Lào Cai triển khai nhân rộng “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” do học sinh sáng chế
Tại cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai năm 2021, nhóm học sinh Trường PTDTBT THCS Lùng Phình (Bắc Hà -Lào Cai) đã tham gia dự án “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” và đạt giải Ba.
Bếp đun đa năng hữu dụng
Theo nhóm nghiên cứu “Bếp đun đa năng cho người vùng cao”, Trường PTDTBT THCS Lùng Phình bếp có 4 chức năng chính bao gồm: Nấu cơm bằng hơi, nấu thức ăn, sấy quần áo và cung cấp nước nóng cho học sinh sử dụng hàng ngày.
Để vận hành bếp nấu phục vụ cho từ 150 học sinh bán trú trở lên, bếp sử dụng được nhiều nguyên vật liệu khác nhau như: Củi, phế phẩm nông nghiệp, lõi ngô, gỗ vụn từ các xưởng gỗ, vỏ lạc…
Trung bình một tháng hết khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm hơn nhiều so với bếp nấu bằng ga hoặc điện hết từ 4,5 triệu- 5 triệu đồng/tháng. Hoặc bếp đun củi thông thường hết khoảng 2,5 triệu đồng/tháng tiền củi.
Xét về thời gian trung bình nấu ăn một bữa từ 1h-1,5h còn bếp thông thường cần thời gian từ 3-4h. Mặt khác, với thiết kế thông minh, sáng tạo, bếp đun đa năng chỉ cần một cửa đun bếp và có thể tận dụng nhiệt để hoạt động 4 chức năng chính: Nấu cơm, nấu thức ăn, tạo nước nóng và sấy quần áo.
Cụ thể, đối với chức năng nấu cơm: Bếp đun được chia làm hai nhánh, một nhánh để nấu thức ăn, một nhánh sẽ đun két nướccó thể tích 8l nước cung cấp hơi nóng liên tục ở nhiệt độ 1000C giúp cơm chín đều trong khoảng thời gian 1,5h cho tủ cơm 8 khay với 20kg gạo.
Đối với chức năng tạo nước nóng: Bếp có thiết kế hai ống nước làm bằng inox ôm xung quanh phần thân bếp để tần dụng nhiệt thừa. Nước trong quá trình đun nóng sẽ theo theo nguyên lý đối lưu nhiệt, nước nóng hơn di chuyển lên trên bình bảo ôn và nước lạnh di chuyển xuống dưới bình để được làm nóng theo vòng tuần hoàn.
Bình bảo ôn có dung tích 200l với nhiệt độ trung bình tạo ra từ bếp đun là 800c. Đối với chức năng sấy quần áo: Một lần sấy có thể sấy khô được trên 20 bộ quần áo trong thời gian 1-1,5h. Tủ sấy có nhiệt độ trung bình từ 450c – 650c do tận dụng luồng khí nóng của bếp đun trong quá trình đun nấu...
Đưa ý tưởng, sản phẩm của học sinh vào thực tiễn
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và tính ưu việt của sản phẩm “Bếp đun đa năng cho người vùng cao”, Phòng GD&ĐT Bắc Hà đã chỉ đạo phát triển dự án và triển khai sản phẩm rộng rãi trong các đơn vị trường học và đặc biệt sẽ ứng dụng ở hầu hết các trường PTDTBT để phát huy giá trị nghiên cứu khoa học, phục vụ cuộc sống của học sinh vùng cao.
Theo đó, từ đầu năm học 2021-2022, “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” đã lần đầu tiên được lắp đặt thành công và đưa vào sử dụng tại Trường PTDTBT THCS Nậm Đét.
Thầy Bùi Minh Tuân, Hiệu trưởng cho biết: Trường có hơn 300 học sinh, 100% thuộc dân tộc thiểu số, trong đó có 160 học sinh ở bán trú. Trước đây trường sử dụng bếp củi theo phương thức truyền thống để nấu cơm cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém, vất vả cho phụ huynh khi phải đóng góp một lượng củi nhất định vào đầu tuần hoặc kinh phí mua củi đun.
