Sáng chế mũ bảo hiểm thông gió, thay đổi tùy theo thời tiết

Mũ bảo hiểm thông gió khiến da đầu người đội không bị hầm bí, mũ có thêm lớp làm bằng cao su silicon, tạo ra nhiều khoảng trống lấy gió và tăng cường giảm chấn động, là sáng chế đầu tiên của ông Trương Thành Lễ ở thành phố Long Xuyên, An Giang.

Khi sử dụng mũ bảo hiểm, da đầu thường bị bịt kín, cộng với thời tiết nóng bức khiến tăng tiết bã nhờn, đầu ra nhiều mồ hôi nhiều. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm phát triển, gây nên những loại bệnh về da đầu như ngứa, nấm tóc,…

Trước thực tế đó, gần 10 năm qua, ông Trương Thành Lễ đã có ý tưởng cần phải cho ra một loại mũ có thể khắc phục được những nhược điểm trên. Sau một thời gian nghiên cứu, sáng chế về mũ bảo hiểm thông gió của ông Lễ được ra đời.

Ông Lễ cho biết, mũ bảo hiểm thông gió và làm sạch đầu được ông thiết kế gồm bốn lớp. Lớp vỏ ngoài làm bằng nhựa tổng hợp chịu lực va đập. Lớp thứ hai bằng xốp EPS hấp thụ xung động, được sơn một lớp để làm sạch.

Nhờ lớp sơn này, người sử dụng có thể vệ sinh dễ dàng. Lớp thứ ba là lớp thông gió tạo cho đầu không bị nóng hầm. Lớp thông gió này cách lớp xốp một khoảng không gian để không khí có thể ra vào mũ dễ dàng tạo. Nhờ đó, mồ hôi đầu dễ bay hơi, giúp tóc không bị nấm.

Theo ông Lễ, sự khác biệt của mũ bảo hiểm thông gió so với các loại mũ thông thường hiện nay là ở lớp thứ ba này. Lớp thông gió được thiết kế tổ (tàn) ong làm bằng cao su silicon, tạo ra nhiều khoảng trống lấy gió trong mũ. Đồng thời làm tăng cường giảm chấn động khi xảy ra va đập. 

Mũ bảo hiểm này không cần thiết kế nhiều lỗ trên mũ để lấy gió, nên khá an toàn cao cho người sử dụng. Ngoài ra, ở mũ bảo hiểm thông gió, ông Lễ còn làm thêm một lớp thứ tư không gắn cố định vào mũ, tháo lắp dễ dàng.

Đây là lớp vải lót cho êm và giữ cho mũ ôm sát đầu. Lớp vải lót này có thể sử dụng được cả hai mặt và thay thế theo thời tiết nóng hay lạnh.

Ông Lễ cho biết thêm, ban đầu, khi thiết kế mũ bảo hiểm thông gió, ông tạo những lớp rãnh hình bán cầu chạy dọc và ngang như bàn cờ để lấy gió ở ngay lớp xốp hấp thụ xung động.

Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, thấy hiệu quả lấy gió chưa cao, ông đã nghiên cứu và tạo ra lớp thông gió riêng làm bằng cao su silicon.

"Vì làm thêm lớp thông gió, sơn ở lớp xốp và khóa cài tấm vải lót để tháo ra vệ sinh dễ dàng nên chi phí sản xuất mũ bảo hiểm thông gió tăng thêm 20-30% so với mũ thông thường trên thị trường. Tổng chi phí sản xuất vào khoảng 190 ngàn/ chiếc.

Ngoài những tiêu chuẩn về độ an toàn của những chiếc mũ bảo hiểm thông thường, mũ bảo hiểm thông gió có những tính năng mới, tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng, đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm vào mùa hè" ông Lễ chia sẻ.

Chị Vương Minh Thủy (Phường Thạnh Xuân, Quận 12, TPHCM), người dùng sau khi trải nghiệm sử dụng chiếc mũ bảo hiểm thông gió cho biết, đội chiếc mũ bảo hiểm này rất thoải mái, không có cảm giác bí bách, bởi khi đi xe, gió từ ngoài lùa được vào trong nhờ lớp thông gió, nên da đầu khá mát mẻ.

Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, chỉ cần tháo lớp lót bên ngoài để giặt, rất tiện lợi. Đối với mũ thông thường, khi bị bẩn phải vệ sinh toàn bộ, khiến mũ rất lâu khô, nhất là vào những hôm thời tiết mưa ẩm.

Trăn trở tìm nguồn vốn đầu tư sản xuất hàng loạt và bị làm nhái khi đưa ra thị trường nên ông Lễ mong muốn được Cục Sở hữu trí tuệ sớm xem xét thẩm định đơn sáng chế mũ bảo hiểm thông gió để an tâm trong đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, ông cũng mong được các cơ quan nhà nước hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể sản xuất số lượng lớn phục vụ người tiêu dùng.

Kiều Anh - Khoa học phát triển

TinQuânTin tức