Sinh viên Bách khoa chế tạo robot cứu nạn ứng dụng công nghệ thực tại ảo và IoT

Với mục đích thiết kế một công cụ hỗ trợ di chuyển vào các khu vực bị nạn để quan sát, dò tìm người mắc kẹt, một nhóm gồm 4 sinh viên của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã chế tạo Robot cứu nạn ứng dụng công nghệ thực tại ảo và IoT.

Đây cũng là sản phẩm nghiên cứu khoa học được giới thiệu tại Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) của ĐH Bách khoa Hà Nội lần thứ 34 diễn ra từ ngày 22/5 đến ngày 24/5. 

Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu, sinh viên Hoàng Văn Tân - trưởng nhóm - cho biết: "Những thảm họa động đất, sập hầm mỏ hay hỏa hoạn gây ra tổn thất nặng nề cả về vật chất và con người. Ngoài việc dự báo, sử dụng cảm biến đề dự đoán và phát hiện hiểm họa thì công tác cứu trợ khi có thảm họa xảy ra là vô cùng cần thiết. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu công cụ hỗ trợ để di chuyển vào các khu vực bị nạn, quan sát, dò tìm người mắc kẹt, từ đó đề xuất phương án giải cứu an toàn". 


Nghiên cứu này được nhóm thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 5/2017. Đây là mô hình một robot có khả năng di chuyển vào khu vực có phạm vi hẹp, quan sát môi trường xung quanh bằng camera gắn sẵn trên thân robot. Chuyển động của robot được điều khiển bằng điện thoại. Việc điều khiển góc quay của camera và nhận hình ảnh từ camera được thực hiện bằng một điện thoại khác thông qua công nghệ thực tế ảo. 

Các ứng dụng được viết trên hệ điều hành Android phổ biến; các kết nối trong hệ thống được thực hiện thông qua wifi với giao thức TCP/IP. Robot đã vận hành tốt, dễ dàng, linh hoạt và đảm bảo các yêu cầu và chức năng đề ra. Trên thực tế thử nghiệm, robot có thể di chuyển với tốc độ khoảng 133cm/s. Kết quả của nghiên cứu sẽ là tiền đề tốt để triển khai các nghiên cứu khác liên quan tới Internet vạn vật và thực tế ảo.

 

Theo Khoahocphattrien

TinQuân