Sáng chế vật liệu giúp giải quyết vấn đề nước nhiễm xăng dầu

Nhóm 4 sinh viên đến từ Viện Khoa học Công nghệ Môi trường thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mới đây đã sáng chế thành công vật liệu aerogel siêu nhẹ có khả năng lọc nước nhiễm xăng dầu và hạn chế các tác hại của nguồn nước này tới môi trường và hệ sinh thái.

4 sinh viên Viện Khoa học Công nghệ Môi trường bao gồm Phạm Thế Vinh, Nguyễn Thế Phong, Phạm Thị Hương Giang và Vũ Hữu Hòa dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên mới đây đã thành công chế tạo vật liệu aerogel làm từ cellulose siêu nhẹ để lọc nước nhiễm xăng dầu góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.

Nhóm sinh viên Bách khoa Hà nội chế tạo vật liệu lọc nước nhiễm xăng dầu.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã tạo ra aerogel thuộc nhóm hữu cơ từ 3 nguồn sinh khối nông nghiệp dư thừa rất nhiều tại Việt Nam bao gồm: rơm rạ, lá dứa và bã mía. Kết quả, nhóm đã thu được một loại vật liệu aerogel có nhiều đặc tính ưu việt như khối lượng riêng nhỏ (16 - 63 mg/cm3), độ xốp rất cao (96-99%) và độ nổi tốt.

Với những đặc tính trên, vật liệu aerogel của nhóm sinh viên Bách Khoa đã thể hiện được tính ứng dụng cao trong xử lý nước nhiễm xăng và dầu. 

Thành phẩm aerogel của nhóm nghiên cứu .

Không chỉ vậy, aerogel cũng có thể ứng dụng vào sản xuất chất cách nhiệt trong quần áo, làm bao bì, vật liệu đóng gói, chất hấp phụ xăng- dầu, chất cách nhiệt, cách âm, trong y sinh,…

Để thử đánh giá hiệu quả của vật liệu này trong khả năng hấp thụ dầu và xăng trong nước, nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành các thử nghiệm tại các bến cảng, nơi hay xảy ra sự cố rò rỉ xăng dầu, nước thải từ các kho chứa xăng dầu hoặc nghiêm trọng hơn là để ứng phó nhanh với các sự cố tràn dầu trên biển.

Vật liệu aerogel có thể dễ dàng sử dụng bằng cách thả lên trên bề mặt nước nhiễm xăng, dầu. Dựa vào những đặc tính của nó, xăng dầu nhanh chóng được hấp phụ bên trong vật liệu và có thể dễ dàng thu lại vật liệu để tách chất ô nhiễm.

Được biết, đề tài nghiên cứu khoa học về vật liệu aerogel siêu nhẹ lọc nước nhiễm xăng dầu góp phần giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái của nhóm sinh viên trên đã đạt giải Nhất cấp trường, được lựa chọn là 1 trong 12 đề tài gửi đi dự thi cấp Bộ GD-ĐT của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngoài nghiên cứu với vật liệu aerogel, trước đó, 4 sinh viên này cũng đã tham gia nghiên cứu và hỗ trợ đề tài "Đèn tảo - sản phẩm giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà" của nhóm sinh viên K60 Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường. Sau đó, nhóm đã tiếp tục các thí nghiệm và cải tiến sản phẩm đó cho đến khi chuyển hướng sang nghiên cứu và chế tạo aerogel.

Trong tương lai xa, nhóm có định hướng thêm một số hướng nghiên cứu mới như chế tạo vật liệu Nanocellulose để làm vật liệu có tính uốn dẻo với độ bền cao hay là chế tạo Electrospinning - vật liệu dạng màng mỏng, dai để ứng dụng trong y tế.

THEO THÁI AN

(Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo)