Hai phụ nữ về hưu lập thư viện di động trên xe hơi phục vụ cộng đồng

Đối với nhiều người dân ở các vùng nông thôn hẻo lánh của Latvia, thư viện di động trên những bánh xe là mối liên hệ duy nhất của họ đối với thế giới bên ngoài.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ ngày nay, người dân trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Thế nhưng, ở một số miền quê xa xôi trong đó có những ngôi làng thuộc miền tây Latvia, người dân vẫn chưa có cơ hội tiếp cận thông tin mới. Với mong muốn giúp họ được đọc sách, trao đổi thông tin, 2 người phụ nữ trung niên Laima Lebina và Rita Vidia đã cùng nhau lập ra thư viện di động trên xe hơi.

Đến hẹn lại lên, mỗi tháng 4 lần, bà Laima Lebina, 1 cựu nhân viên thủ thư và bà Rita Vidia, 1 tài xế đã về hưu giờ đảm nhận việc điều khiển chiếc xe thư viện lại bận rộn với việc chuẩn bị các loại sách báo, xếp ngăn nắp trên các ngăn kệ trên xe cho cuộc hành trình dài.

Thư viện di động của 2 người phụ nữ trung niên Laima Lebina và Rita Vidia được người dân Latvia ủng hộ nhiệt tình và rất quý mến.

Điểm đến của họ là những ngôi làng xa xôi nơi dân cư, đang ngày càng trở nên thưa thớt, do hầu hết những người trẻ tuổi đều rời quê nhà đến thành phố để kiếm sống. Những người còn lại đều đã già và sống chủ yếu bằng cách trồng trọt.

Đối với nhiều người trong số họ, các nhân viên của thư viện trên xe là những vị khách thường xuyên nhất. Ông Sergey Koropecs, một nhân viên nhà nước đã về hưu là một độc giả quen thuộc của thư viện.

Ông Sergey Koropecs một độc giả quen thuộc của thư viện.

 “Nhờ có thư viện này mà tôi không phải đi xe vào thị trấn để tìm mua những quyển sách cần đọc.” độc giả Sergey Koropecs cho biết

Ngoài chức năng chính là mang sách đến để bất cứ ai cũng có thể mượn đọc, thư viện di động này còn đóng vai trò như một văn phòng hỗ trợ soạn thảo văn bản, tài liệu. Nó còn là một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ nơi có thể cung cấp một số loại thực phẩm và các nhu yếu phẩm dùng hàng ngày.

Tôi vừa mới mua bánh mì, thức ăn cho mèo và nhiều món đồ khác. Nếu không có chiếc xe thư viện này, tôi phải chạy xe đạp nhiều giờ đồng hồ đến thị trấn gần nhất mới có sách. Đó là một quãng đường rất xa.” Độc giả Lana Loseva cho biết.

Do sống ở nơi hẻo lánh, nhà cửa nằm cách xa nhau, nên dân làng cũng ít có dịp gặp gỡ nhau. Mỗi khi chiếc xe thư viện xuất hiện, nhiều người đến để vừa mượn sách, vừa có cơ hội gặp gỡ trò chuyện, tán ngẫu với nhau.

Thư viện trên xe là nơi người dân mượn sách và gặp gỡ trò chuyện, tán ngẫu với nhau.

“Chúng tôi rất vui vì có sách báo để đọc và để chia sẻ thông tin với nhau. Nếu không có chiếc xe và những quyển sách này chúng tôi chỉ biết cặm cụi làm việc. Tôi là một người làm vườn không có nhiều cơ hội ra ngoài vui chơi, thế nên tôi rất trông đợi thư viện di động này”, một độc giả quen thuộc của thư viện chia sẻ

Còn với hai bà Laima và Rita, dù việc vận chuyển sách phải vượt qua 1 quãng đường xa đến các ngôi làng là những chuyến hành trình vất vả và mệt nhọc, nhưng họ đều thấy rất vui khi có nhiều người quan tâm đến việc đọc sách, mở rộng kiến thức và giải trí.

Còn đối với cựu thủ thư Laima Liepina, làm việc ở thư viện di động này thoải mái hơn những thư việc trước đây mà bà từng làm thời còn trẻ: “Tôi thấy làm việc ở thư viện di động vui vẻ hơn ở một thư viện cố định. Sự tương tác với người dân ở mỗi vùng miền là một trải nghiệm thú vị. Rồi cả việc chuẩn bị sách cho mỗi chuyến đi nữa và biết rằng có nhiều độc giả đang chờ đợi bạn. Cảm giác đó thật tuyệt vời”.

Laima và Rita trên một hành trình đưa thư viện di động tới phục vụ cộng đồng.

Nhưng nhiều người lại đang lo lắng cho tương lai của thư viện di động này. Bởi theo tuổi tác, cũng sẽ đến lúc 2 phụ nữ trung niên Laima và Rita nghỉ ngơi. Nhưng trước mắt, dù đã về hưu, nhưng với mong muốn mang sức sống đến với những miền quê hẻo lánh, cựu thủ thư Laima và cựu tài xế xe bus Rita vẫn cần mẫn mang thực phẩm và những món ăn tinh thần đến từng ngôi làng, ngõ xóm trên khắp đất nước Latvia.

Một độc giả nhí đang tìm kiếm sách trong thư viện di động.

Trong gần 20 năm qua, Latvia đang phải chứng kiến sự suy giảm dân số khi tỷ lệ sinh thấp trong khi tỷ lệ tử vong cao. Ngoài ra, các vùng nông thôn của quốc gia Đông Âu có mật độ dân số thưa thớt do tình trạng di dân diễn ra ngày càng phổ biến khi ngày càng nhiều người trong độ tuổi lao tuổi tìm đến đô thị tìm kiếm việc làm. Hành trình này bỏ lại nơi làng quê heo hút những người già cô đơn vốn cần có con cái để nương tựa và bầu bạn.

Hoài Thanh (Theo DW)