Giải pháp sáng tạo “TỔ CHỨC THÍ ĐIỂM HOẠT ĐỘNG PHỐ ĐÊM TRUNG SƠN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI HUYỆN BÌNH CHÁNH”

1. Thực trạng, tiềm năng, sự cần thiết phát triển kinh tế đêm

1.1. Thực trạng

Huyện Bình Chánh có vị trí là cửa ngõ phía Tây của Thành phố, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tổng diện tích tự nhiên là 25.255,99 ha, chiếm 12,05% tổng diện tích tự nhiên của Thành phố. Huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dân số cơ học tăng cao, bình quân mỗi năm trên 32.000 người. Dân số cư trú thực tế hiện nay 848.442 nhân khẩu.

Kinh tế chủ lực của Huyện là nhóm ngành Công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng hơn 75,4%, kế đến là thương mại – dịch vụ tỷ trọng là 22,6% và ngành nông nghiệp là 2%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế Huyện chuyển dịch theo hướng, tăng dần giá trị sản lượng ngành dịch vụ, giảm dần cơ cấu giá trị sản lượng ngành ngành công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp. Nhóm ngành dịch vụ của huyện hiện đang phát triển ổn định theo đúng định hướng tăng dần giá trị sản lượng trong cơ cấu các ngành kinh tế. 

Đặc điểm khu vực xây dựng Phố đêm Trung Sơn: Xã Bình Hưng có diện tích tự nhiên là 13,74 km2, dân số 106.156 người với mật độ dân cư 7.737 người/km2. Địa bàn tiếp giáp: phía đông giáp Quận 7, Nhà Bè; phía Tây và Tây Nam giáp xã Phong Phú; phía Bắc giáp Quận 8. Khu dân cư Trung Sơn có vị trí tiếp giáp các quận nội thành (cách Quận 5 khoảng 1km, cách chợ Bến Thành Quận 1 khoảng 5,5 km, khoảng 10 phút đi xe. Giáp ranh Quận 8, Quận 4, Quận 7 khoảng 3-7 phút đi xe, huyện Nhà Bè và các huyện thuộc tỉnh Long An,… dự kiến sẽ là nơi thu hút khách du lịch từ trung tâm Thành phố và các Tỉnh đến tham quan, mua sắm, góp phần phát triển kinh tế và du lịch địa phương.

1.2. Tiềm năng về phát triển kinh tế đêm

Huyện có ưu thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông thuận lợi được kết nối, và hệ thống sông ngòi, kênh rạch như sông chợ Đệm, sông Cần Giuộc, rạch Ông Lớn, rạch Cây Khô, kênh Ngang... tạo nên một mạng lưới giao thông thủy phong phú và đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển hoạt động du lịch sinh thái. Địa bàn huyện còn có diện tích rừng khá lớn, với tổng diện tích 910,2ha, đây không chỉ là “lá phổi” của Huyện mà còn là điều kiện tốt để phát triển du lịch xanh, là điểm đến tham quan hấp dẫn. Ngoài ra, huyện còn có nhiều khu di tích lịch sử, di tích văn hóa, làng nghề... và các mô hình nông nghiệp với các sản phẩm đặc trưng, có hiệu quả kinh tế… thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm kết hợp tham quan, giải trí, mua sắm. 

1.3. Sự cần thiết hoạt động phố đêm Trung Sơn góp phần phát triển kinh tế đêm

Kinh tế ban đêm là tất cả các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến trước 06 giờ sáng ngày hôm sau tại trung tâm đô thị và các khu vực du lịch tập trung đông người, như: Giải trí ban đêm (các hoạt động nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); dịch vụ ẩm thực ban đêm (nhà hàng, quán ăn...); các hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm, khu thương mại...) và du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...) nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của con người, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; hướng tới tăng trưởng kinh tế, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch. Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiện nay, trên địa bàn Huyện chưa có mô hình hoạt động kinh tế đêm nhưng các hoạt động giải trí, dịch vụ ẩm thực, mua sắm vẫn đang diễn ra hàng đêm, một số hoạt động hình thành và phát triển nhỏ lẻ, không có đơn vị quản lý chuyên nghiệp. 

Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, địa bàn dân cư, tài nguyên thiên nhiên sẵn có, tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực lao động hiện hữu và kích cầu tiêu dùng, tăng nguồn thu, thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm, khai thác và quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm hiệu quả; xây dựng điểm vui chơi, giải trí tập trung phục vụ người dân khu vực lân cận, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn Huyện. Việc xây dựng các mô hình kinh tế đêm gắn với du lịch như một nhu cầu tất yếu trên địa bàn huyện Bình Chánh, do vậy, Ủy ban nhân dân Huyện xây dựng Đề án tổ chức thí điểm hoạt động Phố đêm Trung Sơn gắn với phát triển du lịch huyện Bình Chánh tại Đường số 01, Khu dân cư Trung Sơn, ấp 4B, xã Bình Hưng, hình thành điểm đến hấp dẫn tạo điểm nhấn về du lịch, thu hút người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và mua sắm. Phố đêm Trung Sơn hứa hẹn sẽ là nơi trải nghiệm không gian văn hóa nghệ thuật, giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; là điểm dừng chân mua sắm các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; là địa điểm vui chơi giải trí đặc sắc về đêm của huyện Bình Chánh nói riêng và của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, nâng tầm điểm đến du lịch trong mắt du khách.

Xuất phát từ thực tế yêu cầu phát triển kinh tế địa phương, khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có, đồng thời kích cầu tiêu dùng, tăng nguồn thu, thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động trải nghiệm… xây dựng Đề án Phố đêm Trung Sơn như một yêu cầu tất yếu góp phần phát triển kinh tế của Huyện. Phố đêm Trung Sơn hứa hẹn sẽ là điểm đến văn minh, lịch sự phục vụ người dân của Huyện, các địa phương lân cận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, là địa điểm liên kết các tour du lịch kết hợp tham quan, giải trí, mua sắm của du khách.

1.4. Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án thí điểm hoạt động phố đêm Trung Sơn

- Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Thành ủy và Kế hoạch số 3815/KH-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. 

- Kế hoạch số 1162/KH-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và Thông báo 641/TB-VP ngày 20 tháng 9 năm 2022 của văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về nội dung kết luận của đồng chí Phan Thị Thắng tại cuộc họp nghe báo cáo các nội dung liên quan đến các hoạt động dịch vụ du lịch, kinh doanh thương mại, phố ẩm thực, phố đi bộ góp phần phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Thành phố;

- Công văn số 124/UBND-KT ngày 13 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện thí điểm Đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn Thành phố;

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025;

- Đề án số 365/ĐA-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2020 về phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử tại 03 xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi giai đoạn 2020 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Được sự thống nhất của Ban thường vụ Huyện ủy[1] về xin chủ trương tổ chức hoạt động phố đêm Trung Sơn gắn với phát triển du lịch tại huyện Bình Chánh. Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh kính trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương thực hiện Đề án tổ chức thí điểm hoạt động phố đêm Trung Sơn gắn với phát triển kinh tế du lịch tại huyện Bình Chánh tại tuyến Đường số 01 (vỉa hè đến giáp rạch Ông Lớn), khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Mục tiêu, quy mô hoạt động phố đêm Trung Sơn

2.1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: hình thành Phố đêm Trung Sơn nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, sáng tạo; tạo cơ hội phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ kết nối cung – cầu sản phẩm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn Huyện và Thành phố; giải quyết việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân; mang lại không gian sinh hoạt giải trí, du lịch, mua sắm cho người dân; kết hợp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của huyện Bình Chánh và các đặc sản địa phương khác; xây dựng điểm đến du lịch góp phần kết nối các tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố; phát triển các tuyến du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch trải nghiệm; là nơi dừng chân vui chơi, ăn uống, mua sắm của khách du lịch khi đến huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Về kinh tế: Tổ chức thí điểm hoạt động Phố đêm Trung Sơn tạo tiền đề, nền tảng để phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm, góp phần đảm bảo tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn Huyện tăng 13% năm, thu ngân sách địa phương dự kiến tăng 12%/năm. 

- Về văn hóa - xã hội: Tổ chức Phố đêm Trung Sơn nhằm xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện Bình Chánh nói riêng và của Thành phố nói chung, góp phần giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; tạo ra việc làm cho xã hội; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

- Về an ninh trật tự: Phố đêm Trung Sơn hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh thu hút giới trẻ tham gia, góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội về đêm, giảm tỷ lệ tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Huyện.

