Nữ sinh viên "tuyển chọn" vi khuẩn biến mỡ cá thành nhựa sinh học

Sau khi phân lập và tuyển chọn, vi sinh vật sẽ tiếp tục được nuôi cấy trong môi trường mỡ cá ba sa và chuyển mỡ cá thành nhựa sinh học thân thiện với môi trường.

Cô sinh viên Sư phạm mê khoa học

Đề tài "Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoate (PHA)” là của Vũ Thị Mai Anh (23 tuổi), sinh viên trường ĐH sư phạm Hà Nội. Đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng này đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực công nghệ thực phẩm, cuộc thi Euréka 2017 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Mai Anh chia sẻ, hiện nay các sản phẩm làm từ nhựa mà con người đang sử dụng chủ yếu được tổng hợp từ các chất có nguồn gốc từ dầu mỏ. Điều này khiến nhựa có thời gian phân hủy rất lâu, ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, sản phẩm nhựa sinh học (PHA) được tạo ra trong nghiên cứu có khả năng phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật trong môi trường.

Cụ thể, nghiên cứu của Mai Anh sử dụng vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoate (PHA), còn gọi là nhựa sinh học.

Ban đầu, Mai Anh phải tìm vi sinh vật (gọi là chủng) có trong đất. Sau đó, Mai Anh sẽ sử dụng phương pháp phân lập vi sinh vật trong phòng thí nghiệm để xác định chủng là loài gì.

“Tiếp đến em sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học của chủng, rồi nuôi chúng trong môi trường có mỡ cá basa để chủng đó sử dụng và chuyển hóa mỡ cá thành PHA. PHA sau đó được tách chiết ra khỏi tế bào và tinh sạch để thu được sản phẩm nhựa sinh học” - Mai Anh chia sẻ.

Nhựa sinh học thành phẩm có thể chế tạo ra hầu hết các sản phẩm nhựa thông thường sản xuất ra nhờ các đặc tính: không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không thấm nước, không cho không khí đi qua… Tính chất của nhựa sinh học hoàn toàn tương tự với nhựa thông thường, nhưng nhờ có khả năng tự phân hủy nên thân thiện với môi trường hơn.

Nhận định về công trình nghiên cứu này, PGS.TS Đoàn Văn Thược, Phó trưởng khoa sinh học, trường ĐH sư phạm Hà Nội cho biết, ông đánh giá cao công trình nghiên cứu này.

Hướng nghiên cứu này có thể mở ra những triển vọng trong việc sản xuất các loại nhựa sinh học, thân thiện với môi trường tại Việt Nam. Tác giả đề tài cần tiếp tục nghiên cứu để có thể hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất” - PGS Thược nói.

Ước mơ đưa khoa học đến với học sinh

1513834362-mo-ca-thanh-nhua--2-.jpg

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống dạy học, khi cha mẹ Mai Anh đều làm công việc kinh doanh. Nhưng cô học trò mê khoa học lại rẽ lối đi riêng vào ngành sư phạm với lý do "thần tượng" cô giáo mình. Đó là cô giáo dạy hóa học thời cấp 3 của Mai Anh. 

"Cô giáo không dạy học theo phương pháp truyền thống mà luôn đổi mới để học sinh tiếp cận kiến thức tốt hơn. Cô thường xuyên chiếu các video clip mô tả về các hiện tượng hóa học, các phản ứng rất gần gũi với cuộc sống. Điều này khiến nhiều học sinh rất yêu quý cô vì kiến thức trở nên dễ nhớ, dễ hiểu" - Mai Anh nói.

Đến khi bước vào giảng đường ĐH, Mai Anh bị ảnh hưởng bởi những phương pháp dạy học đó vào việc nghiên cứu của mình.

"Một công trình nghiên cứu khoa học sẽ trở nên hấp dẫn hơn và có giá trị thực tế hơn khi nó gắn với những vấn đề cuộc sống" - Mai Anh chia sẻ.

Đề tài nghiên cứu “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành Polyhydroxyalkanoate (PHA)” cũng xuất phát từ những suy nghĩ như vậy. Suốt thời gian đằng đẵng 2 năm trời "ăn ngủ" trong phòng thí nghiệm của trường, Mai Anh rút ra một bài học lớn cho mình. Đó là chỉ có làm việc hết mình thì mới có được thành quả.

"2 năm trời nhiều đêm không ngủ vì thí nghiệm thất bại nhưng em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Chính niềm tin đó cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô đã giúp em vượt qua mọi khó khăn để có những thí nghiệm thành công sau này" - Mai Anh chia sẻ.

Để hướng đề tài nghiên cứu mình vào trong môi trường giáo dục, trong thời gian tới Mai Anh sẽ xây dựng một nội dung chương trình học về đề tài này nhằm đưa nó đến với học sinh.

"Em sẽ đơn giản hóa quá trình nghiên cứu để biên soạn thành một chương trình học để học sinh dễ tiếp cận, và có những gợi mở để các em hướng suy nghĩ của mình vào những kiến thức khoa học mới mẻ hơn" - Mai Anh chia sẻ.

Hà Thế An - Báo Khám phá

TinQuânTin tức, sáng kiến