Người phụ nữ liều đưa giống đan sâm về phủ xanh mảnh đất bazan

Nghỉ nghề giáo, chị Nguyễn Hồng Dịu quyết định dồn sức đưa giống đan sâm về trồng trên vùng đất bazan, liên kết bà con nông dân ở Gia Lai phát triển dược liệu.

Dược liệu xanh

Chị Nguyễn Hồng Dịu (40 tuổi, trú tại tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai) trước kia làm giáo viên dạy môn Sinh học của một trường trên địa bàn huyện.

Ngoài giờ dạy, chị Dịu luôn ấp ủ những mô hình phát triển kinh tế từ các sản phẩm dược liệu. Nhằm dành thời gian để thực hiện đam mê phát triển dược liệu trên mảng đất bazan, chị đã nghỉ việc giáo viên.

Nhiều năm qua, chị Dịu đã mạnh dạn phát triển cây dược liệu, đặc biệt là đan sâm trên huyện Mang Yang (Ảnh: Phạm Hoàng).

Chị Dịu tâm sự, từ bé đã chứng kiến người nông dân cần mẫn "một nắng, hai sương" với cây cà phê, tiêu, điều nhưng giá cả các loại nông sản đều bấp bênh, giá trị mang lại không nhiều, thậm chí là thua lỗ. Đồng thời, bà con cũng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học quá mức khiến cho đất đai cằn cỗi.

Trải quá nhiều phen thất bại, chị Dịu đã ươm thành công giống đan sâm, mở ra hướng chuyển đổi cây trồng cho bà con (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vốn là một giáo viên môn Sinh học nên chị Dịu luôn trăn trở để tìm ra những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi đó, chị đã tìm tòi mạng xã hội và thấy hiếu kỳ với loại đan sâm đang được trồng phổ biến ở miền Bắc và Lâm Đồng.

Lúc này, chị đã tìm đến những người bạn làm việc trong lĩnh vực đông y và Viện dược liệu để tìm hiểu ra giá trị, đầu ra, quy trình sinh trưởng của cây đan sâm.

Đầu năm 2019, chị Dịu mạnh dạn đầu tư trồng hơn 6 sào đan sâm, xen canh thêm một số dược liệu như thiên môn đông, sâm đương quy, kim ngân hoa, hồng hoa.

Giống đan sâm đang phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của mảnh đất đỏ bazan (Ảnh: Phạm Hoàng).

Riêng với diện tích 2 sào đan sâm, sau khoảng một năm, chị Dịu thu về khoảng 1,5 tấn rễ tươi.

"Giá thị trường của đan sâm dao động 40-60 nghìn đồng/kg loại tươi và 250-350 nghìn đồng/kg khô. Tuy nhiên, tôi không bán mà đầu tư tiếp vào khâu chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm như cao đan sâm. Trong vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, tôi có khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.

Số tiền này tôi lại tiếp tục đầu tư, liên kết bà con trong huyện mở rộng diện tích vùng trồng. Dự kiến thu nhập có thể đạt khoảng 400 triệu đồng/năm/ha", chị Dịu bộc bạch.

Tạo vùng trồng dược liệu sạch

Trước những thành công bước đầu, chị Dịu đã mạnh dạn xây dựng hợp tác xã (HTX) Dược liệu xanh Mang Yang. Hiện HTX đang phối hợp cùng 2 hộ dân để trồng gần 3ha cây đan sâm từ tháng 6/2022.

Nhằm đảm bảo nguồn giống đan sâm chất lượng, chị Dịu đã liên hệ với Viện dược liệu Trung ương để mua.

Nhận thấy những tiềm năng về phát triển cây dược liệu và hiệu quả từ mô hình trồng đan sâm, vào năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mang Yang đã triển khai mô hình ứng dụng KH&CN liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ KH&CN với kinh phí khoảng 400 triệu đồng; vốn đối ứng của người dân 120 triệu đồng.

Khoảng 5 tháng sau khi trồng, những cây đan sâm đã bắt đầu cho ra rễ lớn (Ảnh: Phạm Hoàng).

Chị Nguyễn Thị Duyên (xã Đắk Ya, huyện Mang Yang) liên kết trồng đan sâm dưới tán rừng bời lời với diện tích 1,3ha trồng đan sâm. 

"Qua tìm hiểu, tôi thấy đan sâm là một loại cây dễ trồng, cung cấp nguyên liệu để hợp tác xã chế biến sâu. Vì vậy, gia đình đã mạnh dạn đầu tư để trồng đan sâm dưới tán rừng bời lời", chị Duyên bộc bạch.

Chị Dịu đã đầu tư hệ thống máy móc phục vụ việc chế biến sâu cây đan sâm và các loại dược liệu (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tương tự, anh Bùi Công Thắng (xã Đăk Ya, huyện Mang Yang, Gia Lai) chuyển đổi từ vườn tiêu rộng gần 1ha bị chết trắng sang trồng cây đan sâm. Gần 7 tháng nay, cây đan sâm đang phát triển tốt và dự kiến đến tháng 5/2023 sẽ có thu hoạch.

Ông Võ Minh Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang cho biết: "Huyện đang nghiên cứu, đẩy mạnh việc phát triển cây dược liệu. Đối với mô hình cây đan sâm, đây là một cây trồng mới, được người dân trồng và mở rộng ở xã Đăk Ya.

Ngoài ra, các hộ cũng dân cũng nghiên cứu để cho các sản phẩm chế biến sâu và được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) cấp tỉnh.

THEO PHẠM HOÀNG

(Báo Dân Trí)