Cô bé lớp 6 muốn 'biến' Thành phố năng lượng sạch thành hiện thực
Một thành phố không ô nhiễm, sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường là ước mơ của cô bé Phan Lê Ánh Dương, học sinh lớp 6AT6 trường THCS Nguyễn An Khương, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TP.HCM).
Khi đi trên đường, cô bé Ánh Dương quan sát thấy ánh nắng mặt trời chiếu vào cửa kính của nhà dân hay các cửa hàng, sức nóng dội xuống đường làm cho nhiệt độ càng nóng hơn, em nghĩ, thay vì cửa kính, tại sao không thay thế bằng một vật liệu khác và tạo thành pin năng lượng mặt trời để cho không khí trong lành hơn.
“Con lấy những miếng giấy người ta dùng làm biển quảng cáo cắt ra để làm mặt sàn giống như đường đi. Từ những miếng giấy đó, con làm thêm hai ngôi nhà. Sau đó con lấy vỏ chai sữa tắm, hộp bánh để làm tiếp một ngôi nhà tháp tròn nữa”, Ánh Dương nói về mô hình ý tưởng của mình.
Có bất cứ một ý tưởng mới nào, Ánh Dương đều chia sẻ với mẹ - cô Lê Thị Huệ. Mẹ cũng là người luôn đồng hành cùng em suốt quá trình nghiên cứu.
Cô Huệ kể, Dương đã nói ý tưởng này với mẹ từ đầu năm 2016. Về vật liệu làm mô hình, Dương tự chuẩn bị được. Thế nhưng, đối với những thứ liên quan đến điện, pin năng lượng mặt trời... cô Huệ ‘mù tịt’, vì vậy cô phải chạy tới chạy lui để tìm người chỉ bảo, giảng dạy cặn kẽ cho em.
Không biết tìm đâu ra pin năng lượng mặt trời, hai mẹ con lò dò tra trên mạng, đọc những kiến thức tư vấn, sau đó cô giảng dạy lại cho con hiểu. Cô đi tìm các kỹ sư, rồi sinh viên trường ĐH Bách Khoa TP.HCM nhờ tư vấn về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Khi tìm đúng người, cô lại tất tả chở Ánh Dương đến nơi, để cô bé trình bày ý tưởng. Sau đó, các sinh viên tận tình tư vấn, hướng dẫn Ánh Dương các nguyên lý kỹ thuật từ pin mặt trời, làm thế nào để có được điện dự trữ để sử dụng. Đến lúc này hai mẹ con mới thở phào nhẹ nhõm.
Cô Huệ chia sẻ, để giúp con theo đuổi những ước mơ, cô sẵn sàng hỗ trợ mọi yêu cầu của con. “Chị thấy ý tưởng của bé cũng tốt. Nếu thực hiện được dự án này, mình sẽ giảm lượng điện, tiết kiệm năng lượng rất nhiều. Tuy nhiên, kiến thức ở chương trình chỉ học sơ qua về điện, nguồn điện. Bé học, bé nghĩ ra và chia sẻ ý tưởng với mình, mình chỉ giúp bé như vậy, chứ thật sự điện mặt trời mình cũng không rành”, mẹ Ánh Dương chia sẻ thêm.
Đúng như tên gọi của sản phẩm ‘Thành phố năng lượng sạch’, Ánh Dương mong muốn “nếu ý tưởng của mình được sử dụng, người dân sẽ giảm được 15% lượng điện và giảm được một ít tiền. Và không khí sẽ mát mẻ hơn”.
Cô Huệ còn kể thêm, hàng ngày, trong cuộc sống cũng như trong học tập, Ánh Dương luôn làm người lớn bất ngờ bởi những câu nói, cách nghĩ rất chững chạc của mình.
Có lần đi vào các khu vui chơi dành cho thiếu nhi, sau khi chơi xong em gọi điện đến đường dây nóng của khu vui chơi để đóng góp ý kiến. Hay có lần đi du lịch Đà Lạt, thấy môi trường có nhiều rác, em cũng bày tỏ bức xúc trên trang cá nhân của mình.
Vì vậy, cái biệt danh ‘bà chúa ve chai’, ‘cô gái môi trường’ là tên gọi mà bạn bè ở trường thường đặt cho Ánh Dương khi nhắc về em.
Thùy Linh