2.2. Địa điểm - Quy mô đầu tư

2.2.1. Địa điểm: tuyến đường số 01 (vỉa hè đến giáp rạch Ông Lớn), khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh.

- Phía Bắc: giáp tuyến đường số 4 - cầu Him Lam - đường Nguyễn Thị Thập

- Phía Nam: giáp tuyến đường Nguyễn Văn Linh.

- Phía Tây: giáp tuyến đường 9A- cầu kênh Xáng- đường Dương Bá Trạc.

- Phía Đông: giáp rạch Ông Lớn, trường Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng- tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ

2.2.2. Thời gian hoạt động: từ 18h00 đến 24h00 hàng ngày

2.2.3. Quy mô thời gian đầu tư: Tổng diện tích khoảng 26.373 m2, từ vỉa hè đường số 01 đến giáp rach Ông Lớn, gồm 2 đoạn:

- Đoạn 1: 450m chiều dài dọc tuyến đường số 1 (từ giáp đường số 8 đến đường số 9A) 

- Đoạn 2: 460m chiều dài dọc tuyến đường số 1 (từ giáp đường số 8 đến đường số 4).

2.3. Các hạng mục đầu tư

2.4. Phương án tổ chức không gian:

- Tổng diện tích mặt bằng: 26.373 m2
- Các hạng mục đầu tư cải tạo: 12.269m2, tỷ lệ: 46,52%. Trong đó:
  + Cải tạo cảnh quan, vỉa hè: 9.683m2, tỷ lệ: 36,72%.
  + Lắp đặt gian hàng, nhà vệ sinh, khu điều hành: 2.586m2, tỷ lệ: 9,8%.
- Giao thông – mảng xanh hiện hữu: 14.104m2, tỷ lệ: 53,48%

2.4.1. Khu quảng trường

Cải tạo 4912m2 (18,63%) đất trống tạo quảng trường phục vụ nhu cầu đi bộ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho nhân dân và du khách; tổ chức các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa – văn nghệ - rong diễn (âm nhạc đường phố, đờn ca tài tử…), các buổi tuyên truyền, cầu truyền hình các hoạt động văn hóa – thể thao Quốc gia và các sự kiện cũng như chương trình giải trí – văn hóa – nghệ thuật gắn với du lịch của Huyện.



2.4.2. Khu vui chơi trẻ em – thể dục thể thao

Cải tạo 02 khu vực với tổng diện tích 1062m2, chiếm tỷ lệ 4.03%, cụ thể:

- Lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao phục vụ nhu cầu tập thể dục, rèn luyện sức khoẻ của nhân dân khu vực.

- Lắp đặt các trò chơi thiếu nhi như xích đu, câu cá, thú nhún phục vụ nhu cầu vui chơi trẻ em trong khu vực và du khách.

2.4.3. Gian hàng ẩm thực

- Bố trí 92 gian hàng lắp đặt cố định (kích thước 4mx2m), kết cấu khung thép, mái bạt hoặc tấm lợp nhựa tổng hợp, vách dùng tấm panel nhựa, thạch cao chống ẩm hoặc gỗ công nghiệp; và khu vực vỉa hè bố trí bàn ghế, tổng diện tích 1104m2, chiếm tỷ lệ 4.19%.

- Gian hàng ẩm thực được trình bày theo hình ảnh đặc trưng của 3 miền, các gian hàng đồ uống phong phú, tạo nên một hành trình trải nghiệm ẩm thực Việt Nam cho người dân địa phương và du khách thông qua trưng bày, giới thiệu, trình diễn ẩm thực, đặc biệt là các gian hàng cho các doanh nghiệp địa phương với các sản phẩm ẩm thực nổi bật.

2.4.4. Gian hàng đặc sản địa phương

- Bố trí 19 gian hàng, xe hàng di động (kích thước 2mx2m) và khu vực quảng bá, tiếp thị, chỗ ngồi thử đặc sản với tổng diện tích 228m2, chiếm tỷ lệ 0.9%. 

- Đây là khu vực trưng bày, quảng bá các đặc sản của huyện Bình Chánh và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt kết nối quảng bá các đặc sản, các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. 

2.4.5. Gian hàng trải nghiệm – quà lưu niệm

Bố trí 50 gian hàng kích thước 1mx1,5m nhỏ gọn bán sách, quà lưu niệm cùng với khu vực bố trí bàn ghế đọc sách, vẽ, tô tượng; khu vực trải nghiệm các trò chơi dân gian như làm tò he, vòng lá dừa, nón lá….với tổng diện tích 300m2, chiếm tỷ lệ 1,13%.

2.4.6. Gian hàng thương mại-dịch vụ 

Bố trí 91 gian (nhà dù di động) dễ tháo lắp và di chuyển, kích thước 3mx3m, tổng diện tích 819m2, chiếm tỷ lệ 3.11%, quảng bá và kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và phân phối; các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp phục vụ nhu cầu nhân dân và khách du lịch…

2.4.7. Khu điều hành Ban quản lý: Bố trí tổng diện tích 700m2, gồm

- Nhà điều hành được xây dựng bán kiên cố (lắp ghép hoặc bố trí tạm bằng container

- Bãi tập kết xe, dù di động và hàng hóa: Xây dựng khung mái che di dộng kết cấu mái bạt - khung thép xếp gọn, không xây dựng cố định; các nhà dù di động và hàng hóa khu thương mại sau giờ hoạt động sẽ được tập kết tại khu vực này.

2.4.8. Khu vực giữ xe

Với số lượng khách ước lượng đến “Phố đêm Trung Sơn” trung bình khoảng 5.000 lượt người/đêm nên nhu cầu bãi đậu xe tại khu vực là khá lớn. Nhu cầu bãi đậu xe cần đáp ứng cho khoảng 50 xe ô tô con và khoảng 600 xe máy, xe đạp,... vì vậy đề xuất phương án tổ chức bãi đậu xe, gồm 03 vị trí, tổng diện tích 3000m2

2.4.9. Nhà vệ sinh

- Xây dựng - lắp đặt 03 khu vực nhà vệ sinh công cộng, diện tích 4mx12m.

- Khu vệ sinh được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện đại, sạch sẽ, đảm bảo mỹ quan đô thị, phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực và du khách khi đến vui chơi, trải nghiệm.

2.4.10. Giao thông – mảng xanh

Ngoài cải tạo các khu vực quảng trường, khu vui chơi trẻ em nêu trên, phần diện tích phần vỉa hè giao thông và mảng xanh hiện hữu còn lại, giáp rạch Ông Lớn có tổng diện tích khoảng 14.104m2, chiếm tỷ lệ 53,48% toàn khu vực. 

2.5. Phương án bố trí hạ tầng kỹ thuật

2.5.1. Cải tạo không gian cảnh quan, trang trí tuyến phố

- Thiết kế, thi công 02 cổng chào để tạo nhận diện và thu hút du khách tham quan (01 cổng tại đầu đường số 8 giáp đường 9A và 01 cổng tại đường số 1 giáp đường 9A); thiết kế các tiểu cảnh, biểu tượng kết hợp ánh sang nghệ thuật dọc tuyến đường tạo điểm nhấn để du khách chụp hình, check in. 

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện và nước): Ngầm hóa toàn bộ hệ thống cấp điện và nước tại các điểm tập trung để đáp ứng các yêu cầu khi triển khai thực hiện Đề án

- Trang trí chiếu sáng:

+ Nguồn sáng trang trí chính của Đề án được tạo bởi ánh sáng từ các gian hàng kinh doanh, khu tiện ích công cộng, hoạt động sân khấu biểu diễn và hệ thống chiếu sáng đường phố hiện có.

+ Chiếu sáng các lối vào chính đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan.

+ Trang trí, chiếu sáng toàn bộ cây xanh khu vực giáp rạch Ông Lớn tạo hiệu ứng cảnh quan về đêm, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm 

- Sơ đồ, biển báo, chỉ dẫn: Lắp đặt các biển báo, chỉ dẫn để hướng dẫn cho du khách khi đến tham quan khu phố đêm.

2.5.2. Phương án hệ thống cấp điện

- Có phương án lắp mới điện kế 3 pha phục vụ riêng cho khu vui chơi thiếu nhi, các gian hàng, hệ thống sân khấu, sự kiện, nhằm đảm bảo duy trì nguồn điện ổn định không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

- Các gian hàng di động, quầy hàng ẩm thực được cấp nguồn điện qua các tủ DB đã được đầu tư ngầm dưới vỉa hè, khi hoạt động các gian hàng thương mại dịch vụ được di chuyển ra đúng vị trí quy định và kết nối dây nguồn vào các tủ DB lắp đặt dọc theo tuyến. Trên mỗi gian hàng đều có tủ nguồn được quản lý bởi MCB, RCCB và các tiểu thương sẽ ngắt nguồn điện sau khi hoạt động.

