Doanh nhân Bali làm túi từ củ sắn thay cho nilon để giảm ô nhiễm môi trường

Hòn đảo Bali, Indonesia đang gặp vấn đề về rác thải nhựa tràn lan trên đường phố và bãi biển. Kevin Kumala, một doanh nhân trên đảo đang cố gắng khắc phục tình hình này bằng cách sản xuất ra các loại bao bì, túi nilon từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế túi nhựa thông thường.

Nước Indonesia với hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ đang bị ô nhiễm môi trường biển nặng nề. Theo ước tính của Tổ chức Bảo tồn Đại dương Hoa Kỳ thì Indonesia là nước xả các chất thải nhựa ra biển nhiều nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Rác thải nhựa gây nhiều ô nhiễm cho môi trường, phải mất từ 500 - 1000 năm mới có thể phân hủy hết. Hơn nữa, khi thiêu hủy, nhựa sẽ thải ra không khí nhiều chất gây ra ung thư phổi, tắc nghẽn mạch máu...

Để ngăn chặn sự nguy hiểm đó, Kevin Kumala đã nảy ra ý tưởng làm túi nilon bằng củ sẵn (khoai mì), một loại rễ cây giá rẻ và nhiều tại Indonesia. 

Kevin và người bạn học làm trong lĩnh vực nghiên cứu nhựa sinh học của mình đã cùng làm ra một loại túi có thành phần là bột khoai mì, dầu thực vật và nhựa hữu cơ.

Chiếc túi được làm ra có khả năng tự phân huỷ trong thời gian vài tháng trên cả đất liền lẫn trên biển, hoặc phân hủy ngay lập tức trong nước nóng. Kumala tuyên bố rằng nhựa hữu cơ của mình không hề có chất độc hại, và anh đã chứng minh bằng cách thả chiếc túi vào nước nóng rồi uống.

Kevin chia sẻ: "Túi 'khoai mì' sẽ mang lại hy vọng cho các sinh vật biển, sẽ không còn tình trạng động vật bị chết do nuốt hoặc mắc kẹt vào rác nữa".

Kevin Kumala hiện nay đang cung cấp tới 3 tấn túi 'khoai mì' cho rất nhiều cửa hiệu, khách sạn tại Indonesia. Ngoài ra, Kevin cũng đã phát triển được các sản phẩm cho đồ ăn nhanh như cốc, ống hút, dao dĩa dùng một lần và các sản phẩm đều được làm từ khoai mì và mía.

Bảo Trung

TinQuân