Du thuyền tự gom rác làm nhiên liệu

Rác thải sau khi thu gom được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ khí hóa plasma, công nghệ thường được dùng trên các tàu sân bay ở Mỹ, để chuyển hóa thành nhiên liệu vận hành du thuyền.

Ocean Saviour có 3 tầng, dài 70m, ngoài phòng VIP còn có bãi đáp trực thăng và phòng thí nghiệm phục vụ mục đích nghiên cứu.

Theo ước tính, mỗi năm con người sản xuất tới 300 triệu tấn nhựa, gấp 5 lần so với sản lượng của 50 năm trước. Và đáng lo ngại là, có đến khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải ra các đại dương. Để đối phó với tình trạng này, doanh nhân Richard Robert, người Anh đã có một ý tưởng chẳng khác gì phim khoa học viễn tưởng: sản xuất ra một chiếc du thuyền đi gom rác thải trôi nổi trên bề mặt đại dương. Và sẽ chẳng có gì đáng nói về du thuyền này nếu nó không dùng chính rác thải thu gom được để làm nhiên liệu vận hành chính mình.

Ocean Savour được trang bị 2 cánh tay nhựa và một băng chuyền có thể tự động thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên mặt đại dương.

 “Tôi đã theo dõi rất nhiều tin tức tiêu cực về tình hình môi trường hiện tại, về rác thải đại dương, tôi nghĩ rằng mình cần phải làm điều gì đó”, ông Richard Roberts, Giám đốc điều hành YachtMarket.com cho biết.

Với khả năng thu gom 5 tấn rác thải nhựa trên biển mỗi ngày, chiếc du thuyền được gọi với cái tên Ocean Saviour (Cứu tinh của đại dương). Ước tính với năng suất hoạt động như vậy, con thuyền chỉ cần 40 năm để dọn sạch rác ở Đại Tây Dương.

Để làm được như vậy, người ta đã trang bị cho Cứu tinh của đại dương 2 cánh tay nhựa, và một băng chuyền nhờ đó có thể tự động thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên mặt đại dương. Rác sau khi được thu gom sẽ được nghiền và cắt nhỏ trước khi đưa vào một lò phản ứng. Tại đó, rác thải ô nhiễm được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ khí hóa plasma - công nghệ thường được dùng trên các tàu sân bay ở Mỹ và cho ra sản phẩm cuối cùng là khí đốt tổng hợp. Loại khí này sau đó sẽ được sử dụng làm nhiên liệu để vận hành chính con tàu. Nhờ đó chiếc du thuyền triệu đô này có thể tự cấp năng lượng mà không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Như vậy, du thuyền Cứu tinh của đại dương sẽ xử lý rác ngay trên khoang mà không cần cập bến.

“Vẻ đẹp của Cứu tinh của đại dương nằm ở chỗ nó tái chế rác thải nhựa thu gom được trên biển ở quy mô công nghiệp. Vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt sau khi thu gom rác thải đại dương chính là chúng bị phân hủy. Nếu chỉ tái chế chúng rồi biến chúng thành những đồ nhựa khác thì chẳng hữu ích cho lắm. Bởi thế, thay vì lại đưa chỗ rác thải nhựa đó lên bờ rồi tái chế trên đất liền, chúng tôi xử lý chúng luôn trên thuyền, khiến cho chúng biến mất hoàn toàn khi biến chúng thành nhiên liệu cho du thuyền. Và chính nhiên liệu đó sẽ giúp du thuyền tiếp tục hành trình dọn dẹp rác trên đại dương”,  ông Richard Roberts, Giám đốc điều hành YachtMarket.com giải thích thêm.

Theo TheYachtMarket và Just One Ocean, các hãng đồng phát triển dự án Ocean Saviour có thiết kế 3 tầng và dài tổng cộng 70m. Ngoài cabin và phòng vip cho du khách và phi hành đoàn, du thuyền còn có bãi đáp máy bay trực thăng và các phòng thí nghiệm phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Đây là dự án du thuyền sinh thái đầu tiên trên thế giới. Thiết kế của du thuyền này vừa được định giá hơn 50 triệu USD tại triển lãm tàu thuyền lớn nhất nước Anh Southampton Boat Show.

Theo kế hoạch, mẫu du thuyền mới này sẽ mất khoảng 16 tháng để hoàn thiện và có thể được hạ thủy vào năm 2021.

Tàu Arctic Sunrise của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) xác nhận hạt vi nhựa tồn tại trong nước và băng Nam Cực, đồng thời phát hiện nhiều rác thải từ hoạt động đánh cá tại đây. Quỹ Ellen MacArthur dự đoán trong 30 năm tới, đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá. Thậm chí tổ chức này còn cho biết, hạt vi nhựa còn được tìm thấy trong hải sản ăn lọc như trai. Còn theo các nghiên cứu, nhựa chứa hợp chất có hại cho con người nhưng hậu quả của việc con người tiêu thụ gián tiếp từ chuỗi thức ăn hiện chưa rõ ràng.


Hoài Thanh (Reuters)



 

Guest User