản xuất được thuận lợi. Đến năm 2016, ông Xuân xây thêm 2 bể ủ, 1 kho chứa để sản xuất gối vụ.

Sau khi được cấp vốn và xây dựng bể chứa, gia đình đã tận dụng phế thải nông nghiệp, phân gia súc và chế phẩm vi sinh vật để ủ.

Theo tìm hiểu, rác được ủ theo phương pháp háo khí 3 tháng ròng và trộn với men vi sinh làm quá trình phân hủy diễn ra nhanh, ít mầm bệnh và mùi hôi hơn.

Chia sẻ về những khó khăn, ông Xuân cho biết: “Ban đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về phế thải nông nghiệp.

Đó là rác thải tại địa phương chưa có chủ trương thu gom nên không được nhiều, tôi phải đi thu gom từ các địa phương khác về mới đủ ủ cho 2 bể; ngoài ra, tôi còn phải mua thêm bèo tây và các bịch nấm rơm đã hết lứa từ các địa phương xung quanh”.

Sau khi sản xuất, ông mang mẫu phân đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (trường Đại học Nông lâm Huế) để phân tích. Và thành quả đã đến, sản phẩm của ông vinh dự được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế chứng nhận về thành phần đảm bảo quy chuẩn để thành lập cơ sở sản xuất phân.

Lợi đủ đường

Sau 5 năm, ông Xuân hiện sở hữu một cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh ở xã Phong Mỹ với năng suất đạt hơn 30 tấn/năm. Qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Xuân cho biết thêm, làm phân vi sinh lợi đủ đường. Về lợi ích xã hội, mô hình làm cho cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Ngoài ra, bón phân hữu cơ vi sinh sẽ biến đất bị suy thoái trở nên tơi xốp, tạo độ phì cho đất.

“Về lợi ích kinh tế, nhờ mô hình mà có được lượng phân hữu cơ vi sinh lớn để bón cho cây trồng, đã vậy giá cả còn rẻ hơn so với việc sử dụng phân bón vô cơ như trước.

Qua quá trình sử dụng, tôi nhận thấy bỏ ra khoảng 9 triệu đồng để mua 1 tấn NPK với lượng dùng là 550kg/năm/ha, trong khi dùng phân hữu cơ vi sinh chỉ có giá 4 - 5 triệu đồng”, ông Xuân phân tích.

Theo tìm hiểu, hiện tại, gia đình ông đang dùng phân vi sinh cho vườn cao su hơn 120ha, gần 3.000 bịch gừng và nghệ, tất cả đều đang lên ngày càng xanh mướt. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa do dùng nhiều phân hóa học và bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh dần cải thiện, tăng độ mùn, đất tơi xốp hơn...

Sau một thời gian sử dụng có hiệu quả, ông đã vận động các hộ nông dân ở địa phương thực hiện mô hình và tiến hành ủ phân. “Tôi mong rằng phân hữu cơ vi sinh ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng”, ông Xuân cho hay.

Nhật Tuấn - Khampha

TinQuânTin tức