Thêm vào đó, nấu cơm theo phương thức truyền thống không tận dụng hết phần nhiệt thừa từ bếp tỏa ra, gây lãng phí củi đốt. Mặt khác, nhân viên cấp dưỡng đồng thời phải đun hai bếp khi nấu cơm và thức ăn cho học sinh bán trú (chức năng chỉ có thể nấu cơm hoặc nấu thức ăn), khiến nhân viên cấp dưỡng thêm vất vả.
Từ khi lắp đặt đưa vào sử dụng “Bếp đun đa năng cho người vùng cao”, nhà trường đã khắc phục được những khó khăn nói trên và tạo hiệu quả rõ rệt trong quá trình phục vụ đời sống cho học sinh bán trú.
Em Hồng Xuân Dũng, học sinh lớp 9 Trường PTDTBT THCS Lùng Phình (Bắc Hà – Lào Cai), một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm “Bếp đun đa năng cho người vùng cao” chia sẻ:
Ưu điểm của bếp đun đa năng là dễ dàng lắp đặt và chi phí khá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường hiện nay. Mặt khác, bếp đun đa năng có quy trình vận hành đơn giản, khép kín và đặc biệt rất an toàn nên về cơ bản các bạn học sinh bán trú đều có thể sử dụng.
Sản phẩm của nhóm được hình thành từ những kiến thức trên sách vở, kết hợp ứng dụng thực tiễn địa phương… Đây là cách học, trải nghiệm với nghiên cứu khoa học kĩ thuật hiệu quả đối với mỗi học sinh dù đang ở bậc THCS.
Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà trao đổi: Bắc Hà có tổng số 58 đơn vị trường học, trong đó có 31 trường PTDTBT và 1 trường có học sinh bán trú với tổng số hơn 6.000 học sinh ở bán trú. Như vậy, nhu cầu về bếp đun đa năng trong các nhà trường, đặc biệt vào mùa đông vô cùng cần thiết và hữu ích.
Với hiệu quả ban đầu từ bếp đun đa năng do nhóm học sinh Trường PTDTBT THCS Lùng Phình sáng chế, hiện nay ngành giáo dục Bắc Hà đang chỉ đạo các đơn vị trường học, trước mắt đối với các trường sử dụng bếp củi truyền thống nghiên cứu và đưa bếp đun đa năng vào sử dụng trong hoạt động bán trú, giúp cuộc sống của học sinh khi xa nhà ngày càng được cải thiện tốt hơn.
Có thể nói từ bếp đun đa năng, không chỉ tạo ra tâm lý tin tưởng và gắn bó với trường lớp của học sinh, phụ huynh mà còn góp phần duy trì tỉ lệ chuyên cần tối đa, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh cho học sinh trong những mùa giá rét...
Từ đây có thể khuyến khích học sinh toàn huyện tiếp tục nghiên cứu, phát huy khả năng, trí tuệ, tính sáng tạo để tạo ra các sản phẩm khoa học khác phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời đem lại nhiều giá trị hữu ích để phục vụ đắc lực chính cuộc sống, học tập của học sinh nói riêng và người dân vùng cao nói chung.
"Mùa đông ở Bắc Hà, đặc biệt tại các trường vùng cao, vùng sâu của huyện có khí hậu khá khắc nghiệt, sương mù, lạnh giá kéo dài nhiều ngày. Công tác giữ ấm, đảm bảo đời sống cho học sinh bán trú còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc đưa vào sử dụng phổ biến bếp đun đa năng rất cần thiết, góp phần không nhỏ chăm sóc sức khỏe, đời sống cho các em học sinh bán trú được tốt hơn..." – Thầy Bùi Minh Tuân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Đét (Bắc Hà- Lào Cai)
THEO PV