Máy sạ khóm, 'cách mạng' giảm giống lúa ở ĐBSCL

Lượng giống gieo bằng máy sạ khóm giảm còn 40-70kg/ha, đặc biệt dàn sạ có thể kết nối với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy, rất tiện lợi và dễ sử dụng.

Bộ phận sạ lúa theo khóm kết nối trên máy cày thuộc mô hình canh tác lúa thông minh tại huyện Châu Phú (An Giang) vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Máy sạ lúa theo khóm được nhập khẩu từ Hàn Quốc đầu năm 2019. Máy sạ lúa theo khóm có hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo khóm như ruộng lúa cấy. Máy sạ lúa theo khóm hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để có thể đưa vào phục vụ cơ giới hóa sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Máy có năng suất làm việc cao, kỹ thuật vận hành đơn giản và nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Đánh giá về mặt chuyên môn, ruộng lúa sạ theo khóm như ruộng lúa cấy, nhưng về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo khóm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao. Cũng giống như ruộng lúa cấy, bên cạnh các lợi ích khác, ruộng lúa sạ theo khóm phát huy được hiệu ứng hàng biên, giúp ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đánh giá về máy sạ lúa theo khóm, có 3 yếu tố cần xem xét. Thứ nhất là năng suất làm việc, đã nói đến cơ giới hóa thì phải có năng suất làm việc cao để thay thế sức lao động của con người.

Ở đây, qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo khóm có năng suất làm việc khá cao. Trong điều kiện bình thường có thể đạt 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của các dòng máy cấy hiện nay, giúp đẩy nhanh lịch thời vụ xuống giống tập trung để né rầy - một yêu cầu của sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Ruộng lúa 15 ngày tuổi, thực hiện máy sạ khóm 65kg hạt giống/ha vào ngày 1/1/2022, chủ ruộng là ông Huỳnh Trung Thu (phải), xã Đa Phước, An Phú, An Giang. Mô hình kết hợp giữa Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng và Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài giảm giống, mục tiêu của mô hình giảm 50% phân bón bằng việc dùng chế phẩm vi sinh xử lý toàn bộ rơm rạ vụ trước cày vùi trong đất đảm bảo lúa không bị ngộ độc hữu cơ. 

Yếu tố thứ hai cần đánh giá là quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo khóm có đơn giản không, có phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân không. Về vấn đề này cho thấy: Nếu như máy cấy hoạt động cấy bằng cây mạ, thì máy sạ lúa theo khóm hoạt động sạ bằng hạt giống. Điều đó có nghĩa là máy sạ lúa theo khóm bỏ qua được công đoạn làm mạ khá phức tạp của máy cấy, mà thực hiện hoạt động sạ đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của nông dân.

Yếu tố thứ ba cần xem xét là về lợi ích, hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân. Đây được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để nông dân quyết định việc lựa chọn của mình.

Qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo khóm cũng như máy cấy, giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống bà con nông dân sử dụng hiện nay phổ biến là 120 – 150 kg/ha thì khi sử dụng máy sạ lúa theo khóm chỉ sử dụng 40 – 70 kg/ha.

Quan trọng hơn, từ chỗ giảm giống đã kéo theo giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là giảm được tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín ở vụ hè thu và thu đông hàng năm.

Ruộng sạ khóm bằng máy, lúa 25 ngày tuổi, xã Ô Long Vỹ, Châu Phú, An Giang. 

Qua thực tế sản xuất từ vụ hè thu 2019 đến nay của nhiều chương trình, dự án ở hầu khắp các địa phương trong vùng ĐBSCL cho thấy về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo khóm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao.

Đặc biệt, việc sử dụng máy có thể chỉ cần đầu tư bộ phận công tác (bộ phận sạ lúa theo khóm) kết nối với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy… là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Như thế, nông dân có thể sử dụng các “cỗ máy ghép” này để vừa có thể làm đất hay cấy, vừa có thể xuống giống theo hình thức sạ khóm tùy theo nhu cầu; mặt khác vừa đáp ứng được việc giảm chi phí đầu tư, vừa tăng thời gian hoạt động của máy.

Tin tưởng trong thời gian tới, cùng với các chính sách tác động của nhà nước, diện tích lúa sạ theo khóm sẽ nhanh chóng được nhân rộng.

THEO NGÔ VĂN ĐÂY

(Hội Nông dân Việt Nam)