Biến đĩa than cũ thành đồng hồ độc đáo

Anh Pavel Polukhin người thành phố Yekaterinburg, Nga đang cầm trên tay một chiếc đĩa than, loại đĩa nhạc từng là biểu tượng của công nghệ thu âm từ thời Xô Viết. Với nhiều người, chiếc đĩa than này giờ chỉ còn là một sự hoài niệm, nhưng với anh Pavel, nó lại là một nguồn nguyên liệu để sản xuất ra những chiếc đồng hồ độc đáo.

Anh Pavel và bộ sưu tập 500 mẫu đồng hồ của công ty Cube, do Anh sở hữu.

“Đĩa than là một cái gì đó từ quá khứ. Một cái gì đó đã cũ và đã bị quên lãng. Chúng tôi cho chúng một cuộc đời thứ 2. Chúng tôi biến chúng thành đồng hồ. Chúng nhắc nhở chúng ta về thời gian. Thời gian có nghĩa là quá khứ, là hiện tại và  còn cả tương lai nữa”, anh Pavel Polukhin cho biết.

Từ những chiếc đĩa than, anh Pavel sử dụng máy cắt laser để tạo ra những mặt đồng hồ. Hiện anh Pavel thiết kế khoảng 500 mẫu đồng hồ khác nhau, với nhiều chủ đề từ hình ảnh của các ban nhạc hay ca sĩ, xe ô tô nhân vật trong phim điện ảnh cũng như phim hoạt hình. Anh cho biết, mẫu mã đồng hồ do anh chế tác sẽ không dừng lại ở con số đó.

"Chúng tôi có thể làm ra những chiếc đồng hồ theo yêu cầu của khách hàng. Họ muốn đồng hồ của họ in hình chân dung của một nghệ sĩ nổi tiếng, chúng tôi gợi ý rằng chúng tôi đã có mẫu đồng hồ đó. Nhưng họ nói rằng không, họ thích một nghệ sĩ cụ thể nào đó. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ chiều theo ý khách hàng và sản xuất ra một chiếc đồng hồ vừa ý của khách”, chị Ksenia Polukhins, vợ của anh Pavel chia sẻ.

Những chiếc đồng hồ từ đĩa than đang mang đến cho vợ chồng anh Pavel một nguồn lợi nhuận không hề nhỏ. Mỗi chiếc đồng hồ như vậy anh bán được với giá 24USD, tương đương 550 nghìn đồng Việt Nam. Thậm chí, những chiếc đồng hồ độc đáo từ đĩa than còn thu hút khách hàng tới mức, vợ chồng anh đã mở hẳn một công ty chuyên sản xuất mặt hàng này. Công ty của anh có tên là Cube.

Một vài mẫu đồng hồ từ đĩa than do anh Pavel Polukhin sản xuất.

Việc sản xuất loại đồng hồ đặc biệt này đòi hỏi một số kỹ năng đặc biệt, trong đó có việc dử dụng máy cắt laser. Sau khi mẫu mã đồng hồ được định hình, chiếc máy cắt sẽ được lập trình để cắt chiếc đĩa than. Anh Pavel cũng nói thêm rằng, máy cắt laser cũng cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với chân dung từng nhân vật cụ thể trên đĩa than: “Mỗi nhân vật sẽ có những đặc điểm khác biệt. Chẳng hạn có người béo, người gầy, có người mũi to, mũi nhỏ. Mắt cũng thế. Bởi vậy cần điều chỉnh máy cắt sao cho hợp lý”.

Anh Pavel cũng cho biết, đĩa than là một vật liệu thô lí tưởng. Nó khá dẻo, có đường kính 30cm nên thích hợp để làm mặt đồng hồ. Thời gian để chế tác một chiếc đồng hồ từ đĩa than của anh dao động từ vài chục phút cho tới vài ngày tùy thuộc vào độ phức tạp của hình ảnh mà khách hàng muốn in lên mặt đồng hồ.

“Mất khoảng từ 20-30 phút để sản xuất một hình ảnh đơn giản. Còn nếu muốn một bức chân dung màu chẳng hạn như của ban nhạc The Beatles thì tôi phải mất từ 1 đến 2 ngày bởi đây là một tác phẩm thủ công hoàn toàn. Tôi phải sơn màu cho từng thành viên của ban nhạc sau đó ghép lại với nhau”, anh Pavel cho biết.

