Sinh viên Đà Nẵng đạt giải cuộc thi với sáng chế chuồng gà thông minh

Ở thành phố, nguồn thực phẩm hằng ngày hoàn toàn phải đi mua nhưng lại không xác định được nguồn gốc, muốn tự nuôi gà để ăn an toàn hơn nhưng không có diện tích lẫn thời gian chăm sóc. Từ thực tế này, nhóm sinh viên Đà Nẵng đã sáng chế chuồng nuôi gà hiện đại giải quyết những vướng mắc trên.

Sản phẩm của nhóm đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Microsoft Imagine Cup VN 2017 vừa diễn ra tại TP.HCM và sắp tới nhóm sẽ đại diện VN tiếp tục tranh tài tại Philippines.

Ai cũng có thể nuôi gà

Nhóm tác giả gồm Nguyễn Trần Hoàng Linh, Lê Quốc Triều (cùng là sinh viên Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng) và Nguyễn Huy Luật (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng).

Nguyễn Trần Hoàng Linh, trưởng nhóm, chia sẻ về lý do sáng chế sản phẩm: “Tụi mình muốn mang đến cho người sử dụng sự yên tâm khi biết chính xác nguồn gốc sản phẩm, quá trình chăm sóc cho đến khi đưa vào sử dụng, mọi thứ đều có thông tin rõ ràng”.

Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, với nhiều đêm thức trắng, thành quả của nhóm đã “ra lò”, đó là hệ thống chuồng nuôi gà thông minh, tích hợp nhiều tính năng.

Khi đóng - mở cửa chuồng, có thể đo cân nặng và đo nhiệt độ cơ thể gà. Chuồng có máng ăn thông minh tự động điều chỉnh lượng thức ăn theo quy định…

Rồi đèn, quạt thông gió đảm bảo môi trường tốt nhất cho gà phát triển. Đặc biệt hơn là sàn vận động sẽ giúp từng chú gà được… tập thể dục mỗi ngày.

“Với những tính năng hữu dụng, chuồng gà thông minh hoàn toàn thay thế được tất cả mọi khâu chăm sóc của con người.

Từ đó người nuôi gà chỉ cần cho gà vào chuồng và giám sát sự tăng trưởng cũng như sức khỏe của gà thông qua phần mềm được cài sẵn.

Vì thế, bất kỳ ai, dù có hay không thời gian và diện tích nuôi, đều vẫn có thể nuôi cho mình những con gà khỏe mạnh và đảm bảo chất lượng như gà thả vườn”, Linh tự hào.

Gà vận động như tập gym

Nhóm đã nghiên cứu tỉ mỉ đến từng chi tiết để cho ra đời chiếc chuồng gà giải quyết được bài toán “Làm thế nào để gia đình thành phố cũng có thể tự nuôi gà?”. Bên cạnh đó là việc xác định nguồn gốc của gà khi người tiêu dùng mua về sử dụng.

Để làm được điều này, nhóm gắn vào chân mỗi chú gà thiết bị truy xuất thông tin RFID và một thiết bị cảm biến được gắn ở cửa chuồng.

Khi gà đi qua cửa, các thông tin về gà sẽ được thiết bị thu thập và lưu trữ. Người sử dụng hoàn toàn có thể yên tâm khi mua về sử dụng vì biết được gà xuất xứ từ đâu và việc chăn nuôi có an toàn hay không.

Lý giải về việc cho gà vận động, Linh chia sẻ: “Việc vận động nhằm tăng cường sức khỏe cho gà. Ở trong môi trường nuôi nhốt gà thường thiếu vận động, dẫn tới các cơ quan ở chân gà sẽ yếu, ảnh hưởng đến chất lượng thịt.

Giải quyết vấn đề này, nhóm mình sử dụng sàn vận động di chuyển tại chỗ, giúp cho gà có thể vận động ngay trong chuồng dưới sự điều khiển của người nuôi. Sàn vận động có thể điều chỉnh tốc độ để gà có nhiều chế độ vận động khác nhau”.

Tất cả những chức năng trên, nhóm dựa vào thông số của gà nuôi và sau đó kết hợp với chuyên gia nông nghiệp để đưa ra giải pháp.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ chọn ra giải pháp phù hợp nhất để gợi ý người chăn nuôi áp dụng các loại thức ăn cho từng loại gà theo từng giai đoạn.

Nhìn những chú gà trong chuồng chạy bộ trên sàn vận động giống như đang tập gym, một vị giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi hài hước: “Đây là cái phòng mà tôi hằng mong ước sở hữu”.

Nữ Vương - Báo Thanh niên

TinQuânTin tức