Đôi bàn tay tài hoa của anh thợ mộc Sán Dìu

Không được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm và hạn hẹp về nguồn vốn nhưng nhiều nông dân bằng ý chí của mình đã nỗ lực thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Trương Văn Thủy - người dân tộc Sán Dìu ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, là một điển hình như thế.

Ý tưởng đến từ thực tiễn sản xuất

Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Sán Dìu ở mảnh đất Thái Nguyên, do điều kiện kinh tế khó khăn, năm 1997 anh Trương Văn Thủy phải rời quê hương lên Bắc Kạn làm ăn và lập gia đình tại thôn Còi Mò. Những năm đầu, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách của gia đình anh rất khó khăn.

Anh Thủy bên lò hấp, sấy gỗ anh vừa sáng chế đang đưa đưa vào hoạt động thử nghiệm. Ảnh: Đào Kiên.

Anh Thủy bên lò hấp, sấy gỗ anh vừa sáng chế đang đưa đưa vào hoạt động thử nghiệm. Ảnh: Đào Kiên.

Sản phẩm lò hấp sấy gỗ lọc qua nước vào cuối tháng 10/2019 đã đem lại cho anh Thủy giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, hiện đang dự thi cấp quốc gia.

Không bằng lòng với hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn, anh Thủy đã tự mày mò học hỏi qua bạn bè về nghề mộc. Dần dần, anh đã tự làm chạn bát, làm khung cửa sổ cho gia đình. Năm 2008, với kinh nghiệm làm nghề tích lũy được, anh Thủy đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc tại nhà.

Sau nhiều năm làm mộc, anh Thủy nhận thấy những chiếc máy xẻ gỗ và máy bào có giá thành rất cao nên các xưởng mộc nhỏ không có điều kiện để mua sắm. Năm 2017, anh Thủy bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến máy móc nhằm nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm. Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, anh đã cải tiến thành công máy xẻ gỗ CD đứng-vốn chỉ xẻ gỗ tròn ra thành phẩm thì nay đã có thêm rất nhiều tính năng với độ an toàn rất cao trong sử dụng, như: Có thể dọc bào cánh cửa, ghép ván, cắt độ chéo, độ dài tùy ý…

Giới thiệu về máy xẻ gỗ cải tiến của mình, anh Thủy cho hay, máy chạy bằng môtơ điện tạo ra nhiều ưu điểm như không tốn nhiều chi phí, giảm sức lao động; đồng thời tăng năng suất và có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh lao động, an toàn lao động.

Ưu thế vượt trội của chiếc máy cải tiến đó là cùng một khối lượng công việc, máy xẻ bình thường cần 16 công nhân thì máy xẻ cải tiến của Trương Văn Thủy chỉ cần 3 công nhân làm việc. Giá thành máy của anh Thủy rẻ hơn. Đặc biệt hơn, thanh gỗ khi xẻ đạt được độ thẳng tối đa, độ chuẩn xác và phẳng hoàn hảo. Theo anh Thủy, chi phí cải tiến mỗi máy chỉ mất 4 triệu đồng. Sau cải tiến, năng suất lao động tăng, nếu trước đây 2 thợ lành nghề sản xuất được 40 sản phẩm/ngày, thì dùng máy cải tiến có thể sản xuất được 300 sản phẩm/ngày.

Nhiều sáng chế hữu ích

Không dừng lại ở máy xẻ gỗ, anh Thủy còn chế tạo thành công lò hấp sấy gỗ lọc qua hơi nước, lò đốt rác không gây ô nhiễm môi trường.

Anh Thủy cho biết: Năm 2018, khi về Hà Nội dự hội nghị tuyên dương nông dân tiêu biểu, lúc giải lao anh thấy tại có một người dùng điếu cày hút thuốc lào chỉ to bằng bao thuốc lá, đúc bằng đồng, đặt mua tại Nam Định. Hình ảnh chiếc điếu cày đó khiến anh Thủy liên tưởng và bắt tay vào chế tạo lò hấp gỗ.

Gỗ phơi nắng tự nhiên phải mất 3 tháng mới sử dụng được nhưng vẫn bị mối mọt, màu sắc không đẹp. Nhưng khi hấp gỗ bằng máy do anh Thủy chế tạo thì ưu điểm là không có khói, thân thiện với môi trường,... Hơn nữa, máy sấy do anh Thủy chế tạo chỉ tốn chi phí 15 triệu đồng, trong khi nếu mua trên thị trường là 300 triệu đồng.

Giờ đây, ở tuổi 47, anh Thủy đã có một xưởng mộc khang trang với diện tích sản xuất 1.500m2, đem lại doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, cùng 16 lao động thời vụ.

Anh Thủy không có ý định đăng ký bản quyền và cũng không bán sản phẩm hữu ích này, anh muốn giúp bà con trong tỉnh tự làm ra máy tương tự, phục vụ sản xuất theo mô hình mỗi nơi một sản phẩm. 

THEO ĐÀO KIÊN - PHƯƠNG NGA

(Báo Dân Việt)

Cesti Truyền thông