Công việc kinh doanh của vợ chồng anh Pavel bắt đầu khoảng 1 năm trước. Còn về nguồn nguyên liệu thô anh nói rằng đó là một nguồn nguyên liệu khổng lồ. Dưới thời Xô Viết, hàng tỷ đĩa than đã được sản xuất và giờ đây các cửa hàng băng đĩa và nhiều cá nhân bán chúng với giá rẻ, thậm chí là tặng không chúng. Việc của anh Pavel là lựa chọn những chiếc đĩa không bị xước và còn nguyên vẹn logo của công ty sản xuất đĩa than thời Liên Xô Melodiya.

Sau một năm, những chiếc đồng hồ mang âm hưởng một thời xa vắng của anh Pavel đã được nhiều người biết đến. Khách hàng mua đồng hồ từ công ty Cube của Anh Pavel Polukhin không chỉ là người dân địa phương ở Yekaterinburg hay các thành phố khác của Nga mà còn là những người nước ngoài.

Đồng hồ chân dung ban nhạc The Beatles mất từ 1 đến 2 ngày để sản xuất.

“Thật tuyệt vời và vô giá. Bạn chỉ cần đưa ra ý tưởng, công ty Cube sẽ hiện thực hóa ý tưởng đó. Bất kể là bạn thích cái gì, bạn sẽ có một chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị. Đó là những sản phẩm đáng được tán dương”, cô Ksenia Svetlakova, một khách hàng cho biết.

Trung bình mỗi tháng anh Pavel bán ra khoảng 300 chiếc đồng hồ từ đĩa than. Thậm chí, tháng cao điểm như tháng 12 năm 2017 anh còn bán được tới 1000 chiếc. Khách hàng mua chúng chủ yếu để làm quà tặng giáng sinh và năm mới.

Anh Pavel chia sẻ rằng, anh mang tới cho những chiếc đĩa than một cơ hội sống lần thứ 2 bởi anh trân trọng những ký ức thấm đượm âm nhạc và biểu tượng của một thời lịch sử hoàng kim: “Bản thân những chiếc đĩa than đã chứa đựng sự ấm áp về tuổi thơ của rất nhiều người. Khi nhớ về thời niên thiếu, tôi nhớ tới những lúc nghe nhạc từ đĩa than. Nó luôn luôn đem đến sự ấm áp và êm đềm”.

Để tạo ra những mặt đồng hồ tinh xảo như thế này, Anh Pavel đã phải sử dụng tới máy cắt laser.

Năm 1877 Thomas A.Edison - nhà phát minh thiên tài người Mỹ đã sáng chế ra chiếc máy ghi âm đầu tiên của loài người, chiếc máy hoạt động dựa trên cơ sở các sóng âm thanh được đưa qua một bộ phận biến đổi để tạo nên những vết khắc từ một chiếc kim lên trên một ống trụ kim loại. Khi cần tái tạo lại âm thanh, người ta dùng chiếc kim đó đọc lại từ ống kim loại đã được ghi âm, dao động cơ học ở đầu kim được qua một hệ thống khuếch đại bằng cơ khí để nâng biên độ lớn lên rồi đưa ra loa.

Về nguyên lý, việc ghi âm vào đĩa than không khác nhiều so với nguyên lý ghi âm ban đầu của Edison. Năm 1887, Emile Berliner (Mỹ) đã sáng chế ra chiếc máy quay đĩa đầu tiên. Để nâng cao chất lượng âm thanh, công nghệ ghi âm trên quy mô công nghiệp đã được cải tiến không ngừng, từ những bản ghi đầu tiên với kỹ thuật ghi âm mono 78 vòng/phút, cho đến những chiếc đĩa đạt tiêu chuẩn hi-fi long play 33 vòng/phút là một bước tiến đáng kể. Trong lĩnh vực chế tạo đĩa phải kể đến tên những hãng ghi âm có nhiều đóng góp lớn như: RCA Victor, EMI Records (Mỹ), Decca Reccords (Anh), Deutsche Gramophon (Đức)...

Thị trường tiêu thụ đĩa than trên thế giới rất phát triển vào những năm 50 - 70 của Thế kỷ XX. Qua đến đầu những năm 80, do sự ra đời của đĩa CD, thị trường đĩa than đã bị thu hẹp lại rất nhiều, đặc biệt là trong giới nghe nhạc phổ thông.

Hoài Thanh (Theo AP)