Vệ sinh răng miệng hiệu quả nhờ âm nhạc

 

Một nhóm sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM đã giảm được 121,88% chỉ số mảng bám trên răng (QHI) cho các em học sinh tiểu học bằng cách sử dụng… âm nhạc để khiến các em hứng thú hơn với việc đánh răng và chải răng đúng cách hơn.

Nguyễn Thị Lệ Quyên, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, âm nhạc đóng vai trò to lớn trong giao tiếp xã hội, ảnh hưởng sự hình thành nhận thức, kích thích xúc cảm sâu lắng và ảnh hưởng đến sự thiết lập, duy trì các mối quan hệ xã hội.

Trẻ em vốn hiếu động và rất nhạy cảm với những gì đưa vào miệng nên những chiếc bàn chải kém bắt mắt hay kem đánh răng không đúng hương vị yêu thích rất dễ làm chúng lơ là và trốn tránh việc chải răng. Hầu hết trẻ em đều thích ca hát và nhảy múa, do đó mọi thứ liên quan đến âm nhạc và ca hát đều mang lại niềm vui cho trẻ.

“Vì thế sự kết hợp giữa âm nhạc với chải răng là một biện pháp hữu hiệu giúp cho việc đánh răng của trẻ trở nên thú vị, hấp dẫn và mang lại lợi ích lâu dài về sức khỏe răng miệng”, Quyên cho biết.

Nghiên cứu của M.Ganesh về hiệu quả của bàn chải đánh răng phát nhạc trong việc loại bỏ mảng bám ở 120 đứa trẻ độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi cho thấy, bàn chải đánh răng phát nhạc làm giảm chỉ số mảng bám, chỉ số nướu biến đổi và chỉ số chảy máu nướu khi theo dõi trong vòng 30 ngày và 60 ngày.

Ganesh cho rằng, âm nhạc phát ra từ bàn chải kích thích sự hứng thú và tạo động lực cho trẻ hoàn thành tốt việc vệ sinh răng miệng. Các bé cảm thấy như đang chơi với đồ chơi trong lúc chải răng vì thế sẽ chải răng thường xuyên và đúng cách hơn.

Âm nhạc sẽ tạo hứng thú cho việc đánh răng của học sinh.

Âm nhạc sẽ tạo hứng thú cho việc đánh răng của học sinh.

 Nhóm đã tiến hành khảo sát và thực nghiệm tại 3 trường Tiểu học tại TP.HCM. Kết quả có đến 100% giáo viên và 81% học sinh đánh giá bài hát là dễ hiểu, 95% giáo viên và 74% học sinh đồng ý là bài hát có thời lượng và nhịp điệu phù hợp với việc chải răng. 

100% giáo viên và 81% học sinh đồng ý là dễ dàng thực hiện theo động tác chải răng trong video, 78% học sinh cảm thấy thích thú và có thêm động lực khi được hướng dẫn chải răng với video âm nhạc “Bé ơi chải răng”. 

100% giáo viên cho rằng video này thích hợp để đưa vào chương trình giáo dục chải răng cho học sinh tiểu học.

Tình trạng vệ sinh răng miệng của học sinh 9-10 tuổi tại TP.HCM trước chải răng ở mức trung bình và kém (30,7% học sinh có mức vệ sinh răng miệng trung bình và 69,3% học sinh có mức vệ sinh răng miệng kém). Sau chải răng, tình trạng vệ sinh răng miệng của học sinh có cải thiện nhưng đa số vẫn ở mức trung bình (57,3%).

Sau 4 tuần thử nghiệm, có sự khác biệt ý nghĩa thống kê (p<0,05) về trung bình QHI trước chải răng và sau chải răng giữa sử dụng âm nhạc trong chải răng (nhóm can thiệp) và cách chải răng thông thường (nhóm chứng). Độ chênh lệch điểm số QHI trước-sau chải răng ở nhóm can thiệp là -46,15%, trong khi ở nhóm chứng là -33,79%.

