Thành phố bền vững: Ý tưởng xanh
Họ là những người trẻ đang hiện thức hóa những giấc mơ đẹp về một thành phố bền vững. Nơi mà cả cộng đồng sẽ cùng góp tay làm sân chơi cho trẻ em, và tất cả các tòa cao ốc trong thành phố sẽ trở thành những vườn treo tuyệt đẹp làm xanh mát những bê tông, nhà kính ngột ngạt…
Những ý tưởng của họ sẽ sớm thành hiện thực sau khi nhận được giải thưởng Nâng cao nhận thức về các giải pháp thành phố xanh ở Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Mạng lưới cựu du học sinh Việt Nam - Đan Mạch tổ chức.
Cuộc thi nhằm tập trung hỗ trợ Mục tiêu phát triển bền vững số 11 của Liên Hợp quốc: Xây dựng các thành phố toàn diện, an toàn, có khả năng chống chịu và bền vững. Các ý tưởng này sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng sau khi được trao giải hôm 16/12.
Thành phố của sân chơi
3 năm “ăn ngủ” với dự án Nghĩ về sân chơi trong thành phố, nhóm bạn trẻ của doanh nghiệp xã hội Think Playground đã làm hơn 60 sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội, nhưng họ không bằng lòng với những gì đã đạt được.
Không dừng lại ở đó, nhóm bạn trẻ nuôi một giấc mơ xa hơn, bền vững hơn: xây dựng được một mạng lưới trong cộng đồng luôn đau đáu “nghĩ về sân chơi trong thành phố” để chính người dân sẽ là những người tạo ra sân chơi cho con em mình, bảo vệ và chăm sóc những sân chơi đó.
Ý tưởng “Chuỗi lớp học sử dụng các nguyên liệu tái chế làm đồ chơi cho trẻ em” đã giành được giải Nhất trị giá 3.500 USD. Các lớp học này dành cho những người tình nguyện, sinh viên, cha mẹ, nhóm cộng đồng và các em nhỏ, những ai muốn tạo ra sân chơi ở không gian công cộng. Dự án giúp nâng cao khả năng tạo tác các đồ vật sử dụng cho mục đích công cộng, đồng thời khuyến khích cư dân bảo vệ chính các không gian công cộng nơi họ ở, giúp đảm bảo sự bền vững của các sân chơi chung. Dự án cũng giúp chính mỗi người dân tham gia sẽ trở thành nhà hoạt động vì môi trường.
Kim Đức, đại diện cho nhóm cho biết, với các dự án xây sân chơi cho trẻ em trước đây của nhóm thì cộng đồng dân cư chỉ tham gia giúp vài việc lặt vặt, vì vậy họ chưa thật sự tham gia vào việc tạo sân chơi cho chính con em mình, không hiểu ý nghĩa của các sân chơi này với trẻ em hoặc không biết cách để sửa chữa, nâng cấp sân chơi khi nó bị hỏng hóc khiến các sân chơi không mang lại được hiệu quả lâu dài.
Bởi vậy, ý tưởng Chuỗi lớp học sử dụng các nguyên liệu tái chế làm đồ chơi cho trẻ em mong muốn sẽ giúp cộng đồng tham gia sâu hơn, trở thành những người tạo ra và bảo vệ sân chơi cho con em mình. Nòng cốt của các nhóm cộng đồng này sẽ là các bạn đoàn viên tại cộng đồng dân cư và những người quan tâm.
Kim Đức tin ý tưởng này sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng bởi nó mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân. “Người dân thành phố quan tâm đến những nhu cầu rất thực tế của họ.
Và nhu cầu về sân chơi cho trẻ em trong thành phố cũng như nhu cầu được tự mình tạo ra sân chơi, chăm sóc sân chơi và bảo vệ sân chơi cho con em mình là nhu cầu quá thiết thực với người dân hiện nay”, Kim Đức nói và cho biết thêm. hiện ý tưởng này của Think Playground nhận được sự quan tâm lớn của T.Ư Đoàn.
Không muốn chỉ dừng lại ở việc tạo ra các sân chơi miễn phí cho trẻ em trong thành phố, Think Playground đang nuôi giấc mơ xa hơn, bền vững hơn: Tạo ra một mạng lưới những người cùng họ “nghĩ về sân chơi trong thành phố” để các sân chơi miễn phí và sáng tạo sẽ vươn đến mọi ngõ ngách thị thành, khắp nơi trong thành phố sẽ là những sân chơi- những trường học tự do và sáng tạo nhất cho trẻ em.
Thành phố của những vườn treo
Trong khi đó, các bạn trẻ ở Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực cộng đồng (CECAD) lại nuôi giấc mơ phủ xanh các tòa cao ốc lừng lững bê tông và ngồn ngộn kính màu trong thành phố. Ý tưởng của các bạn giành giải thưởng trị giá 1.500 USD.
Minh Quốc, đại diện nhóm chia sẻ, ý tưởng của các bạn là làm một dự án thí điểm “Trồng vườn trên sân thượng sử dụng phân bón hữu cơ” tại trụ sở Bộ NN&PTNT. Nếu thành công, dự án sẽ có thể được nhân rộng trên khắp Hà Nội với mức đầu tư tối thiểu.
Dự án nhằm giảm bớt vấn đề rác thải của Hà Nội bằng các sử dụng thức ăn thừa làm phân bón để trồng rau hữu cơ, đồng thời làm tăng thêm các khoảng xanh trong thành phố.
Minh Quốc cho biết, từ lâu người dân thành phố đã trồng rau trên các mái nhà, nhưng các tòa văn phòng, các cao ốc, chung cư của Hà Nội lại chưa được phủ xanh. Lựa chọn tòa nhà của Bộ NN&PTNT làm thí điểm đầu tiên, nhóm của Minh Quốc muốn tác động vào nhận thức và thói quen của tầng lớp cán bộ, viên chức nhà nước.
Theo các bạn, nếu tạo ra sự thay đổi nhận thức và thói quen từ bộ phận cán bộ, công chức này thì chắc chắn sẽ có tác dụng lan tỏa lớn trong cộng đồng.
NPV - Báo Tiền phong