- Ngoài nguồn cấp cho các tủ DB phục vụ gian hàng, còn có nguồn điện cung cấp cho các hoạt động nghệ thuật với công suất 100A để phục vụ các nhu cầu tổ chức sự kiện, các chương trình nghệ thuật.

2.5.3. Hệ thống điện nhẹ (wifi, camera...)

- Trên toàn tuyến phố, có bố trí các camera quan sát hai hướng dọc theo tuyến đường, camera sử dụng trang bị hồng ngoại quan sát ngày và đêm. Lực lượng bảo vệ theo dõi camera thường xuyên để kịp thời xử lý những tình huống xấu, giữ an toàn cho tiểu thương và khách du lịch.

- Trang bị hệ thống wifi miễn phí để phục vụ khách đến tham quan, vui chơi, mua sắm; sóng wifi sẽ phủ khắp khu vực, kết hợp quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch của địa phương, nơi tiếp cận thông tin của các đơn vị lữ hành, du lịch của địa phương. Quảng cáo các sản phẩm của phố đêm thông qua hệ thống wifi miễn phí và tiếp cận với khách du lịch một cách nhanh chóng và thông suốt.

- Đối với các công trình liên quan đến điện: Đơn vị thực hiện chủ động phối hợp với Công ty Điện lực Bình Chánh xác định phương án thiết kế, tổ chức thi công có phương án thực hiện cụ thể, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận và cấp phép thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2.5.4. Phương án bố trí hệ thống cấp - thoát nước

Hệ thống cấp nước sẽ đầu tư ngầm hóa đồng bộ. Nguồn cấp chính sẽ được Xí nghiệp cấp nước sinh hoạt nông thôn đấu nối từ hệ thống cấp nước sạch hiện có trên đường số 1 đến khu hạ tầng của dự án, các gian hàng kinh doanh sẽ lấy nước sạch từ các nguồn cấp tập trung để phục vụ cho việc kinh doanh.

2.5.5. Hệ thống Phòng cháy chữa cháy

- Lập phương án bố trí PCCC theo quy định, theo các tiêu chí: Các cụm gian hàng sẽ bố trí 02 bình chữa cháy, khoảng cách 40m/cụm bình, trên gian hàng đều có tủ chữa cháy tại chỗ với 1 bình chữa cháy, hệ thống loa cảnh báo, các phương án chữa cháy tại chỗ và phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi có sự cố xảy ra.

- Ban quản lý làm việc với cơ quan phòng cháy chữa cháy để xây dựng phương án PCCC.

- Tất cả các nhân viên phải được học lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, lập đội PCCC tại chỗ bao gồm Ban quản lý Phố đêm Trung Sơn và một số tiểu thương buôn bán trong giờ hoạt động.

- Tất cả các gian hàng tham gia phải ký cam kết về PCCC với Ban quản lý theo đúng quy định.

- Bố trí các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định như: bình bọt, hệ thống báo cháy tự động…

- Mỗi gian hàng được bố trí một bình cứu hỏa khí CO2 – SMAF MT2.

- Ban hành các quy định, nội quy an toàn PCCC.

- Lắp đặt CB tự động đối với hệ thống điện nhằm ngăn ngừa các sự cố điện khi có trục trặc trên đường dây tải điện.

- Cứ mỗi 10 gian hàng sẽ được bố trí 01 CB tự động để ngăn ngừa các sự cố cháy nổ về điện.

2.5.6. Phương án bảo vệ môi trường

a) Xử lý nước thải

- Phương án xử lý nước thải, bảo vệ môi trường: Các gian hàng ẩm thực có sử dụng nước sẽ lắp 01 bể tách mỡ và 01 bể chứa nước thải sau khi sử dụng, nước thải sau khi tách mỡ sẽ được thải ra cống gom hoặc sẽ có bộ phận thu gom vào cuối giờ hoạt động, có biện pháp xử lý mỡ sau khi tách bằng cách thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt.

b) Xử lý chất thải

  • Bố trí thùng rác loại 3 ngăn dọc tuyến phố, đảm bảo tiêu chí 20-30m/ vị trí. Ngoài ra mỗi gian hàng đều bố trí thùng rác để phục vụ gian hàng.

  • Việc thu gom rác được thực hiện hằng ngày sau khi kết thúc hoạt động, quét dọn vệ sinh trả lại mặt bằng sau thời gian hoạt động.

- Ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải với đơn vị có chức năng.

2.5.7. Phương án đảm bảo an ninh trật tự và phối hợp với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố về an ninh trật tự

- Phương án bảo đảm an ninh trật tự bao gồm vòng bảo vệ nội bộ khu vực (do đơn vị quản lý hợp đồng với đơn vị có chức năng đảm trách), bảo đảm an ninh trật tự và điều tiết giao thông vòng ngoài (do lực lượng chức năng xã Bình Hưng, các đơn vị nghiệp vụ Công an huyện đảm trách và hỗ trợ). Ngoài ra, các ngày cuối tuần, dịp lễ sẽ có phương án tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh và tùy theo tính chất các hoạt động, sự kiện vào các dịp lễ, tết sẽ tăng cường lực lượng tại các điểm ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật.

- Công cụ hỗ trợ: sử dụng bộ đàm, thiết bị chuyên dụng, camera quan sát toàn khu vực, điện thoại liên lạc đường dây nóng.

- Lực lượng chức năng xã và Công an huyện:

+ Xây dựng Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thực hiện Đề án.

+ Tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể, cơ quan chức năng sẽ điều động lực lượng hỗ trợ điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh và phòng chống tội phạm lợi dụng hoạt động đông người để gây rối, cướp giật, móc túi...

+ Lực lượng bảo vệ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong từng trường hợp cụ thể, theo đúng quy trình hướng dẫn về xử lý tình huống do Ban quản lý ban hành.

2.5.8. Phương án quản lý hoạt động – hỗ trợ tiểu thương kinh doanh

- Việc quản lý vận hành toàn bộ “Phố đêm Trung Sơn” sẽ do đơn vị trúng thầu thực hiện, bộ phận điều hành của đơn vị trúng thầu (Ban quản lý) điều phối và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

- Việc tổ chức thực hiện, quản lý kinh doanh đối với doanh nghiệp/hộ kinh doanh tuân thủ theo nội dung Quy chế quản lý ban hành sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước, là cơ sở để xử lý các mối quan hệ giữa chủ đầu tư và các doanh nghiệp/hộ kinh doanh tham gia hoạt động.

- Đối tượng tham gia hoạt động: ưu tiên các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn Huyện đăng ký; đảm bảo các ngành hàng kinh doanh tại phố đêm mang nét đặc trưng theo định hướng phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội trên địa bàn huyện Bình Chánh; kết nối, mời gọi các doanh nghiệp/hộ kinh doanh với các thương hiệu uy tín, có các mặt hàng, sản phẩm chất lượng cao mang tính truyền thống, đặc thù địa phương tham gia quảng bá, kinh doanh tại khu vực triển khai Đề án.

3. Tiềm năng, hiệu quả mang lại

3.1. Hiệu quả về phát triển kinh tế

- Góp phần tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, sáng tạo; tạo cơ hội phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, du lịch; hỗ trợ kết nối cung – cầu sản phẩm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn Huyện và Thành phố. 

- Giải quyết việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng. Đồng thời, từ hoạt động chi tiêu của du khách góp phần phát triển kinh tế đêm, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách của huyện Bình Chánh.

- Nguồn thu vào ngân sách: Dự án sẽ đóng góp các khoản thuế (thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,...) từ hoạt động của Đề án theo quy định của Nhà nước.

3.2. Hiệu quả về xã hội

- Các hoạt động kinh tế ban đêm gắn với cải tạo cơ sở hạ tầng sẽ mang lại không gian sinh hoạt giải trí, du lịch, mua sắm góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

- Phố đêm Trung Sơn kết hợp các loại hình sinh hoạt văn hóa, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch hứa hẹn là nơi giới thiệu các sản phẩm Ocop, sản phẩm tiềm năng của Huyện Bình Chánh, mà còn là của các địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các Tỉnh lân cận đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

3.3. Hiệu quả về phát triển du lịch

- Đề án góp phần quảng bá hình ảnh của huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

- Kết nối các tuyến du lịch trên địa bàn Huyện, là nơi dừng chân vui chơi, ăn uống, mua sắm của khách du lịch khi đến huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.4. Phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế

Kinh tế đêm từ lâu đã được coi là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm có thể tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế. Theo xu hướng du lịch trải nghiệm và khám phá thì việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch sản phẩm địa phương là một tất yếu cần phải có đối với ngành du lịch. 

