Chế đèn ngủ từ rác thải điện tử
Từ linh kiện điện tử và vỏ chai nhựa, nữ sinh lớp 11 Phạm Nguyễn Phương Khanh và Trần Phương Anh chế thành đèn ngủ phát nhạc và tinh dầu.
Với học sinh, chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ cũng như làm giảm sút kết quả học. Khả năng sáng tạo, tập trung cũng dần kém đi, lâu ngày dẫn đến thái độ hung hăng, bốc đồng, nóng nảy và có thể gây ra nhiều hành vi bạo lực.
Trong khi đó, theo Phương Anh, phần lớn các loại đèn ngủ trên thị trường hiện chỉ chú trọng vào kiểu dáng mà chưa nghiên cứu các yếu tố quan trọng khác tác động lên giấc ngủ như âm thanh, tinh dầu.
Sau khi nghiên cứu các kiến thức liên quan, Phương Anh và Phương Khanh bàn cách lựa chọn vật liệu, trong đó ưu tiên các vật liệu tái chế bởi chúng rẻ, dễ kiếm. Các linh kiện là rác thải điện tử được nhóm chọn gồm pin laptop, đèn LED DIP 5 mm, các điện trở, biến trở, dây điện. Bộ khung của chiếc đèn là một chai nước khoáng loại 5 lít.
Đèn có ba khoang chính: khoang một chứa thiết bị điện tử gồm hai công tắc, một biến trở, điện trở, khay đựng pin, 3 cục pin và 8 dây nối hai đầu; khoang thứ hai chứa loa và đèn; khoang còn lại chứa tinh dầu.
Nguyên tắc hoạt động của chiếc đèn khá đơn giản. Các đèn LED điều khiển độc lập bởi hai công tắc, nguồn điện từ pin. Loa được kết nối trực tiếp với thiết bị truyền âm thanh qua dây tín hiệu (điện thoại hoặc laptop). Tinh dầu được khuếch tán bằng nước sôi, thời gian lan toả trong không khí tầm 2-3 tiếng, không tiêu hao năng lượng.
Phương Anh kể, quá trình thực hiện hai nữ sinh nhiều lần thất bại do lắp ráp không đúng, âm thanh từ loa không đạt chất lượng. Vừa vận dụng kiến thức vật lý, hoá học trong chương trình phổ thông, đôi bạn cũng tìm tòi nhiều kiến thức trên mạng để sửa lỗi.
Theo nữ sinh này, vì sử dụng vật liệu tái chế nên chiếc đèn chưa có tính thẩm mỹ, còn quá thô. Việc khuếch tán tinh dầu bằng nước sôi cũng còn hạn chế bởi thời gian lưu trong không khí không lâu. Ưu điểm hiện có của đèn là ánh sáng ấm, tốt cho mắt, loa tiết kiệm điện, pin sạc có tuổi thọ cao.
Phương Anh và Khanh đã hoàn thành 10 chiếc đèn từ rác thải tái chế theo thiết kế trên và thử nghiệm với 250 học sinh ở trường. Kết quả thu được khá tốt với khoảng 70% người sử dụng cho rằng sản phẩm ổn, có tác dụng nhất định cho giấc ngủ ngon của họ.
"Ngoài việc cải tiến các bộ phận, nhóm em sẽ tăng số lượng người khảo sát để đảm bảo giá trị của thống kê và hoàn thiện sản phẩm. Ước mơ của nhóm là mô hình sản phẩm này để nhiều bạn có thể tự làm tại nhà", Phương Anh chia sẻ.
Vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học năm học 2019-2020 tại TP HCM có nhiều sản phẩm được ban giám khảo đánh giá công phu, mang tính ứng dụng cao, bám sát đời sống.
Ở lĩnh vực hệ thống nhúng, một số đề tài đáng chú ý như: Thiết bị quan trắc và lọc bụi siêu mịn trong không khí (THPT Nguyễn Thị Minh Khai), Hệ thống giám sát ngập nước thông minh (THPT Nguyễn Hiền), Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thiết kế thùng rác thông minh có khả năng tự phân loại rác thải (THCS - THPT Đinh Thiện Lý).
Lĩnh vực hoá học có các sản phẩm: Sản xuất vật dụng dùng một lần từ tinh bột và thạch (THCS Quang Trung), Nghiên cứu và chế tạo cồn khô từ dầu ăn (THCS Nguyễn Gia Thiều).
Ở lĩnh vực khoa học thực vật, khoa học vật liệu, học sinh chú trọng các mô hình thân thiện với môi trường. Ở lĩnh vực khoa học xã hội, một số đề tài được đánh giá tốt gồm: Năng lực trí tuệ cảm xúc của học sinh THPT tại TP HCM (THPT Gia Định), Nghiên cứu yếu tố tác động đến ý định mua hàng rong của khách du lịch quốc tế tại quận 1 -Thực trạng và giải pháp khắc phục (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa).
4 sản phẩm tốt nhất sẽ được ban giám khảo lựa chọn để tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.