Xây dựng và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL trong phòng trừ sâu khoang (Spodoptera litura) gây hại trên cây rau muống nước

Sâu khoang (Spodoptera litura) là loài đa thực, gây hại trên 150 loài thực vật (Rao et al., 1993) và làm giảm năng suất cây trồng từ 20-100% (Dhiret al, 1992). Sâu khoang ưa điều kiện nóng ẩm do vậy ở Việt Nam sâu khoang phát triển quanh năm và gây hại trên nhiều loại cây trồng thuộc họ cải, rau, đậu. Tại thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận ghi nhận sâu khoang xuất hiện và gây hại thường xuyên trên các loại cây trồng như rau muống, cải xanh, dưa leo, đậu đũa, cà tím, đậu phộng…

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thì trên cây rau muống nước, sâu khoang là đối tượng dịch hại chính, thường xuất hiện và gây hại trên đồng ruộng. Diện tích trồng rau muống trên địa bàn Thành phố hiện nay khoảng 465 ha, chỉ tính riêng xã Nhị Bình huyện Hóc Môn và xã Bình Mỹ huyện Củ Chi sản xuất rau muống nước với tổng diện tích khoảng 325 ha (chiếm gần 70% diện tích trồng rau muống trên địa bàn Thành phố. Để trừ sâu khoang gây hại trên cây rau muống nước hiện nay người nông dân sử dụng các loại thuốc hóa học để phun trừ. Điều này không những làm tăng chi phí sản xuất mà việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng sản phẩm (tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản). 

Ngoài tự nhiên sâu khoang cũng bị khống chế bởi nhiều loài côn trùng và vi sinh vật  ký sinh. Trong số các loài thiên địch tấn công sâu khoang, NPV (Nucleopohydrosis virus) được xem là có triển vọng nhất. Bên cạnh khả năng gây chết, NPV còn có tính lây lan cao nên có thể không chế được sự gây hại của sâu ở những lứa kế tiếp. Năm 2012, đề tài “Khai thác khả năng phòng trừ sinh học của Nucleopolyhedrosis virus  (NPV) để sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ sâu khoang ăn tạp (Spodoptera litura) hại rau, đậu tại thành phố Hồ Chí Minh” đã được triển khai. Kết quả thử nghiệm trong phòng và trên đồng ở diện hẹp cho thấy NPV có khả năng gây chết sâu khoang rất cao (Nguyễn Thị Hai, 2015). Tuy nhiên, quy trình sản xuất chế phẩm NPV trừ sâu khoang ăn tạp vẫn chưa được hoàn thiện và việc thử nghiệm loại virus này trên cây rau muống chưa có tác giả nào quan tâm thực hiện. Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nhân nuôi và sử dụng chế phẩm NPV-SL để trừ sâu khoang và triển khai đến người dân sản xuất trên địa bàn Thành phố là rất cần thiết nhằm thay thế và giảm dần việc sử dụng thuốc hoá học trong phòng trừ sâu hại trên cây rau muống nước nói riêng và cây rau, màu nói chung. 

Từ những thực tế nêu trên, từ năm 2017 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp cùng với Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) nghiên cứu và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL trong phòng trừ sâu khoang (Spodoptera litura) gây hại trên cây rau muống nước tại địa bàn xã Bình Mỹ huyện Củ Chi và xã Nhị Bình huyện Hóc Môn.

Nội dung thực hiện:

   + Thử nghiệm diện rộng chế phẩm virus NPV-SL đạng bột và dạng khô với liều lượng 01 lít (kg)/ha và 1,5 lít (kg)/ha để đánh giá hiệu lực phòng trừ của chế phẩm sinh học so với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học (Diafenthiuron 500 g/lít).

   + Chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL trong phòng trừ sâu khoang (Spodoptera litura) cho người dân trồng rau muống nước tại xã Bình Mỹ huyện Củ Chi và xã Nhị Bình huyện Hóc Môn.

- Về kết quả thử nghiệm: cho thấy đối với mật số sâu khoang trên ruộng rau muống từ 05 con/m2 trở lên thì khi sử dụng chế phẩm virus NPV-SL với liều lượng 01 lít(kg)/ha cho hiệu lực trừ sâu biến động từ 75,7% đối với chế phẩm dạng bột thấm nước và đến 83,8% đối với chế phẩm dạng lỏng. Kết quả cũng cho thấy hiệu lực của NPV-SL đối với sâu khoang không sai khác so với hiệu lực khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học (Diafenthiuron 50WP) cho hiệu lực ở mức 83,2% do vậy đủ cơ sở để khuyến cáo người dân sử dụng chế phẩm virus NPV thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong phòng trừ sâu khoang trên cây rau muống nước.