4. Sự ảnh hưởng của kinh tế đêm

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế xã hội từ kinh tế đêm mang lại, hoạt động trên cũng có những tác động tiêu cực một số lĩnh vực:

4.1. Tác động về môi trường: việc tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường của khu vực tổ chức như tiếng ồn, vệ sinh môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn).

4.2. Tác động về an ninh trật tự: Khi triển khai thực hiện Đề án, lượng khách đến tham quan, mua sắm và người dân nơi khác đến huyện sinh sống, làm việc tăng  lên; tình trạng người lang thang ăn xin, các hình thức phạm tội (trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự,..) có khả năng gia tăng. Do đó, tình hình an ninh trật tự cần phải được quan tâm, tăng cường quản lý.

4.3. Sự ảnh hưởng về an toàn giao thông: Khi triển khai Đề án, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc, lưu thông khu vực bị hạn chế.

4.4. Sự tác động đến đời sống của người dân: Một số tác động tiềm ẩn như ô nhiễm tiếng ồn, rác thải, an ninh trật tự có thể ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực triển khai Đề án.

5. Dự toán kinh phí đầu tư và khai thác hoạt động Phố đêm Trung Sơn

- Kinh phí đầu tư xây dựng trước thuế: 23,401 tỷ đồng (trong đó: cải tạo mặt bằng 6,7 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật 6,4 tỷ đồng; gian hàng kinh doanh 6,9 tỷ đồng; truyền thông 1,3 tỷ đồng).

- Doanh thu khai thác 05 năm: 53,604 tỷ đồng 

- Lợi nhuận dự kiến sau 5 năm khai thác: 25,038 tỷ đồng.

6. Lộ trình thực hiện và hình thức đầu tư, quản lý

6.1. Lộ trình thực hiện

Dự kiến triển khai Đề án Phố đêm Trung Sơn gắn với phát triển Du lịch huyện Bình Chánh như sau:

6.1.1. Giai đoạn 1: xây dựng và xin chủ trương thực hiện Đề án (năm 2023)

- Xây dựng dự thảo Đề án, báo cáo xin chủ trương thống nhất của Ban Thường vụ Huyện uỷ Huyện Bình Chánh.

- Tổ chức Hội nghị phản biện xã hội, lấy ý kiến dân cư về dự thảo Đề án 

- Trình xin ý kiến Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua Đề án.

- Tổ chức triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

6.1.2. Giai đoạn 2: 5 năm kể từ khi lựa chọn và phê duyệt nhà đầu tư

- Triển khai thực hiện Đề án.

- Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động định kỳ hàng năm để có sự điều chỉnh cho phù hợp; nghiên cứu kết nối các tuyến du lịch đường thuỷ từ trung tâm Thành phố đến khu vực triển khai Đề án để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên về du lịch trên địa bàn Huyện.

- Xây dựng báo cáo đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

6.2. Hình thức đầu tư, tổ chức quản lý

Thực hiện xã hội hóa thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm chuyên môn trong việc tổ chức các mô hình kinh tế đêm (phố đi bộ, phố ẩm thực, khu vui chơi giải trí, chợ đêm …) có đạo đức nghề nghiệp, có tiềm lực về tài chính, chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của khu vực đầu tư, khai thác và quản lý; triển khai đảm bảo các hạng mục trong Đề án nhằm phát huy hiệu quả mô hình kinh tế đêm đặc trưng của Huyện; tạo không gian văn hoá, vui chơi, giải trí lành mạnh, phục vụ nhu cầu nhân dân khu vực, thu hút du khách tham quan trải nghiệm; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, chất lượng hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông và hoạt động kinh doanh an toàn đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch dịch bệnh…  

[1]Thông báo số 285-TB/VPHU ngày 26 tháng 7 năm 2023 và kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy tại cuộc họp ngày 04 tháng 8 năm 2023

 istar.doimoisangtao.vn