QQqueue: Sáng chế sinh viên giúp lược giản thời gian chờ đợi khám bệnh

QQqueue - Nền tảng phòng chờ ảo cho bệnh viện, là sáng chế của các sinh viên đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho phép người tới khám bệnh tại bệnh viện được đặt lịch khám từ xa thay vì tới trực tiếp cơ sở y tế lấy vé chờ và chờ đợi tới lượt.

Nền tảng phòng chờ ảo cho bệnh viện (QQqueue), là giải pháp mới của nhóm sinh viên thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho phép người bệnh đặt lịch khám từ xa thay vì đến bệnh viện xếp hàng lấy số và chờ đợi. 

Khi cần đặt lịch khám, sẽ có danh sách bệnh viện đã kết nối, khoa khám bệnh để người dùng lựa chọn. Thông tin về tình trạng phòng khám được hiển thị giúp người bệnh có thể biết được số đang khám, ước tính làm chủ thời gian để di chuyển đến.

Người đặt lịch thành công sẽ được cấp một mã QR bao gồm thông tin số thứ tự, thời gian dự kiến sẽ khám. Khi đến chỉ cần quét mã QR để sử dụng dịch vụ. 

Để sử dụng dịch vụ, người dùng chỉ cần tải ứng dụng, đăng nhập bằng số điện thoại để tạo tài khoản. Tài khoản này sẽ gắn liền với sổ y tế điện tử cá nhân.

Chia sẻ với báo chí, Phạm Thái Nghị - thành viên nhóm dự án, cho biết, nhờ công nghệ AI để nghiên cứu thói quen người dùng và đưa ra các kịch bản di chuyển phù hợp nhất, khi yêu cầu được nhập vào hệ thống, QQqueue sẽ tự tính toán thời gian chờ và khoảng cách địa lý từ vị trí của bệnh nhân đến bệnh viện để thông báo cho họ thời điểm nên xuất phát đi khám. Ứng dụng đồng thời cũng đưa ra gợi ý về đường đi giúp người dùng đến bệnh viện đúng giờ một cách thuận tiện nhất.

Các dữ liệu đều được liên kết tới các bệnh viện qua dịch vụ điện toán đám mây WISE-PaaS. Hệ thống sẽ liên thông giữa máy chủ, máy của bộ phận tiếp nhận và bác sĩ. Khi bác sĩ hoàn thành việc khám bệnh, số thứ tự sẽ được nhảy tự động tới số tiếp theo. Dữ liệu từ nhiều kênh khác nhau (app, điện thoại, và người đến trực tiếp) được điều phối nên không bị chồng chéo. Toàn bộ thông tin được hiển thị trên bảng điều khiển để đội ngũ vận hành nền tảng và ban quản lý bệnh viện dễ dàng theo dõi.

Đại diện nhóm nghiên cứu hy vọng QQqueue sẽ sớm được đưa vào triển khai thực tế để cải thiện tình trạng chờ đợi khi hàng ngày mỗi bệnh viện đón tiếp gần 5.000 bệnh nhân khiến khoảng thời gian lấy số chờ đợi đến lượt khám có khi lên tới 2 tiếng. Ngoài lĩnh vực y tế, nền tảng này có thể ứng dụng trong siêu thị, nhà hàng, ngân hàng và các công viên giải trí để giải quyết các vấn đề tương tự

Nhờ giải quyết được các bất cập trong việc đăng ký khám chữa bệnh hiện nay tại nhiều nơi như thời gian chờ quá lâu, tập trung quá nhiều bệnh nhân tại một thời điểm,…, mới đây, giải pháp QQqueue của nhóm QQUEUE đã vượt qua hơn 100 dự án để trở thành quán quân Cuộc thi phát triển ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2021 do Tập đoàn công nghệ Advantech Việt Nam phối hợp cùng Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM và Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức trong khuôn khổ chương trình InnoWorks 2021 toàn cầu của Tập đoàn công nghệ cao Advantech (Đài Loan).

Đứng sau QQUEUE trên bảng xếp hạng của cuộc thi năm nay là đội TRIPLE O với dự án “Hệ thống nông trại thông minh”. Dự án “Mô hình nhà yến thông minh” của đội SIREAL giành giải ba.

Hai đội APCS K18 với dự án “Hệ thống phân tích camera thông minh” và SR.TKNK với “Siêu thị thông minh và xe đẩy tích hợp thanh toán tự động” cùng đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi năm nay.

Diễn ra từ đầu năm đến nay, cuộc thi phát triển ứng dụng “AIoT Developer InnoWorks 2021” đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên. Từ hàng trăm ý tưởng được gửi về, ban giám khảo đã chọn ra 10 dự án khả thi nhất vào tranh tài ở vòng bán kết và chọn 5 đội sáng giá nhất bước vào vòng chung kết.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công tác phía nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, các ý tưởng của sinh viên tham dự cuộc thi năm nay đã mang hơi thở cuộc sống thời đại: “Nhiều ý tưởng chạm đến những vấn đề rất nóng thực tế trước mắt ví dụ như những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 hay các bạn đã quan tâm đến vấn đề ách tắc giao thông tại TPHCM… Tôi cho rằng đây là một trong những ý nghĩa to lớn của cuộc thi. Ban giám khảo đều là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực AI, IoT nên họ không chỉ đánh giá các đội thi mà còn đưa ra các tư vấn vô cùng quý báu để các em có cơ hội sớm hoàn thiện và ứng dụng các sản phẩm vào thực tiễn”.

“AIoT InnoWorks” là một chương trình toàn cầu do tập đoàn Advantech phát động và tài trợ. Đến mùa thi năm 2021 cuộc thi này đã có 11 quốc gia tham gia. Tại Việt Nam, đây là mùa thứ hai các đội tham dự cuộc thi. Mùa thứ nhất vào năm 2019 do Đại học Bách khoa Hà Nội đăng cai tổ chức.

Các vòng thi tại mỗi quốc gia sẽ tìm ra đội quán quân để tiếp tục tham gia trong vòng giao lưu tài năng toàn cầu tại một số quốc gia đăng cai luân phiên.

Ngoài ra, các đội đoạt giải cao tại các vòng thi quốc gia có cơ hội tham gia chương trình phát triển tài năng trẻ toàn cầu trong lĩnh vực AI và I4.0 do Advantech phát triển và ươm mầm, mang tên “Elite100”. Các bạn tham gia Elite100 có cơ hội tham gia chương trình thực tập sinh hưởng lương của Advantech, được trực tiếp tham gia vào phát triển các dự án của Advantech và đối tác đang triển khai trên toàn cầu.

THEO THÁI AN

(Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo)