Cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong phát minh ra công nghệ làm giấy từ tảo biển, được tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP.HCM.

Hai cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM đã phát minh ra công nghệ làm giấy từ tảo biển. Đề tài này đã giúp đôi bạn được tuyển thẳng vào Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Nhìn người bán bánh mì cắt những mẩu giấy nhỏ để gói bánh, em nghĩ sau khi ăn xong người ta sẽ ném bỏ giấy, như vậy vừa lãng phí, lại vừa gây ô nhiễm môi trường.

Lãng phí vì nguyên liệu làm ra giấy là từ gỗ, nếu gỗ không sử dụng làm giấy thì có thể làm ra những sản phẩm khác.

Trong khi đó, giấy ném bỏ sẽ trở thành rác, chặt cây lấy gỗ để làm giấy cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường. Liệu có nguyên liệu nào làm giấy tiết kiệm hơn?”, Trần Tuấn Anh chia sẻ nguyên nhân nghiên cứu sản xuất giấy từ tảo biển.

Từ ý tưởng ban đầu, Tuấn Anh cùng với bạn trong lớp là Đỗ Trung Thắng lên kế hoạch tìm hiểu. Từ sự gợi ý của thầy cô, nghiên cứu tài liệu, Tuấn Anh và Thắng quyết định chọn nguyên liệu thay thế gỗ là tảo biển.

Đây là một nguyên liệu khá phổ biến ở các vùng biển, sông hồ Việt Nam. Theo lý giải của Tuấn Anh thì chu kỳ sinh trưởng của một cây lấy gỗ từ lúc nảy mầm đến khi cho gỗ thường mất ít nhất từ 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Trong khi đó, cơ chế sinh trưởng của tảo thì ngắn hơn nhiều. Để nhân đôi tảo chỉ mất khoảng thời gian từ 2 - 3 ngày. Nếu có thể tận dụng nguồn nguyên liệu từ tảo biển để làm giấy thì hiệu quả về kinh tế rất cao.

Tuấn Anh giải thích: “Thành phần sản xuất giấy từ tảo biển là xenlulozo. Đây là thành phần bỏ đi trong ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm từ tảo biển.

Chính vì thế, lấy thành phần này để sản xuất giấy vừa có thể tận dụng được phế phẩm bỏ đi, vừa giúp bảo vệ môi trường vì thành phần này khi không sử dụng sẽ gây hại cho môi trường”.

“Thực ra, đề tài nghiên cứu của tụi em là theo hướng sản xuất giấy công nghiệp. Tuy nhiên, vì không có dụng cụ, phòng thí nghiệm chuyên nghiệp nên phải làm thủ công.

Nhờ một chú hàng xóm hướng dẫn và cho mượn dụng cụ, sau hơn một tháng xay, giã, chúng em làm ra sản phẩm là một mảnh giấy từ tảo.

Chính mảnh giấy này đã mang về cho chúng em giải nhì trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, do Bộ GD-ĐT tổ chức...; và được tuyển thẳng vào Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM”, Tuấn Anh kể.

Đề tài nghiên cứu làm giấy từ tảo được một số nhà chuyên môn đánh giá cao. Cô Lê Thị Bích Thủy (giáo viên sinh học Trường THPT Lê Hồng Phong, cũng là người trực tiếp hướng dẫn đề tài của Thắng và Tuấn Anh) nhận xét:

“Tôi đã từng hướng dẫn rất nhiều đề tài nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên, đây là một trong số ít những đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực hóa sinh đi sâu nhất và có tính ứng dụng thực tế cao nhất”.

Theo cô Thủy, sản xuất giấy truyền thống dùng nguyên liệu là gỗ nên phải qua xử lý lignhin bằng cách dùng hóa chất, có thể gây hại cho môi trường.

Nhưng nếu làm giấy từ tảo thì không phải trải qua bước xử lý này (do tảo không bị lignhin hóa) nên sẽ giúp rút ngắn quy trình sản xuất và tránh ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, nguyên liệu từ tảo dễ nuôi trồng, tốc độ sinh sản nhanh. Xét về mặt kinh tế thì rất có lợi.

Lam Ngọc - báo Thanh niên

Bài gốc.

TinQuânTin tức