- Về xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm Virus NPV-SL: Đã hoàn thiện quy trình sản xuất SL-NPV trên sâu ký chủ với các thông số: lây nhiễm sâu trong 12-24 giờ và chuyển sang thức ăn sạch, sử dụng dịch li tâm để lây nhiễm sâu. Trong điều kiện sản xuất nhỏ ở hộ nông dân có thể sử dụng nuôi hoặc bắt sâu ngoài đồng để lây nhiễm virus NPV với thức ăn tự nhiên hay thức ăn nhân tạo. Sinh khối virus có thể bảo quản trong cơ thể sâu chết hoặc bằng dịch đã li tâm trong glycerin ở 0 độ C.

Hình 1. Quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL

- Kết quả chuyển giao: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức tập huấn và chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV trừ sâu khoang cho 50 hộ nông dân thuộc 02 xã trồng rau muống nước trọng điểm của Thành phố gồm xã Bình Mỹ huyện Củ Chi và xã Nhị Bình huyện Hóc Môn. Nguồn sâu để sản xuất chế phẩm virus NPV được bắt trên đồng ruộng và từ nguồn nhân nuôi trong phòng bằng thức ăn tổng hợp. Các cá thể đồng đều từ tuổi 3 trở lên được sử dụng để sản xuất chế phẩm. Sau 5 ngày tập huấn, nông dân đã thấy được thành quả của mình là các cá thể sâu chết rất đặc trưng. Các sâu chết cũng đã được nông dân thu gom để sử dụng cho việc trừ sâu khoang trên cây rau muống nước. Bên cạnh việc tập huấn hướng dẫn sản xuất chế phẩm sinh học NPV-SL, từ năm 2016 đến nay Chi cục đã triển khai 08 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu khoang gây hại trên nhiều loại rau ăn lá, rau ăn quả trên địa bàn Thành phố với tổng diện tích ứng dụng là 21,5 ha (50 hộ nông dân tham gia). 

- Về mức độ làm lợi từ mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học NPV-SL như sau:

   + Việc sử dụng chế phẩm NPV – SL đã làm tăng lợi nhuận cho người nông dân từ 11.200.000 – 13.050.000 đồng/ha so với đối chứng không phun và sai khác không đáng kể so với phun thuốc thuốc hóa học. Tuy nhiên, nếu người dân tự sản xuất chế phẩm NPV để phục vụ cho công tác trừ sâu khoang trên đồng ruộng thì sẽ tiết kiệm được khoảng chi phí từ 600.000 - 800.000đ/ha cho 1 lứa rau (tiết kiệm khoảng 60-70% chi phí so với mua thuốc bảo vệ thực vật hoá học).

   + Ngoài hiệu quả về kinh tế, việc ứng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu hại đã mang lại hiệu quả cao về môi trường. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay cho thuốc hoá học đã giúp hạn chế việc phát thải thuốc bảo vệ thực vật tồn dư ra môi trường cũng như tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, làm giảm lượng bao vì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bình quân khoảng 2kg bao bì/ha/năm.

 Một số hình ảnh về chuyển giao quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL trong phòng trừ sâu khoang (Spodoptera litura) gây hại trên cây rau muống nước tại địa bàn xã Bình Mỹ huyện Củ Chi và xã Nhị Bình huyện Hóc Môn

Hình 1. Khu vực bố trí thí nghiệm mô hình ứng dụng chế phẩm NPV-SL trong phòng trừ sâu khoang trên cây rau muống nước tại xã Bình Mỹ huyện Củ Chi.

 Hình 2. Sâu khoang chết sau khi ăn phải thức ăn có chứa virus NPV-SL.

 

Hình 3. Tập huấn hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL để phòng trừ sâu khoang gây hại trên cây rau muống nước tại huyện Củ Chi.

 

Hình 4. Tập huấn hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất chế phẩm virus NPV-SL để phòng trừ sâu khoang gây hại trên cây rau muống nước tại huyện Hóc Môn.

 

Hình 5. Người dân thực hành tự sản xuất chế phẩm Virus NPV-SL.

 

Hình 6. Người dân cùng với các phẩm Virus NPV-SL tự sản xuất sau khóa tập huấn.

istar.doimoisangtao.vn