Nhà sáng chế "nhí" đoạt giải nhất cuộc thi Sáng kiến cộng đồng 2017

Không riêng gì nhà khoa học, giáo viên, thanh niên, thậm chí là những em thiếu nhi lớp 5 cũng đã có những sáng kiến xuất phát từ những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, góp phần tạo dựng một xã hội sáng tạo.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (phải), Bà Lương Thị Bích Ngọc (ngoài cùng bên trái), Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, chụp ảnh lưu niệm với tác giả đoạt giải nhà sáng kiến cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (phải), Bà Lương Thị Bích Ngọc (ngoài cùng bên trái), Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, chụp ảnh lưu niệm với tác giả đoạt giải nhà sáng kiến cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

Đó là mục tiêu của cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng do Tạp chí Khám phá, phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng ngày 25/12/2017.

Mặc dù trời mưa tầm tã do ảnh hưởng của cơn bão số 16 nhưng những nhà sáng chế vẫn có mặt đông đủ tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng kiến cộng đồng, lần 2. Một điều đặc biệt, họ đều là những nhà sáng chế không chuyên, từ giáo viên, học sinh, thậm chí những em học sinh lớp 5 tại huyện đảo Cần Giờ - mảnh đất nghèo khó bậc nhất của Sài Gòn.

Cô Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên dạy văn, trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ cảm xúc rất bất ngờ khi biết tin mình đoạt giải tại cuộc thi.

Cô Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên trường THPT Phú Nhuận nhận giải Nhì dành cho hạng mục nhà sáng kiến cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

Cô Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên trường THPT Phú Nhuận nhận giải Nhì dành cho hạng mục nhà sáng kiến cộng đồng. Ảnh: Hà Thế An.

“Mình chỉ muốn góp sức để học sinh có thể học văn dễ hiểu hơn, những tiết văn của mình sống động hơn. Lúc đó là mình đã cảm thấy hạnh phúc rồi” - cô Hương trải lòng.

Kể về sáng chế “Dạy văn bằng… game”, cô Hương cho biết, hiện nay trò chơi này đã được phổ biến rộng rãi tại trường THPT Phú Nhuận nơi cô đang công tác. Trò chơi đã được đăng tải lên webiste của trường để học sinh trong và ngoài trường có thể dễ dàng tiếp cận.

Cô Hương kể, cô vốn không biết nhiều về công nghệ. Do đó, để làm được sản phẩm này, cô phải học hỏi và nhận sự giúp đỡ rất nhiều từ chính học sinh của mình.

“Các em đã giúp đỡ tôi rất nhiều về việc thiết kế trò chơi, còn việc đặt ra các câu hỏi cũng như những thông tin trong game là do tôi thực hiện. Điều gì mình không biết thì mình sẵn sàng học hỏi, dù đó là học sinh của mình. Vì các em hiện nay có sự nhanh nhạy, khả năng tiếp thu công nghệ tốt hơn ngày xưa rất nhiều” - cô Hương chia sẻ.

Khả năng tiếp thu công nghệ rất tốt của học sinh cũng được minh chứng tại cuộc thi năm nay. Bằng sự sáng tạo của mình, Chử Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đã phát triển sản phẩm găng tay hỗ trợ cho người khiếm thính.

Hai học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM nhận giải dành cho nhà sáng kiến cộng đồng là Phạm Thiên Tân (trái) và Chử Hoàng Minh Đức. Ảnh: Hà Thế An.

Hai học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM nhận giải dành cho nhà sáng kiến cộng đồng là Phạm Thiên Tân (trái) và Chử Hoàng Minh Đức. Ảnh: Hà Thế An.

Phạm Thiên Tân cho biết, câu chuyện thực hiện sản phẩm xuất phát từ những chuyến đi tình nguyện tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Những người khiếm thính rất khó giao tiếp với người bình thường và phải có người phiên dịch.

“Nhóm muốn tạo ra một sản phẩm có thể xóa đi khoảng cách của người bình thường và người khiếm thính. Chiếc găng tay của nhóm em ra đời vì lý do đó” - Tân cho hay.

Hai cậu học trò đã biết căn phòng học tập của mình thành một “công xưởng” thực sự với rất nhiều trang thiết bị như dây diện, đồng hồ đo điện vạn năng, bút hàn mạch điện….

“Sản phẩm ra đời và đã được thử nghiệm thực tế, nhận được những phản hồi tốt từ người dùng là thành công lớn nhất mà tụi em có được” - Chử Hoàng Minh Đức cho hay.

Những em học sinh tiểu học cũng không hề tỏ ra kém cạnh các anh chị của mình. Ba em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm và Nguyễn Thị Ngọc Nhung và Võ Thị Ngọc Lan, trường tiểu học Bình Mỹ, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã tạo ra một sản phẩm áo phao bằng… chai nhựa. Sản phẩm này đã đạt giải Nhất dành cho nhà sáng kiến cộng đồng. 

Giái nhất cuộc thi thuộc về nhóm sáng kiến chế áo phao từ chai nhựa của học sinh Cần Giờ.

Giái nhất cuộc thi thuộc về nhóm sáng kiến chế áo phao từ chai nhựa của học sinh Cần Giờ.

Quỳnh Trâm cho biết, khu vực em sinh sống là vùng sông nước. Học sinh đến trường phải di chuyển bằng ghe, xuồng. Việc có cho mình một chiếc áo phao cứu sinh để đảm bảo an toàn dường như là một mong ước xa vời của những học sinh vùng quê còn nghèo khó này.

Nhiều buổi đi chơi ở bờ sông, tụi em thường sử dụng chai nhựa và bỏ hoa, cỏ và các vật dụng mình thích vào chai rồi thả theo dòng nước trôi. Những lần đi chơi như vậy em lại nghĩ đến vấn đề, tại sao không sử dụng những chiếc chai nhựa làm phao cứu sinh” - Quỳnh Trâm cho biết.

Có thể thấy rằng, những sản phẩm sáng tạo của các tác giả luôn gắn liền với những vấn đề thiết thực mà họ trực tiếp nhìn thấy được trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận sáng kiến, sáng chế luôn xuất phát từ các vấn đề của cuộc sống. Những vấn đề này thôi thúc những nhà sáng chế tìm ra giải pháp để giải quyết nó. Sáng chế không chỉ thuộc về nhà khoa học mà còn là của cả cộng động miễn là mỗi người đều xem vấn đề như một bài toán của mình và quyết tâm đi tìm cách giải quyết nó.

“Cuộc thi sáng kiến cộng đồng là nơi tôn vinh những tác giả không chuyên từ cộng đồng. Chúng tôi hy vọng cuộc thi sẽ lan tỏa đến mỗi cá nhân và tạo dựng một xã hội sáng tạo” - ông Dũng cho hay.

Dưới đây là một số giải thưởng cho các sáng kiến cộng đồng và nhóm giải cho các cơ quan báo chí:

 
 

Hà Thế An - Báo Khám phá