Sinh viên đưa công nghệ hiện đại vào bảo tàng để gìn giữ quá khứ

Với ý tưởng ứng dụng công nghệ hiện đại để quay ngược dòng thời gian, cậu bạn Trần Trọng Nghĩa (18 tuổi), sinh viên trường Đại học RMIT Việt Nam cơ sở Nam Sài Gòn, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống, đã có ý tưởng thành lập bảo tàng lịch sử thông minh, ứng dụng công nghệ 3D hiện đại.

Trần Trọng Nghĩa, tác giả của ý tưởng bảo tàng thông minh dùng công nghệ 3D.

Trần Trọng Nghĩa, tác giả của ý tưởng bảo tàng thông minh dùng công nghệ 3D.

Muốn gìn giữ những thứ thuộc về ông nội

Trong một lần đi du lịch ở Singapore, Nghĩa thấy ở đó có sở thú thông minh. Mặc dù không có thú nhưng khi đeo mắt kính vào là chúng ta có thể thấy và tương tác với thú. 

"Thấy được đó là một cái hay, sau khi trở về mình đã bắt tay vào thực hiện bảo tàng thông minh. Mình có tiền bao nhiêu cũng không mua được thời gian, mình muốn gánh vác trọng trách, muốn giữ gìn những thứ thuộc về ông nội”, Nghĩa chia sẻ.

Ông nội của Nghĩa là Chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (tên thường gọi là Năm Lai, bí danh Mai Hồng Quế) - người âm thầm đào hàng chục căn hầm bí mật để vận chuyển tài liệu, cất giấu vũ khí và tổ chức cho lực lượng biệt động Sài Gòn tiến đánh Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ông chính là nguyên mẫu của nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng.

Sau ngày đất nước thống nhất, với mong muốn phục dựng lại bức tranh thời chiến và bảo tồn những hiện vật mà cha mình từng sử dụng để phục vụ cho chiến tranh, ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) đã cất công đi tìm và chuộc lại nhiều địa điểm, sau đó bài trí thành bảo tàng lịch sử giúp thế hệ trẻ biết về một thời binh lửa của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Trong những địa điểm đó phải kể đến 3 căn nhà tại số 113A Đặng Dung, số 145 Trần Quang Khải (Quận 1) và số 270 Võ Văn Tần (Quận 3).

Nhận thấy bảo tàng kiểu truyền thống không hấp dẫn giới trẻ cũng như du khách, người và hiện vật không có sự tương tác với nhau mà mọi thứ chỉ phụ thuộc vào người thuyết minh nên còn nhiều điều hạn chế, Nghĩa đã nảy ra ý tưởng xây dựng bảo tàng thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại bằng hình ảnh 3D.

Cậu bạn Trần Trọng Nghĩa tại bảo tàng sắp đi vào hoạt động của mình.

Cậu bạn Trần Trọng Nghĩa tại bảo tàng sắp đi vào hoạt động của mình.

“Xã hội ngày càng phát triển thì chất lượng cuộc sống của con người cũng dần thay đổi. Họ đến tham quan bảo tàng không chỉ để khoanh tay ra phía sau, để cúi mặt đọc những dòng chữ ghi trên hiện vật, mà cần có sự tiếp xúc và tương tác với những thứ mà mình quan tâm. Bằng cách làm mới, bảo tàng không chỉ cuốn hút bạn trẻ mà còn đối với du khách nước ngoài”, Nghĩa bộc bạch.

Ngược dòng quá khứ để làm bảo tàng hiện đại

Bảo tàng thông minh của Nghĩa được vận hành trên smartphone. “Khi khách đến tham quan có thể tải app bảo tàng thông minh về điện thoại. Sau đó chọn hiện vật để hình ảnh 3D hiện lên tương tác và thuyết minh, có tùy chọn ngôn ngữ mà du khách lựa chọn. Cái tiện lợi nhất là muốn tìm hiểu về hiện vật nào đều có đầy đủ thông tin. Không chỉ vậy, app còn có công dụng giúp du khách đặt xe đi lại, đặt phòng khách sạn, quán ăn, vé máy bay…” Nghĩa tiết lộ.

Để có được những điều thú vị đó, chàng sinh viên 18 tuổi phải đi tìm hiểu về nguồn gốc, niên đại của từng hiện vật có trong bảo tàng, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử.

Lội ngược dòng về quá khứ đối với một chàng trai mới lớn quả là chuyện không hề dễ dàng. Có người hiểu thì động viên, ủng hộ nhưng cũng có người nghĩ Nghĩa khó thành công với việc đang làm. Điều đó khiến Nghĩa bị áp lực, lung lay, thậm chí có lúc cậu bạn còn bị chùn bước nhưng khi nghĩ về ông nội, về tâm huyết của cha, Nghĩa tự động viên mình nhất định phải tiếp tục chứ không được bỏ cuộc. 

“Mình đã từng đi phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, nhưng có những trường hợp khi vừa đi đến nơi thì hay tin họ đã mất. Vì vậy thông tin đó cũng bị mất luôn vì họ là người duy nhất biết được. Có những việc mình không làm hôm nay thì ngày sau sẽ vĩnh viễn không làm được nữa. Đó chính là động lực thôi thúc mình phải làm nhanh, làm ngay”, Nghĩa bộc bạch.

Trần Trọng Nghĩa đang tiếp khách tại bảo tàng của mình.

Trần Trọng Nghĩa đang tiếp khách tại bảo tàng của mình.

Với bảo tàng thông minh, không chỉ phục vụ cho khách tham quan mà các em học sinh có thể tìm hiểu về lịch sử.

Cô Đoàn Xuân Nhung (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Võ Trường Toản, Q1) nhận xét: “Tôi khá bất ngờ và tò mò trước ý tưởng sáng tạo của Trần Trọng Nghĩa. Đây là một dự án hay, thú vị và sẽ thu hút được sự yêu thích không chỉ các học sinh, sinh viên trong nước mà còn cả du khách nước ngoài vì em đã vận dụng được công nghệ mới vào việc lưu trữ và truyền bá những giá trị lịch sử văn hóa. Khi dự án hoàn thành, tôi nhất định sẽ đưa học sinh đến tham quan”.

Theo dự kiến, cuối năm nay bảo tàng thông minh của Nghĩa sẽ hoàn thành. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, góp phần vào việc “phát triển yếu tố di sản văn hóa trong một đô thị thông minh” -  vấn đề đang được các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế quan tâm hiện nay.

Kiều Khánh/Theo Khám Phá