“Hai lúa” Thái Bình sáng chế máy cấy không động cơ

Đã từng có thời gian đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, chứng kiến những người nông dân của đất nước này làm việc nhàn tênh, bởi hầu hết mọi việc đều do máy móc hỗ trợ khiến anh cảm thấy thích thú. Khi về nước, anh đã mày mò sáng chế ra chiếc máy cấy không động cơ.

Sáng chế này đã giúp những người nông dân được giải phóng sức lao động. Nhiều nhà khoa học trong nước đã từng bày tỏ sự thán phục trước một sáng chế tuyệt vời này của anh nông dân có tên Trần Đại Nghĩa (thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, Tiền Hải, Thái Bình).

Lập được kỳ tích nhờ tình thương với những người nông dân

Chia sẻ về chiếc máy cấy không cần động cơ của mình, anh Nghĩa cười hóm hỉnh bảo: “Đó là chiếc máy làm sướng đàn bà và làm khổ đàn ông”. Rồi anh tự lý giải rằng, khi chiếc máy cấy không động cơ này ra đời nhiều người phụ nữ làm nông nghiệp đã thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Điều đó đồng nghĩa với việc những người đàn ông sẽ phải thế chỗ để vận hành chiếc máy ấy. Bởi dẫu sao với trọng lượng hơn 20kg thì nam giới sử dụng vẫn dễ dàng hơn nhiều.

Nhớ lại thời gian đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, anh Nghĩa trải lòng: “Hồi đó, ngoài giờ phải làm việc ra tôi rất thích ra ngoài chơi và quan sát cách làm việc của những người nông dân đất nước họ. Nhìn họ làm rồi lại nhớ đến những người làm nông nghiệp ở nước mình thấy chạnh lòng nhiều lắm. Ở bên đó họ dùng máy cấy, một người điều khiển chiếc máy ấy một ngày cũng cấy xong cả mẫu ruộng, nhàn tênh. Mỗi lần như thế tôi lại ao ước, giá mà Việt Nam mình cũng có những máy móc như thế có phải những người như mẹ tôi, vợ tôi đỡ khổ hơn rất nhiều không”.

Dù vậy khi đó ao ước cũng chỉ là ao ước mà thôi chứ trong đầu anh Nghĩa chưa hề xuất hiện ý tưởng sẽ chế tạo máy cấy. Anh chia sẻ rất chân thành: “Quả thật khi đó tôi chả nghĩ gì, nói gì thì nói mình cũng chỉ là người nông dân, học hành cũng chả đâu vào đâu”.

Năm 2005, anh Nghĩa hết thời hạn xuất khẩu lao động nên về nước. Khi ấy, có chút vốn liếng anh đã mua một chiếc ôtô để chở khách. Những lúc không có khách, hình ảnh về những chiếc máy cấy tự động lại hiện về rất rõ trong tâm trí anh. Từ đó, ngày chạy xe, đêm về anh lại hì hục nghiên cứu để với quyết tâm sáng chế ra chiếc máy cấy.

Ban đầu, anh thiết kế chiếc máy với động cơ lớn, song ý tưởng này lập tức bị gạt bỏ vì chi phí lớn nên khi bán ra thị trường giá thành sẽ rất cao. Sau đó anh Nghĩa lại nghĩ tới chuyện sẽ sáng chế ra chiếc máy cấy gắn bình ắc quy, động cơ nhỏ. Tuy nhiên, bản thân anh lại không tự hài lòng với những hạn chế của chiếc máy như: cồng kềnh, công suất kém, thiếu tính cơ động trên đồng ruộng. Cuối cùng anh quyết định sẽ sáng chế một chiếc máy cấy không cần động cơ.

Anh giải thích: “Máy không động cơ thì sẽ không cần đến nhiên liệu, nhẹ, di chuyển dễ dàng, giá thành thấp, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người nông dân”.

Từ suy nghĩ đó, anh Nghĩa đã lân la khắp các quán sửa chữa xe máy, hàn xì để mua đồ rồi về mài giũa, đấu nối các chi tiết theo như bản anh đã thiết kế. Dù vậy, anh Nghĩa vẫn chỉ lẳng lặng làm mà không chia sẻ dự định của mình với ai. Anh sợ nói ra mọi người sẽ cười và bảo rằng anh chả học hành qua trường lớp nào thì làm sao mà nghiên cứu với chả sáng chế cho được.

Nhiều khi thấy chồng cặm cụi, đăm chiêu, vợ anh hỏi anh cũng chỉ cười xòa rồi đánh trống lảng cho qua. Phải đến khi tới giai đoạn chuẩn bị lắp ráp, anh mới chia sẻ cho vợ nghe về dự định sáng chế ra một máy cấy tự động của mình. Đó cũng là lúc anh nói với vợ tạm thời sẽ dừng công việc chạy taxi để tập trung đầu tư vào công việc sáng chế này.

Ban đầu vợ anh Nghĩa cũng phản đối nhiều lắm. Bởi bản thân chị cũng không tin là chồng có thể làm được điều kỳ tích đó. Nhưng thấy anh quá quyết liệt nên chị phải thuận theo. Hồi mới bắt tay vào công đoạn lắp ráp, ai đến hỏi anh đang làm gì, anh cũng chỉ cười bảo làm mấy thứ linh tinh thôi mà. Nhiều người cũng tin là anh nói thật nên không hỏi gì thêm nữa.

