IBM công bố 5 sáng tạo có khả năng làm thay đổi cuộc sống 5 năm tới

Dựa trên các xu thế thị trường, xã hội và các công nghệ mới, IBM vừa công bố danh sách “IBM 5 in 5”, liệt kê những sáng tạo khoa học mang tính đột phá, có khả năng thay đổi cách con người làm làm việc, sinh sống và tương tác trong vòng 5 năm tới.

Trí tuệ nhân tạo giúp phân tích sức khỏe qua giọng nói

Theo IBM, trong 5 năm tới, những gì con người nói và viết ra sẽ được sử dụng như là những chỉ số của trạng thái sức khỏe, cung cấp dấu hiệu về những căn bệnh thần kinh hoặc tinh thần ở giai đoạn đầu, có thể giúp các bác sĩ, bệnh nhân dự đoán, giám sát và theo dõi tốt hơn.

Tại IBM, các nhà khoa học đang sử dụng các bản ghi âm và ghi chép lời thoại từ các cuộc phỏng vấn khảo sát trạng thái tâm thần, kết hợp với các kỹ thuật học máy (machine learning) để phát hiện ra các mô hình trong giọng nói, nhằm giúp bác sỹ dự báo và giám sát chính xác tình trạng rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt, điên và trầm cảm.

Hiện, chỉ cần khoảng 300 từ là các thầy thuốc đã có thể dự đoán xác suất mắc chứng rối loạn tâm thần của một người.

Trong tương lai, những kỹ thuật tương tự có thể được sử dụng để giúp các bệnh nhân mắc bệnh Parkinson, Alzheimer, Huntington, các biểu hiện về hành vi như bệnh tự kỷ và tăng động…

Công nghệ siêu hình ảnh, trí tuệ nhân tạo giúp “soi” những hình ảnh mắt thường không nhìn thấy

Hơn 99,9% phổ điện từ là không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Hiện một số công cụ này được dùng để chụp hình ảnh y tế cơ thể con người, kiểm tra hành lý tại sân bay… nhưng đó vẫn là những công cụ chuyên dụng đắt đỏ, trong khi chỉ quan sát được những phần nhất định.

5 năm tới, các thiết bị hình ảnh mới sử dụng công nghệ siêu hình ảnh (hyperimaging) và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp quan sát được rộng hơn, ra ngoài phạm vi mắt thường có thể nhìn thấy.

Được tích hợp trong điện thoại, những công nghệ này có thể chụp ảnh các món ăn và thông báo về hàm lượng dinh dưỡng, đánh giá xem món ăn có đủ an toàn hay không. Hoặc chỉ cần chụp một loại thuốc, tấm séc ngân hàng có thể giúp phân biệt được sản phẩm thật và giả.

Kính soi macroscope giúp tìm hiểu chi tiết độ phức tạp mặt đất

Trong 5 năm tới, con người sẽ sử dụng các thuật toán và phần mềm học máy (machine-learning) để tổ chức thông tin về thế giới thực, nhằm đưa những dữ liệu khổng lồ và phức tạp được thu thập bởi hàng tỷ thiết bị vào phạm vi kiểm soát.

IBM gọi đó là "kính soi macroscope”, là hệ thống phần mềm và thuật toán để kết hợp tất cả những dữ liệu phức tạp của mặt đất lại với nhau và phân tích nhằm tìm ra nội hàm.

Ví dụ, bằng cách tổng hợp, tổ chức và phân tích dữ liệu về thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng, mực nước và mối quan hệ giữa chúng với hoạt động tưới tiêu, một thế hệ những người nông dân mới sẽ có những thông tin giúp họ lựa chọn đúng loại cây trồng, địa điểm trồng cấy và cách để thu được một vụ mùa bội thu trong khi vẫn bảo tồn được nguồn tài nguyên nước quý giá.

Ngoài ra, công nghệ macroscope còn có thể lập danh mục và mối tương quan phức tạp của nhiều tầng lớp và khối lượng dữ liệu khác nhau do các kính viễn vọng thu thập, nhằm dự báo các trường hợp va chạm giữa các hành tinh, tìm hiểu thêm về cấu tạo của chúng.

Các phòng khám “trên một con chip” (lab-on-a-chip) giúp theo dõi bệnh tật ở cấp độ nano

Trong 5 năm tới, những phòng khám mới lab-on-a-chip sẽ đóng vai trò của những “thám tử” sức khỏe dựa trên công nghệ nano: theo dõi những dấu hiệu vô hình trong các chất lỏng cơ thể, gửi thông tin này về môi trường điện toán đám mây một cách dễ dàng từ nhà riêng của họ và cho phép con người biết ngay lập tức khi nào cần phải đi bác sĩ.

Công nghệ này có thể được tích hợp trong một thiết bị cầm tay tiện lợi. Ngoài ra có thể được kết hợp với dữ liệu từ các thiết bị IoT như máy giám sát giấc ngủ và đồng hồ thông minh, được các hệ thống AI phân tích để lấy ra thông tin.

Khi được kết hợp với nhau, những tập hợp dữ liệu này sẽ cung cấp cho chúng ta thông tin chi tiết về điều kiện sức khỏe, cảnh báo về những dấu hiệu đầu tiên của sự cố sức khỏe, giúp ngăn chặn bệnh tật.

Tại IBM Research, các nhà khoa học đang phát triển công nghệ nano lab-on-a-chip với khả năng phân tách và cô lập những phân tử sinh học có đường kính nhỏ tới 20 nano mét – kích thước của ADN, virus và màng tế bào.

Các cảm biến thông minh sẽ phát hiện sự cố ô nhiễm môi trường với tốc độ ánh sáng

Hầu hết các chất gây ô nhiễm đều vô hình đối với mắt thường của con người. Ví dụ như khí mê tan (thành phần chính của khí gas tự nhiên), nếu bị rò rỉ vào không khí trước khi được sử dụng có thể làm nóng bầu khí quyển của trái đất.

Trong 5 năm tới, những công nghệ cảm biến mới, giá phải chăng sẽ được triển khai gần những giếng khai thác khí tự nhiên, các cơ sở lưu trữ và đường ống dẫn, cho phép phát hiện theo thời gian thực những chỗ rò rỉ vô hình.

Các mạng lưới cảm biến IoT được kết nối không dây với môi trường điện toán đám mây sẽ cung cấp khả năng giám sát liên tục.

Hiện IBM đang hợp tác với các nhà sản xuất khí tự nhiên như Southwestern Energy để thí điểm quá trình phát triển một hệ thống giám sát khí metan thông minh trong Mạng quan trắc khí metan ARPA-E.

Theo H.P (Infonet)

Bài viếtQuânTin tức