Tương ớt cổ truyền đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp bền vững

Vượt qua 9 dự án khởi nghiệp, dự án tương ớt cổ truyền Spico của nhà sáng lập Lê Minh Cương (Thanh Hóa) đã giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7, được tổ chức tối 15/12, tại TP. HCM…

Các dự án đạt giải cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7. Ảnh: Trần Quỳnh.

Dự án tương ớt Spico được anh Lê Minh Cương đặt ra sứ mệnh bảo tồn phương pháp sản xuất tương ớt lên men truyền thống, lan tỏa văn hóa thông qua ẩm thực. Đặc biệt, dự án giúp giải quyết bao tiêu nông sản ớt Thanh Hóa và tạo công ăn việc làm, tận dụng được nguồn nhân lực địa phương.

Dự án thịt thay thế - Meat substitute (TP.HCM) là dự án tiếp theo xuất sắc đoạt giải nhì của cuộc thi.

Hai dự án gồm: Mật chuối Tabai - nâng cao giá trị trái chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh (Khánh Hòa) và COBOTÉ - ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre), cùng đồng giải ba của cuộc thi.

Ngoài ra, còn có một số dự án đáng chú ý, có những yếu tố mới, sáng tạo khác như sợi lá dứa ECOSOI - nguyên liệu bền vững, thời trang cao cấp (Nghệ An); Lan tỏa giá trị chăm sóc sức khỏe tự nhiên từ cây quế rừng (TP.HCM); Chắp cánh ước mơ nông nghiệp Việt – The moshav farm (Khánh Hòa) cũng xuất sắc giành giải khuyến khích của cuộc thi.

Thí sinh Đinh Thị Hạnh Tâm với dự án COBOTÉ - ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre) đạt giải ba cuộc thi - Ảnh: Trần Quỳnh.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho hay, những dự án khởi tranh vòng chung kết đã tập trung vào việc thuyết trình dự án, nêu ra các ý tưởng, cách thức sản xuất, hay các hoạt động kết nối, phát triển thị trường và đặc biệt là nêu bật được giá trị nguồn tài nguyên bản địa mang lại.

"Với sự nhiệt huyết, niềm đam mê và khát vọng của tuổi trẻ, các chủ dự án đã mang đến cuộc thi những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm hay, những sản phẩm, dịch vụ đầy tính sáng tạo. Từ câu chuyện khởi nghiệp của các bạn, có thể nhận ra rằng, khó khăn của dịch bệnh chỉ làm cho các chủ dự án gặp trở ngại, gián đoạn trong chốc lát và chưa thể hạ gục được ý chí, sự quyết tâm của tuổi trẻ trên con đường khởi sự kinh doanh", ông Viên nói.

Đặc biệt, 13 dự án vào chung kết thi kể chuyện "Câu chuyện khởi nghiệp của tôi – kinh doanh thời Covid" càng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng khởi nghiệp do đây là bảng thi có hàng loạt thí sinh nặng ký, từng đạt giải thưởng cao trong những mùa thi trước và doanh nghiệp đang hoạt động tại Phiên chợ xanh – Tử tế.

Từ những câu chuyện của các dự án, có thể nhận thấy rằng, dịch bệnh tràn qua khiến không ít doanh nghiệp lao đao, bế tắc tưởng chừng không lối thoát. Tuy nhiên, tất cả đã nổ lực, tìm cách xoay trở để duy trì dự án, chờ đợi cơ hội để vươn lên.

Mật dừa nước Ông Sáu của Phan Minh Tiến (TP. HCM) xuất sắc đạt giải nhất thi kể chuyện "Câu chuyện khởi nghiệp của tôi – kinh doanh thời Covid" - Ảnh: Trần Quỳnh.

"Nhiều doanh nghiệp tìm cách để tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… để vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc phải thay đổi cả phương thức kinh doanh để thích ứng với hoàn cảnh, đồng thời ủ mưu chờ cơ hội phục hồi trở lại khiến nhiều giám khảo nể phục", bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia – thành viên ban giám khảo, nhận định.

Kết quả chung cuộc ở vòng thi này, dự án Mật dừa nước Ông Sáu của Phan Minh Tiến (TP.HCM) xuất sắc đạt giải nhất; dự án Mật hoa dừa Sokfarm của Phạm Đình Ngãi (Trà Vinh) đạt giải nhì chung cuộc và hai dự án Dự án du lịch C2T của Võ Văn Phong (Bến Tre), dự án Tinh dầu hương Đồng Tháp của Đoàn Ngọc Minh Thùy (Đồng Tháp) đồng giải ba.

"Kiến thức và kinh nghiệm quản trị của các chủ dự án ở bảng B đã được nâng cao. Nguyên vật liệu, quy trình sản xuất được quan tâm chuẩn hóa và đặc biệt là hành vi của người tiêu dùng được các thí sinh thấu hiểu sâu hơn để linh hoạt chuyển hóa sản phẩm, mô hình kinh doanh phù hợp. 

Chính niềm lạc quan, hành động nhanh gọn, dứt khoát đã giúp các bạn vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Điều này ở các thế hệ khởi nghiệp trước đây không có nhiều. Nói chung, tất cả 13 Dự án của Bảng B, dự án nào dành ngôi vị Quán quân cũng rất xứng đáng", bà Nguyễn Phi Vân, nhận định.

THEO QUỐC HẢI

(Báo Dân Việt)