Cô gái vùng núi Lai Châu bảo tồn và phát triển cây lá tắm dân tộc

Cô gái người dân tộc vùng cao Tẩn Mý Dao (Ban quản lý rừng phòng hộ Nậm Mạ), xà Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã tự nhân giống cây lá tắm (củ tải Hphây) bằng giâm hom và trồng cây lá tắm dưới tán lá rừng, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển loài thực vật bản địa có lợi cho sức khỏe người dân, nhất là phụ nữ sau sinh.

Chị Dao cho biết: “Bài thuốc tắm người dao Khâu Sìn Hồ là một trong những tri thức bản địa, là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Khâu,huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Những cây lá tắm này chủ yếu được khai thác từ trong tự nhiên, chỉ có một số gia đình có nghề thuốc nam gia truyền trồng và lưu giữ các loại dược liệu quý này. Hiện nay, một số vị thuốc trong bài thuốc đang có nghuy cơ tuyệt chủng cần kịp thời có biện pháp bảo tồn các loài dược liệu quý này.

Bảo tồn bài thuốc tắm cũng chính là bảo tồn những tri thức bản địa, bản sắc văn hóa của dân tộc Dao Khâu nói riêng và của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Trong những năm gần đây, do người dân khai thác với số lượng lớn để cung cấp cho các điểm kinh doanh tắm lá thuốc nên một số loại cây thuốc trong bài thuốc tắm đã trở nên khan hiếm, đặc biệt là cây “cù tải hpây”.

Một số hộ dân ở thị trấn Sìn Hồ và xã Phăng Sô Lin, Tả Phìn đã biết đem cây lá tắm (cù tải hpây) về trồng ở vườn nhà hoặc nương của gia đình, tuy nhiên họ chỉ biết đào cả gốc mang về trồng, cây lá tắm lại là loại cây rất khó ra mầm nên tỷ lệ sống rất thấp và khó mọc mầm.

Nhiều người dân mong muốn có cây giống để trồng, đặc biệt là những hộ gia đình có tán rừng trồng là môi trường thích hợp với điều kiện sống của loài cây này.

Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu biện pháp nhân giống cây lá tắm bằng giâm hom nhằm tạo ra hàng loạt cây con mà không phải tốn nhiều vật liệu giống như cách trồng thông thường của người dân (đào cả gốc về trồng)”.

Cây lá tắm (cù tải hpây) là loại cây ưa bóng, thường sống dưới tán rừng ( chủ yếu là dưới tán rừng nguyên sinh). Để tạo môi trường phù hợp với cây lá tắm, chị Dao đã nghiên cứu trồng cây lá tắm dưới tán rừng trồng có độ che bóng khoảng 80%.  

Theo chị, trồng cây thuốc tắm dưới tán rừng là một hướng đi mới cho nền kinh tế lâm nghiệp và công tác bảo vệ, phát triển vốn rừng góp phần ổn định chính trị tại địa phương. Nếu trồng xen cây thuốc tắm dưới tán rừng để khai thác lâm sản ngoài gỗ là những cây thuốc tắm và cả nguồn thu nhập từ việc bảo vệ, phát triển rừng sẽ đạt trên 20.000.000đ/1ha/năm.

Từ đó gắn trách nhiệm bảo vệ rừng với nguồn lợi kinh tế của những người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng “có rừng là có tiền”. Khi người dân đã có thu nhập ổn định từ rừng họ sẽ có trách nhiệm cao với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Nói về quy trình giâm hom cây lá tắm, chị Dao chia sẻ, để hom giâm sinh trưởng, phát triển tốt thì trước khi giâm nên xử lý hom giâm bằng các chất kích thích sinh trưởng.

Chị sử dụng loại hormon NAA nồng độ 4000ppm vì nó có tác dụng kích thích mạnh sự co dãn của tế bào giúp hình thành các mô sẹo phát triển thành rễ, có tác dụng điều chỉnh tính hướng quang, hướng địa, hướng thủy, đặc biệt là có tác dụng điều chỉnh hiện tượng ưu thế ngọn điều chỉnh sự hình thành rễ. Chọn cành giâm từ cây giống được thu thập từ những khu rừng già ở các xã Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Tả Ngảo và thị trấn Sìn Hồ.

Cành hom phải là cành bánh tẻ, to mập, thẳng, không sâu bệnh. Hom được giâm vào mùa xuân, trong túi bầu có kích thước 6 x 12 (cm) với tỉ lệ phối trộn giá thể: Phân vi sinh 2%, phân chuồng hoai 10%, đất mùn tán rừng 88%, dưới mái che cao 2 m, lợp bằng lưới cản quang (độ che bóng 80%).

Hom được cắt vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Hom cắt dài từ 10 – 25 cm, đảm bảo mỗi hom có từ 2 – 3 mắt mầm và có khoảng 1 – 2 lá tùy khoảng cách phân đốt của hom, khi cắt để lại 1/2 diện tích lá, cắt xiên lá. Kéo cắt hom phải sắc, để nhát cắt nhẵn, không làm dập, sây xát vỏ hom.

Mặt cắt của hom cắt vát so với trục thân cây, nhằm tạo tiết diện lớn để hom lấy nước và dinh dưỡng. Sau khi cắt vát nhúng ngay vào nước sạch cho tươi. Khi cắt hom xong nhúng hom vào xô nước sạch cho tươi. Sau đó vớt ra để ráo nước rồi chấm ngay vào thuốc kích thích sinh trưởng khoảng 2 – 3 giây trước khi giâm.

Cắm hom giâm vào một cách nhẹ nhàng vào nền giâm đã tưới ẩm ấn nhẹ sâu khoảng 2 – 3 cm, cắm hom thẳng vào đúng tâm bầu. Sau đó, dùng ngón tay ấn nhẹ lấp đất giữ cho hom ổn định. Môi trường giâm phảo có độ ẩm cao, nhiệt độ mát, nền giâm thích hợp không chứa mầm bệnh...

Sau khi giâm hom thành cây giống 3 tháng tuổi, chị Dao trồng cây lá tắm dưới tán rừng trồng (rừng trồng năm 2004). Trước khi trồng phải phát dọn cỏ dại và tầng cây bụi dưới tán rừng, đào hố trồng trước một tuần (kích thước 30x30cm, để riêng lớp đất mặt và lớp đất đáy, phơi ải một tuần.

Kỹ thuật trồng: Trộn đều lớp đất mặt với đất mùn dưới tán để lấp đầy miệng hố sau đó dùng cuốc đào một hốc nhỏ giữa hố, đặt nhẹ nhàng bầu giâm cây lá tắm xuống hố, dùng dao lam rạch ½ túi bầu rồi từ từ gỡ hết túi bầu ra, lấp đất bằng 2/3 bầu, ấn nhẹ nhàng xung quanh bầu cây sau đó tiếp tục lấp đất xung quanh bầu tạo thành hình mâm xôi, nén chặt đất để giữ ẩm cho cây. Mật độ trồng: 1600 cây/ha.

Khi nhân giống cây lá tắm bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật thay vì phương pháp thủ công mà người dân đã làm, chị Dao có thể tạo ra số lượng lớn hom giống mà không tốn nhiều vật liệu giống.

Nếu người dân đào một gốc cây lá tắm từ trong tự nhiên mang về trồng thì từ một gốc chị nhân được 20 – 100 hom giống (tùy vào độ dài của dây cây lá tắm). Hom giống có sức sống khỏe do đã được chăm sóc để hình thành một cây con hoàn chỉnh và có bộ rễ khỏe trước khi xuất vườn.

Dưới tán rừng có độ che bóng và ẩm độ cao phù hợp với điều kiện sinh thái của cây lá tắm nên việc trồng cây lá tắm dưới tán rừng là một hướng đi hoàn toàn mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ (cây dược liệu).

Chị Dao cho biết, việc nhân giống bằng giâm hom có thể tạo ra hàng loạt cây giống giá thành thấp để cung cấp cho người dân trồng mà không cần tốn nhiều vật liệu giống.

Đây cũng là biện pháp kết hợp công tác bảo vệ phát triển rừng và bảo vệ môi trường với tạo việc làm có thu nhập cao cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện.

Nếu trồng cây lá tắm dưới tán rừng thì 1ha có thể thu hái được 4013 kg, với giá bán hiện nay là 5000đ/kg thì một năm có thể thu tới trên 20 triệu đồng.

Bài thuốc tắm của người Dao có những tác dụng sau:

1. Trị phong thấp, đau nhức xương, đau mỏi cơ, chân tay tê mỏi, trị ra mồ hôi tay, trị cảm hàn, cảm cúm.

2. Chữa bệnh ngoài da, giúp cho làn da sáng trắng và mịn màng.

3. Giúp cơ thể chống mỏi mệt, tăng cường sinh lực, giải độc tố trong cơ thể khi dùng bia, rượu...

4. Tan máu tụ: các vết thương bị tụ máu, kết hợp điều trị tai biến.

Đặc biệt: Dùng đối với phụ nữ sau khi sinh giúp khí huyết lưu thông, phục hồi sức khoẻ nhanh chóng.

Theo vusta.vn

Dự án hayQuân