Khi nhà nông sáng chế
Trong vài năm trở lại đây, phong trào sáng tạo của nông dân phát triển rất mạnh, cho ra đời nhiều thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất có tính ứng dụng và thực tế rất cao.
Không phải kỹ sư, cũng chưa một lần học về kỹ thuật điện tử, vậy mà ông Võ Minh Đức, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, đã tự mày mò sáng chế ra chiếc máy ấp trứng, giúp chuyện chăn nuôi của gia đình hiệu quả hơn. Ông Đức cho biết ý tưởng này được ông nghĩ đến từ việc trước đây ông để trứng ấp tự nhiên nên tỷ lệ nở chỉ đạt 50%. Trên thị trường, một chiếc máy ấp trứng điện tử bình thường có giá thấp nhất cũng 12 triệu đồng, nhưng một hộ thuộc diện khó khăn như ông thì làm gì có số tiền lớn như vậy. Từ đó, ông mày mò, học hỏi sáng chế chiếc máy ấp trứng tự động và cho ra đời vào cuối năm 2017 với chi phí chưa tới 2,5 triệu đồng.
Do chi phí thấp nên máy ấp trứng tự chế của ông Đức khá đơn giản gồm 1 máy điều chỉnh nhiệt độ, đồng hồ đo độ ẩm, 1 quạt gió, 4 bóng đèn… nhưng có thể ấp được khoảng 300 trứng. Ưu điểm của chiếc máy này là giúp tiết kiệm điện vì khi lò đủ 370C máy tự động tắt. Đặc biệt, trường hợp cúp điện một ngày lò vẫn giữ được nhiệt độ mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ trứng nở.
Do ông nuôi gà nòi thả lan nên số lượng gà mái sinh sản của gia đình ông còn giới hạn chỉ 20 con, mỗi tháng ông cho ra từ 180-200 con gà giống bán với giá 16.000-17.000 đồng/con, tăng thêm thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng. Không chỉ đầu tư rẻ, chiếc máy còn giúp ông Đức duy trì và phát triển đàn gà nòi truyền thống hơn chục con của gia đình với tỷ lệ đạt lên đến 90%. Dự tính trong thời gian tới, ông Đức tiếp tục nhân giống gà nòi truyền thống và mở rộng diện tích lò ấp trứng để cung ứng con giống ra thị trường.
Còn ông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng), ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh, đã sáng chế ra nhiều loại máy như xúc lúa đống trên sân, cào lúa, vô bao, kể cả các loại máy phun thuốc trên lúa, thiết bị diệt cỏ thông minh… để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
Ông Tư Sáng xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, gia đình ông cũng canh tác 7 công lúa ở huyện Vị Thủy nên ông hiểu được sự cực nhọc của nông dân trồng lúa. Nhờ biết làm nghề cơ khí nên ông đã mày mò chế tạo ra nhiều loại máy cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mặc dù đã có không ít lần thất bại, nhưng chiếc máy hút và giê sạch bụi lúa khô trước khi cho vào bao gắn với máy cào lúa tự động đảo chiều ra đời vào năm 2007 là dấu ấn đầu tiên. Đến nay, ông đã trực tiếp sản xuất ra hơn chục loại máy phục vụ trong sản xuất lúa đều được nông dân, chủ cơ sở trong và ngoài tỉnh mua về sử dụng, bởi giảm chi phí, giảm nhân công lao động. Đặc biệt, các máy của ông chế tạo ra có chi phí khá thấp, phù hợp với túi tiền của nông dân và các chủ lò sấy lúa. Với cách làm sáng tạo của mình, ông Tư Sáng cũng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016.
THANH TRÚC - HOÀI THU/Theo Báo Hậu Giang