TP.HCM: Dân xã nông thôn mới nuôi loài cá này vừa đẹp mắt, vừa thu nhập tiền tỷ

Những năm qua, cùng với sự phát triển của các trang trại, thu nhập của người dân ở các xã nông thôn mới ở TP. HCM cũng được cải thiện đáng kể.

Với trại nuôi cá cảnh rộng 9ha, mỗi năm anh Nguyễn Tấn Phong (xã Bình Lợi, Bình Chánh, TP. HCM) có thu nhập tiền tỷ.

Dân xã nông thôn mới nuôi loài cá này vừa đẹp mắt, vừa thu nhập tiền tỷ

Hiện, mỗi năm anh Phong nuôi 2 vụ cá cảnh. Mỗi vụ khoảng 4 tháng. Trại của anh chuyên nuôi cá cảnh và cung cấp giống các loại, như: Koi, chép Nhật, nam dương... Mới đây, anh Phong đã đăng ký cho cá cảnh mình nuôi là sản phẩm tiêu biểu của TP. HCM năm 2021. 

"Mỗi năm, 1ha nuôi cá cảnh thu về 500 - 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha tính ra tôi lời hơn 100 triệu đồng" - anh Phong bộc bạch.

Lão nông Nguyễn Tấn Phong bên ao nuôi cá cảnh. Ảnh: T.Tuấn

Anh Phong cũng cho biết thêm, hiện trại thường xuyên có 5 - 6 lao động làm việc với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, anh Phong còn thành lập tổ hợp tác nuôi cá cảnh Bình Lợi giúp người dân phát triển kinh tế. Hiện tổ có 18 thành viên với diện tích hơn 15ha ao nuôi, thu nhập của các thành viên từ 30-40 triệu đồng/tháng.

Còn tại huyện Củ Chi, những năm qua, trang trại bưởi da xanh của ông Đặng Phước Thành là điểm sáng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. 

Hiện ông Thành có 2 khu đất trồng bưởi da xanh. Một khu tại xã Thái Mỹ có diện tích 57ha. Một khu khác tại xã Tân An Hội có diện tích 60ha. Theo ông Thành, mỗi năm trang trại bưởi da xanh của ông cho thu hoạch hơn 700 tấn.

Thu hoạch bưởi da xanh trong trang trại của ông Đặng Phước Thành (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp TP. HCM bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt 4,4%/năm. Đóng góp lớn vào thành tích này chủ yếu là các hộ nông dân đã phát huy vai trò của kinh tế trang trại.

Anh Nguyễn Tấn Khuynh - một trong những quản lý trang trại cho biết, mỗi gia đình làm công tại đây được trả 400-500 triệu đồng/năm. Công việc chính là chăm sóc vườn để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng tốt nhất.

Anh Trần Trung Kỳ - một quản lý vườn cũng cho biết, anh làm việc tại trang trại này đã được 7 năm. Hiện, anh nhận quản lý 2,5ha vườn bưởi tại trang trại. "Ngoài tiền lương, mỗi cặp vợ chồng quản lý vườn được chia 15% trên lợi nhuận" - anh Kỳ cho biết.

Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế trang trại

Trong những năm qua, TP. HCM đã đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ và giúp cho ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng.

Mặc dù, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm hơn 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Nhưng nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao… nên tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008-2020 đạt 4,4%/năm. 

Đóng góp lớn vào thành tích này chủ yếu là các hộ nông dân đã phát huy vai trò của kinh tế trang trại chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Những thành công này góp phần nâng cao thu nhập cho khu vực nông thôn. Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn hơn 63 triệu đồng/người. Đồng thời, giúp khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị thu hẹp dần. 

THEO TRẦN ĐÁNG

(Báo Dân Việt)