Tương tự, tỉ lệ phần trăm độ chênh lệch mảng bám trước-sau chải răng ở thời điểm sau 4 tuần so với thời điểm ban đầu ở nhóm can thiệp là -121,88%, trong khi ở nhóm chứng là -67,78%. Sự khác biệt giữa 2 nhóm có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Theo các thành viên nhóm, kết quả trên của nghiên cứu có thể được lý giải bởi các lý do sau:

Thứ nhất, bài hát “Bé ơi chải răng” được sáng tác với nhịp điệu và nội dung phù hợp với việc giáo dục chải răng cho học sinh tiểu học.

Bài hát có thời lượng 3 phút với 1 phút dành cho công tác chuẩn bị bàn chải, kem đánh răng cũng như các động tác khởi động và 2 phút dành cho việc chải răng. Điều này phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy cần tối thiểu 2 phút chải răng để có thể loại bỏ mảng bám một cách hiệu quả.

Bài hát với thể loại dance mang giai điệu vui tươi, hồn nhiên phù hợp với tâm lý trẻ em. Chủ lực chính trong bài là phần nhạc nền đi sát lời bài hát. Dòng chảy nhanh và được phối hợp với tiếng piano và trống điện tử rất điêu luyện, đặc sắc, rõ ràng, không gây ảo giác, có nền trống và bass rất riêng mang tính chất dứt khoát, có khả năng tạo sự hưng phấn cho người nghe.

Bài hát được xây dựng theo công thức nhịp 4/4 với 4 phách theo trình tự một phách mạnh, một phách nhẹ, để phù hợp với động tác chải xuống mạnh, chải lên nhẹ và gồm 8 phách cho một mặt răng.

Để đảm bảo đủ thời lượng cho việc làm sạch từng mặt răng, bài hát được phân đoạn tiết tấu phù hợp với 28 lần chải cho một mặt của từng hàm, riêng mặt trong khó làm sạch hơn nên số lần chải tăng gấp đôi là 56 lần, với 3 lần 8 nhịp để tạo đoạn chuyển cho từng mặt.

Cuối cùng, bài hát được xây dựng thành video âm nhạc với màu sắc vui tươi, rộn rã như một giáo cụ trực quan, sinh động thu hút sự chú ý của học sinh, mang đến một luồng gió mới trong công cuộc nâng cao hiệu quả giáo dục vệ sinh răng miệng cho học sinh tại trường.

Thứ hai, trong buổi hướng dẫn chải răng với video minh họa, mỗi học sinh được phát một chiếc gương đặt trên bàn ngay trước mặt. Việc nhìn vào gương trong lúc nghe và chải răng theo nhạc giúp các em nhìn thấy những vùng răng chưa sạch mảng bám trong thời lượng nhạc cho phép, từ đó giúp tăng khả năng chải sạch mảng bám.

Theo quan niệm tăng cường sức khỏe răng miệng của Tổ chức sức khỏe thế giới WHO, trao quyền là một phương pháp giáo dục tích cực, được khuyến khích sử dụng trong các chương trình giáo dục phòng ngừa nói chung và giáo dục vệ sinh răng miệng nói riêng.

Nghiên cứu này trao quyền bằng cách sinh viên Răng hàm mặt hướng dẫn chải răng theo video âm nhạc cho học sinh nòng cốt của mỗi lớp, sau đó các học sinh này trở về lớp và dạy lại cho các bạn.

Như vậy, trẻ không học các động tác chải răng theo nhạc từ giáo viên hay sinh viên Răng hàm mặt mà học từ chính bạn của mình. Điều này giúp trẻ không có cảm giác là mình đang phải học, mà giống như một giờ vui chơi ngoại khóa, từ đó tạo ra không khí thoải mái, vui vẻ, khiến trẻ thích thú với việc chải răng cùng âm nhạc.

Hà Thế An