Ấn Độ: Một thiếu niên chế tạo thành công vệ tinh nhẹ nhất thế giới
Một thiếu niên người Ấn Độ vừa chế tạo thành công một thiết bị vệ tinh nhẹ nhất thế giới, với trọng lượng chỉ 64gr. Dự kiến, thiết bị vệ tinh siêu nhỏ này sẽ được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa vào hoạt động trên quỹ đạo vào tháng 6 tới.
Tác giả của thiết bị vệ tinh này là một thiếu niên 18 tuổi người Ấn Độ có tên là Rifath Shaarook. Chiếc vệ tinh siêu nhỏ của Rifath là công trình đã giành được giải nhất trong một cuộc thi có tên “Lập phương trong vũ trụ” do NASA và công ty giáo dục idoodle tổ chức. Chiếc vệ tinh được Rifath đặt tên là KalamSat, dựa theo tên của cựu Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam, người tiên phong cho ngành khoa học vũ trụ của nước này.
Rifath cho biết mục đích chính khi cậu chế tạo ra thiết bị này chủ yếu là để trình diễn hiệu suất của chiếc máy in sợi carbon 3-D. Dự kiến, chiếc vệ tinh sẽ được NASA đưa lên vũ trụ và đưa vào hoạt động trong môi trường vi trọng lực ở độ cao cận quỹ đạo trong khoảng 12 phút. Trả lời báo chí địa phương, Rifath cho biết: “Thiết bị vệ tinh này được lắp đặt một máy tính loại mới và tám cảm biến đo đạc tốc độ bay, độ xoay và từ trường trái đất”.
Rifath hiện đang làm việc cho Chennai-based Space Kidz India, một tổ chức xúc tiến giáo dục và khoa học cho trẻ em Ấn Độ. Vệ tinh KalamSat không phải là sáng chế đầu tiên của Rifath. Từ hồi mới 15 tuổi, cậu đã chế tạo thành công một quả bóng thời tiết bơm khí helium trong một cuộc thị dành cho các nhà khoa học trẻ toàn Ấn Độ.
Theo Báo Nhân dân