Sản xuất giấy từ bẹ chuối

Túi ni-lông là một sản phẩm rất được ưa chuộng ở Uganda. Nhưng trong nhà hàng Akazvera ở thủ đô Kampala này, người ta không thể tìm ra một chiếc túi ni-lông nào. Thay vào đó, nhà hàng Akazvera nổi tiếng ở địa phương chỉ sử dụng túi bằng giấy.

“Chúng tôi không muốn sử dụng túi ni-lông bởi nó gây hại cho môi trường. Chúng tôi làm như vậy không chỉ vì bản thân mình, mà còn vì thế hệ con cháu của chúng ta.”, anh Philip Disoura, quản lý nhà hàng Akazvera cho biết

Những bẹ chuối khô này là nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất giấy ở Uganda

Uganda đang lến kế hoạch cấm sử dụng túi ni-lông trên phạm vi toàn quốc  vào cuối năm nay. Và để làm được điều đó, ngay từ lúc này, người ta đã nghĩ tới những chiếc túi dễ phân hủy làm từ giấy.

Nhưng nếu phải đốn gỗ để lấy bột làm giấy rồi sản xuất túi thì cũng chẳng phải là sáng kiến gì thân thiện với môi trường cho lắm.

Trước bài toán hóc búa này, một nhóm phụ nữ ở địa phương đã có một sáng kiến được đánh giá là đột phá. Họ đã nhìn ra tiềm năng từ một nguồn nguyên liệu rất phổ biến ở địa phương: đó chính là bẹ chuối. Trong khi đó, tại các trang trại ở Uganda, bẹ chuối được xem là một loại phế phẩm.

Bẹ chuối sau khi được nghiền nát, sơ chế sẽ phơi khô để trở thành giấy.

Nhưng những phế phẩm ấy lại giúp nhóm phụ nữ này kiếm ra tiền bằng cách biến chúng thành giấy.

“Từ những cây chuối có sẵn tại địa phương, chúng  thu lấy những bẹ chuối và dùng kéo cắt chúng ra thành những miếng nhỏ, nấu, giã nhuyễn trong khoảng 5 phút. Sau đó, chúng tôi cho bột chuối giã nhuyễn vào một chiếc thùng lớn, trộn thêm nước rồi rải chúng lên một chiếc sàng cho ráo nước và cho tới khi chỉ còn lại sợi tơ của bẹ chuối. Tiếp đó, chúng tôi đưa những tấm sợi tơ bẹ chuối này ra nắng để phơi khô”, chị Hariet Natale, thợ sản xuất giấy từ bẹ chuối giải thích quy trình làm giấy.

Sau khi phơi dưới nắng khoảng 6 tiếng, những sợi tơ bẹ chuối sẽ khô cứng lại và trở thành giấy. Nhưng đây mới chỉ là những tờ giấy thô.

Từ những tờ giấy làm từ bẹ chuối thô ráp, phụ nữ Uganda đã biến chúng thành những sản phẩm hữu dụng và đầy tính nghệ thuật.

Nhờ sự khéo léo và tỉ mỉ của những người phụ nữ trong xưởng, những tờ giấy thô từ bẹ chuối được “phù phép” thành những sản phẩm hữu dụng như: túi đi chợ, túi đựng thức ăn, sổ, vở viết và thậM chí là các tấm thiệp.

 “Năm ngoái chúng tôi sản xuất 5000 thùng giấy kiểu này cho Canada. Sau đó, chúng tôi đã xuất sang Mỹ khoảng 2000 thùng giấy tương tự. Từ đó đến nay, có rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước tới đây để tận mắt nhìn thấy công nghệ của chúng tôi và học hỏi cách sản xuất. Và họ đã bị thuyết phục. Thế rồi, họ đã đã đặt hàng rất nhiều”, chị Hariet Natale, thợ sản xuất giấy từ bẹ chuối chia sẻ.

 

Một quyển sổ đóng từ giấy bẹ chuối.

 Do có thể tự phân hủy, nên các sản phẩm làm từ loại giấy này không gây ô nhiễm môi trường. Theo các nhà nghiên cứu, giấy làm từ thân cây chuối có khả năng chống thấm nước và bền gấp 3 nghìn lần so với giấy làm từ bột gỗ.

Riêng tại thủ đô Kampala của Uganda có tới hàng nghìn cửa hàng đồ lưu niệm, quán ăn, và cửa hàng tạp hóa. Cùng với lệnh cấm sử dụng túi làm bằng nhựa của chính phủ, nhóm phụ nữ này hy vọng, tương lai của nghề làm giấy từ bẹ chuối của họ sẽ trở nên sáng sủa. Cùng với đó, họ có thể tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho phái yếu ở địa phương.

Túi giấy bẹ chuối được ưa chuộng ở thủ đô Kampala, Uganda.

Hiện, kế hoạch thay thế túi ni-lông bằng túi giấy làm từ bẹ chuối của họ y đang nhận được sự ủng hộ của nhiều người như một cách để bảo vệ môi trường.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Việc vứt bỏ túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng quá trình phân hủy của nó có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng Mặt trời.

Năm 2017, Kenya đã chính thức coi việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia này đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và nộp phạt 38.000 USD, hơn 888 triệu đồng. Với động thái này, Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, như: Tanzania,  Ethiopia, Malawi…

Hoài Thanh (Theo DW TV)