Cuối năm 2011, lần đầu tiên anh Nghĩa lắp ráp hoàn thiện chiếc máy cấy không cần động cơ với nguyên liệu chủ yếu bằng thép hộp nên khá nhẹ, chỉ với 24kg.

Anh nhớ lại: “Sau khi hoàn thiện chiếc máy đầu tiên, tôi mang máy ra đoạn sông cạn để thử. Bộ phận tách mạ hoạt động rồi, nhưng chưa tốt lắm. Tôi về nghĩ cách chế tạo cho hoàn thiện hơn. Sau đó, khi vào vụ, tôi tiếp tục mang máy ra cấy thử để đánh giá thực tế, thấy hoạt động tốt. Công suất của máy nhanh bằng 7-8 người cấy, bằng khoảng 4 sào/ngày. Khoảng cách hàng cấy có thể tự điều chỉnh theo ý muốn. Với 4 mỏ cấy, một giây làm được 4 khóm lúa, và máy có hệ thống gạt bùn nên không phải mất thời gian xoa vết chân người đi lại. Diện tích được trồng bằng máy cấy, cây lúa phát triển tốt, năng suất cao. Thực sự tôi sướng lâng lâng như trên mây vậy”.

Chỉ mong sớm đăng ký được bản quyền máy cấy

Anh Nghĩa dẫn chúng tôi thăm xưởng sản xuất rộng hơn 1.000 m², trong xưởng lúc này có khoảng trên dưới 600 chiếc máy đã hoàn thiện, sẵn sàng được bán ra thị trường.

Có tận mục sở thị chiếc máy cấy không động cơ của anh Nghĩa mới thấy nó rất đơn giản nhưng thực sự đem lại hiệu quả rất cao. Trong xưởng phổ biến nhất là máy cỡ nhỏ, dài 82cm, rộng 100cm, cao 50cm, cùng lúc có thể cấy được 4 hàng, khoảng cách có thể tự điều chỉnh theo ý muốn.

Với 4 khoang chứa mạ, khi sử dụng người nông dân chỉ cần cho mạ lên khay vừa kéo máy vừa nhịp nhàng đẩy cần gạt. Khi cấy các tay lấy mạ tự lấy mạ trên khay cắm thẳng xuống ruộng. Mỗi lần máy cấy được 4 hàng với khoảng cách đều nhau 20 phân.

Không chỉ vậy anh Nghĩa còn thiết kế thêm một tấm tôn ở phần đáy của chiếc máy, giúp nó trượt trên mặt ruộng và giảm đáng kể sức nặng cho người điều khiển. Với thiết kế nhỏ gọn nên máy cấy không động cơ của anh Nghĩa phù hợp với nhiều loại địa hình ruộng khác nhau và rất thuận tiện cho việc di chuyển.

Theo tìm hiểu của phóng viên, máy cấy không động cơ có giá thành rẻ hơn rất nhiều lần so với các loại máy đang bán trên thị trường hiện nay. Một chiếc máy do anh Nghĩa sáng chế giá chỉ dao động khoảng trên 3 triệu đồng. Những chiếc máy có cùng chức năng, dù là máy “bãi” cũng có giá từ 8 đến 15 triệu đồng.

Anh Nghĩa khoe với chúng tôi rằng máy cấy không động cơ của anh hiện đang được ứng dụng ở rất nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Số lượng bán ra tính tới thời điểm hiện tại đã trên 1.000 chiếc. Việc sáng chế máy cấy không chỉ giảm thiểu sức lao động cho những người nông dân mà xưởng sản xuất của anh Nghĩa còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định.

Anh Nghĩa tâm sự: “Tôi cũng không ngờ nhờ sáng chế ra máy cấy không động cơ đó mà tôi được là 1 trong 6 nông dân khác của tỉnh Thái Bình về Hà Nội dự hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc”. Không chỉ thế, anh còn liên tục được đón các đoàn nghiên cứu khoa học về học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

Thành công là thế nhưng “nhà sáng chế chân đất” này cũng phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Cụ thể là hiện tượng ăn cắp ý tưởng, nhái mẫu mã sản phẩm tràn lan trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, anh Nghĩa buộc phải liên tục cải tiến chiếc máy cấy không động cơ của mình. Thế nên, trong lúc những kẻ bắt chước mới chỉ kịp nhái theo những sản phẩm cũ thì anh đã nâng cấp, cải tiến và cho ra sản phẩm mới với nhiều tính năng ưu việt hơn. Mong muốn của người nông dân chân chất này là đăng ký được bản quyền sản phẩm.

Anh trải lòng: “Tôi chỉ quen lao động chân tay. Giờ bảo tôi mang máy đến, cấy thử và nói quá trình chế tạo thế nào thì được. Chứ các nhà khoa học, các hội đồng này nọ bảo viết bản mô tả sáng chế thì bằng đánh đố, tôi xin chịu”.

Theo Baomoi

TinQuânTin tức