Hội An: Gặp gỡ "kỹ sư chân đất" chế tạo máy rê lúa cho nông dân
Ông Nguyễn Hà (56 tuổi, ở Hội An, Quảng Nam) là một người có đam mê sáng tạo công cụ, máy móc với mục đích giải phóng sức lao động, giúp người nông dân phát triển hơn tốt hơn.
Khắp vùng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) này chẳng ai là không biết ông Nguyễn Hà (56 tuổi, trú thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An), người đàn ông được người ta đặt cho nhiều biệt danh như “kỹ sư chân đất”, hay “ông thợ lắm tài”… bởi những sáng chế phục vụ bà con của ông nhiều năm qua.
Dù được gọi là gì, thì trong suy nghĩ của bà con ở khắp vùng dừa nước miền Trung này ai cũng cảm ơn ông, một người có đam mê sáng tạo công cụ, máy móc với mục đích giải phóng sức lao động, giúp người nông dân phát triển hơn tốt hơn.
Vốn xuất thân là thợ xây dựng, chẳng biết từ khi nào ông lại có đam mê chế tác công cụ, vật dụng hữu ích phục vụ cho công việc của mình, rồi dần dà ông tìm tòi nghiên cứu, khám phá và mày mò chế thêm nhiều loại máy móc khác phục vụ cho mọi người, đặc biệt là nông dân.
Dù chưa trải qua một lớp đào tạo về chế tạo hay cơ khí, chỉ từ thực tế cuộc sống cùng với niềm đam mê sáng tạo, ông Nguyễn Hà đã sáng chế, cải tiến thành công nhiều loại máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nơi đây.
Ông Hà tâm sự, vì cuộc sống vất vả đã giúp ông cố gắng làm lụng và rèn ý chí vươn lên trong cuộc sống. Công việc đồng áng cực nhọc của người nông dân đã khiến ông nhiều đêm trằn trọc, suy tư làm sao để giảm bớt sức người, máy móc phải phục vụ con người chứ làm bằng chân tay chân mãi thì khó phát triển.
Xuất phát từ suy nghĩ làm sao tiết kiệm được công sức, thời gian cho bà con, ông bắt đầu lên ý tưởng nghiên cứu chế tạo loại máy tách hạt bắp và máy tuốt đậu phộng với hiệu suất cao nhất. Ông Hà cho biết, vì khả năng thể hiện bản vẽ kỹ thuật chi tiết các bộ phận của máy rất hạn chế, ông chỉ hình dung các bộ phận trong đầu rồi vẽ lên tập vở học sinh. Ông vừa làm vừa tham khảo thêm các sách hướng dẫn kỹ thuật rồi tự nghiên cứu, chế tạo.
Sau rất nhiều lần làm đi làm lại, cuối cùng ông cũng cải tiến được chiếc máy này và được bà con nông dân vô cùng thích thú, đặt hàng ông làm nhiều máy khác đưa đi các nơi phục vụ người nông dân. Ông Hà bộc bạch, chiếc máy tách hạt bắp và máy tuốt đậu phụng là một trong những sản phẩm ưng ý nhất của ông.
Mới đây, ông cũng vừa hoàn thành xong chiếc máy rê lúa với hiệu quả cao đang giúp nhiều nông dân tiết kiệm được thời gian và công sức trong mùa thu hoạch vụ lúa này. Ông Hà cho biết, chiếc máy này hoạt động bằng động cơ điện nên rất tiện dụng, tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức cho bà con nông dân.
Ông Hà cặn kẽ lý giải, chiếc máy rê lúa này giúp bà con nông dân rất nhiều trong việc rê, sàng sảy lúa để loại bỏ các tạp chất, giúp tiện lợi hơn trong công việc nhà nông. Nguyên vật liệu để chế chiếc máy này gồm nhiều tôn, sắt, một số loại ống sắt, máy hàn, một chiếc mô tơ khoảng 0,5 mã lực. Thời gian hoàn thành chiếc máy này được gói gọn trong khoảng 3-4 ngày và với giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Sau lần thử nghiệm đầu tiên thành công, ông tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thêm các tính năng của máy. Đến nay, ông đã hoàn thiện chiếc máy này và được người dùng đánh giá cao.
Nhiều năm nay, dù công việc thợ xây có vất vả với ông Nguyễn Hà khi ông đã ở tuổi ngoài ngũ tuần, thế nhưng vì niềm đam mê chế tạo, cải tiến máy móc đã khiến ông thích thú hơn mỗi ngày. Hàng chục sản phẩm đã ra đời trong những đêm ông trăn trở như thế.
Trong “kho tàng” của ông bây giờ, có những sáng tạo sáng chế nhiều thiết bị để tiện dụng trong công việc của mình như máy bơm nước, máy sàng cát, máy đầm và trong sản xuất nông nghiệp như máy tách hạt bắp, máy tuốt đậu phụng, máy rê lúa. Ngoài ra, ông còn tự làm đàn nhị, đàn bầu và một số thiết bị và các dụng cụ khác. Gần đây, ông còn dành tâm sức chế tạo phương tiện đạp để di chuyển dưới nước lẫn trên bờ từ chiếc xe đạp cũ.
Ông Hà bộc bạch, chiếc xe đạp lội nước này có thể để vừa tập thể dục vừa giải trí, đặc biệt có thể chế tạo hàng loạt để phục vụ cho nhu cầu du lịch ở vùng dừa nước Cẩm Thanh cho du khách vừa đi vừa thưởng lãm phong cảnh.
Chiếc xe đạp lội nước có hai hệ thống đạp, lái khác nhau cho trên bờ và dưới nước. Chuông của xe đạp lội nước được làm từ một vỏ lon đựng thực phẩm. Các chi tiết của chiếc xe đặc biệt này ông cũng tận dụng từ những thiết bị hỏng khác để làm. Sau khi làm xong, ông chạy thử nghiệm nhiều lần trên các khu vực vườn dừa nước của Cẩm Thanh và đã được rất nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú cổ vũ.
Tâm sự về công việc “tay trái” của mình, ông Hà thật thà chia sẻ: “Tôi có niềm đam mê với những vật dụng, máy móc phục vụ mọi người, dù không được học hành theo các trường lớp chế tạo, nhưng những lần quan sát và ấp ủ về các sản phẩm, rồi cộng thêm thực tế trong công việc và cuộc sống tôi đã cải tiến, sáng chế nhiều chiếc mày phù hợp hơn. Nếu nói về ngành chế tạo thì tôi như một cậu học trò vỡ lòng, không biết gì cả. Những gì tôi có chỉ là nhiệt huyết, đam mê và lòng quyết tâm mà thôi!”.
Những chiếc máy, những vật dụng phục vụ công việc và nông nghiệp của ông đã đến tai nhiều người. Người nọ chỉ người kia đến xem các loại máy, ông tận tình chạy trình diễn cho bà con xem. Có nhiều chiếc máy được đặt hàng, ban đầu ông chỉ nghĩ giúp bà con là chính nên càng làm càng lỗ, từ công cán đến máy móc. Thấy vậy, bà con đến mua thấu hiểu nên luôn trả thêm tiền để ông có động lực mà làm.
Một điều đáng tiếc là những sản phẩm, vật dụng của ông đều chưa được đang ký các sáng chế, sáng tạo hay chứng nhận gì. Ông Hà cho biết ông làm chỉ vì đam mê, làm để phục vụ bà con nông dân và thấy được sản phẩm của mình mang lại hiệu quả, thế là ông đã mãn nguyện.
Minh Ngọc - Trương Sơn/ Theo Báo Thời đại