Ứng dụng công nghệ số tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật
Với phương châm giúp đỡ Người khuyết tật gắn kết và hòa nhập cộng đồng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ Quán Canada tổ chức và thực hiện dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam”. Dự án mang lại nhiều ý nghĩa lớn, giúp người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội.
Theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 54%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều phụ nữ khuyết tật không có thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều phụ nữ khuyết tật năng động, nắm bắt kỹ thuật số để chuyển đổi hình thức kinh doanh online và đã thành công. Khi người khuyết tật họ mất việc làm những họ không trở thành gánh nặng cho mình và gia đình, tự mình vươn lên, học tập, khởi nghiệp không chỉ cho mình và giúp đỡ người khuyết tật, thậm chí cả người bình thường khác.
TS. Nguyễn Thị Hải Anh – Phó Trưởng Khoa Truyền thông Đa phương tiện – điều phối viên dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” cho biết dự án thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số để tăng cường, phát triển kinh doanh online và tiếp cận nguồn khách hàng cho phụ nữ khuyết tật đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối gắn kết người khuyết tật.
Tọa đàm trực tuyến “Phụ nữ Khuyết tật – Con đường kinh doanh trực tuyến” trong khuôn khổ dự án cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh online của các khách mời cho các phụ nữ khuyết tật đang kinh doanh online vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam, tạo diễn đàn để các phụ nữ khuyết tật tham gia dự án chia sẻ về các thuận lợi, khó khăn trong kinh doanh online.
Kết quả dự án cho thấy, với 9 thành viên trong Ban dự án thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể: Khóa tập huấn Kinh doanh online (Hướng dẫn cài đặt phần mềm zoom; xây dựng chiến lược kinh doanh trực tuyến và phát triển thương hiệu cho phụ nữ khuyết tật; xây dựng các fanpage cá nhân; xây dựng nội dung truyền thông trên các phương tiện truyền thông; sử dụng app để kết nối với khách hàng), kéo dài từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 11 với 06 giảng viên giảng dạy và các chuyên gia.
Bên cạnh các khóa tập huấn, còn là hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật. Dự án gồm nhiều phương thức tư vấn như nhóm nhỏ địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình,... với 250 giờ tư vấn hỗ trợ theo nhóm nhỏ và 96 giờ tư vấn cá nhân. Cùng với đó, cuộc thi ảnh về phụ nữ khuyết tật kinh doanh online cũng được tổ chức nhằm tôn vinh, khơi dậy đam mê và bình đẳng giới, bỏ qua rào cản, giúp người khuyết tật có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
Dự án thực hiện theo đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác người khuyết tật, kết nối trách nhiệm và tăng cường đối thoại giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích về trợ giúp người khuyết tật. Đặc biệt tạo cơ hội cho người khuyết tật phát huy sức mạnh, năng lực của họ để mạnh dạn hòa nhập xã hội.
Không thể phủ nhận những ý nghĩa mang lại cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng về kiến thức và kỹ năng kinh doanh online. Chị Lương Thị Minh Nguyệt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Khát vọng, Hợp tác xã Sản xuất thương mại và Dịch vụ Sức sống xanh - một phụ nữ khuyết tật kinh doanh online thành công sau khi tham gia dự án cho biết: “Hiện tại tôi đang bán hàng tại nhà kết hợp kinh doanh trực tuyến. Khi tham gia vào dự án, tôi học được rất nhiều điều, nhất là dùng công nghệ, dùng truyền thông để giúp gia đình có cơ hội kiếm thêm thu nhập, đặc biệt tôi có thêm động lực tự tin để tiếp tục kinh doanh online”.
Người khuyết tật phải nhiều thiệt thòi hơn người bình thường khác trong học tập, đi lại, hòa nhập cộng đồng. Dự án này hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật đồng bằng Sông Hồng, giúp họ vượt qua khó khăn, có kỹ năng nâng cao hiệu quả bán hàng trong kinh doanh trực tuyến trong thời gian dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp. Dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” ngày càng khẳng định giá trị cộng đồng, tăng cường kết nối, giao lưu, gắn kết giữa các học viên phụ nữ khuyết tật của dự án, tăng nhận thức của xã hội và cộng đồng về sự chủ động của người khuyết tật trong phát triển kinh tế, rộng hơn nữa là lan tỏa nghị lực mạnh mẽ của con người tới mọi người.
THEO XUÂN PHƯƠNG